Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu 649 tỷ đồng từ livestream bán hàng lậu sau 2 năm

Tổng cục QLTT cho biết sau gần 2 năm livestream bán hàng lậu, kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai thu về hơn 649 tỷ đồng. Chi phí phát sinh mỗi tháng ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Ngày 7/7, hơn trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... cùng dàn máy móc để livestream đã bị phát hiện trong kho hàng lậu có diện tích hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai. Đây là vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Trao đổi với Zing, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết qua rà soát chứng cứ tại hiện trường, từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú, chủ kho hàng chuyên livestream bán hàng lậu, và 5 đối tượng trong nhóm là trên 649 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng nhận định nhóm đối tượng đã tính toán rất kỹ khi đặt tổng kho tại Lào Cai. Cụ thể, do tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu biên giới là có thể nhập kho lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của các cơ quan chức năng; chi phí thuê mặt bằng rộng cả hecta tại Lào Cai rẻ hơn nhiều so với tại các thành phố lớn.

Thu 649 ty dong tu livestream ban hang lau sau 2 nam anh 1

Hàng hóa tại kho bị tạm giữ nghi giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci. Ảnh: Báo Công Thương.

Bên cạnh đó, chi phí nhân công tại Lào Cai cũng rất rẻ. Những lao động phổ thông, chốt đơn hàng trên livestream, làm việc cả ngày chỉ được trả bình quân 5-7 triệu đồng; cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả 7-10 triệu đồng; người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng. Cá biệt là một số nhân viên dẫn livestream được trả hơn 80 triệu đồng/tháng.

Tổng cục QLTT ước tính tổng các loại chi phí của tổng kho này trong 1 tháng xấp xỉ 2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đáng kể nhất là chạy quảng cáo trực tuyến mất gần 400 triệu đồng/tháng, chi phí cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng và một loại chi phí được kê là “luật lá” 20 triệu đồng/tháng.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết trong kho hàng lậu, hàng hóa được phân khu khá bài bản, được đánh mã số thống nhất để tiện cho việc chốt đơn, lấy hàng và đóng gói gửi đi. Tại bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 70 nhân viên làm việc.

Theo lời khai ban đầu của chủ cơ sở, doanh thu của kho những tháng gần đây đạt hơn 10 tỷ đồng/tháng, với 30.000-40.000 đơn hàng bán ra mỗi tháng. Trung bình mỗi đơn hàng có 2,8-3 sản phẩm, tức gần 100.000 đơn vị sản phẩm tuồn ra thị trường mỗi tháng.

Sau 4 ngày kiểm đếm, Tổng cục QLTT ghi nhận tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát. Ngoài lực lượng chức năng, Tổng cục QLTT còn phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ hàng được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong.

Đoàn kiểm tra đã ra quyết định tạm giữ, lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, theo thủ tục hành chính và niêm phong toàn bộ hàng hóa trên cùng 2 ôtô tải 5 tấn, 49 bộ máy tính, 1 laptop, 2 két sắt, 1 đầu thu camera, 1 máy in tem dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng phối hợp và chính quyền địa phương.

Thời gian qua, hàng chục nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng bán qua livestream trên các trang mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng thu giữ và xử phạt. Lực lượng chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng ở những website, cửa hàng uy tín để không bị lừa mua hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Hồi cuối tháng 2, Tổng cục QLTT cũng đã thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368) nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử.

Bài liên quan

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm