Xưởng đóng giày nhỏ nằm trong khuôn viên Bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) mỗi năm cung cấp miễn phí hàng ngàn đôi giày cho bệnh nhân phong khắp cả nước.
|
Xưởng có 6 thợ giày, mỗi tháng từng người thay phiên nhau đi đến các làng phong thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đo giày và tặng giày miễn phí cho người bệnh. Mỗi năm, xưởng gia công 2.500 đôi giày “đặc biệt”. Giày đặc biệt nên cách đóng giày cũng đặc biệt. Mỗi người thợ phải chịu trách nhiệm hoàn thiện đôi giày cho người bệnh thuộc phạm vi quản lý của mình. Từ khâu đo đạc, thiết kế, gia công đến hoàn thiện, người thợ phải mất 24 giờ đồng hồ.
|
|
Trước khi lên khuôn đóng giày, người thợ lặn lội những chuyến đường dài tìm đến người bệnh. Họ lội suối, qua đèo, lên nương lên rẫy đi tìm những đôi chân. “Ngoài người bệnh sống tập trung ở những làng phong, hầu hết anh em phải lặn lội đến những vùng xa tìm bệnh nhân đo chân cho họ. Người bị bệnh phong tự ti, lo sợ nên họ sống tách biệt cộng đồng lắm. Những người bệnh ở vùng đồng bào dân tộc càng khó tìm, khó đo hơn nữa”, anh Lê Văn Đức, một thợ làm giày, cho biết.
|
|
Lý giải sự đặc biệt của nghề, anh Đức nói: “Đóng hàng trăm, hàng ngàn đôi giày cho bệnh nhân phong mà chẳng đôi nào giống nhau. Trước khi đi đóng giày phải đi đo chân, đo xong về đóng tùy theo mẫu, đóng xong giày rồi mang đến thuyết phục người ta mang. Hành trình đó có khi mất cả tháng trời ròng rã. Ấy là người bệnh chịu khó đeo giày, còn người giấu bệnh thì đôi khi thợ giày phải làm công tác tư tưởng mới được đo chân, lấy mẫu đóng giày và giúp đôi giày phát huy hiệu quả”.
|
|
Rất nhiều chuyến đi của thợ giày diễn ra trong mưa gió, ì ạch kéo xe trên những đường núi, đồi của Gia Lai, Kon Tum... Hay những chuyến về làng ở Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên) hỏi thăm người bệnh nhưng bị làng từ chối, bị người bệnh lánh mặt. Rong ruổi cả tháng trời, đo được đôi chân, làm xong đôi giày rồi mang giày trở lại nhưng người bệnh không nhận. Có lúc họ nhận nhưng thợ quay lưng đi thì họ mang đi cất không mang. Cái khổ của người đóng giày “đặc biệt” không phải khổ công, khổ sức mà khổ khi người bệnh không nhận giày.
|
|
“Người bị bệnh phong thường không muốn ai biết, nên khi mang những đôi giày này, họ sợ người khác phát hiện. Tìm đến họ đã khó, thuyết phục họ mang giày còn khó hơn. Rất nhiều người từ chối mang giày vì sợ người khác dị nghị, phải mất nhiều thời gian tôi mới thuyết phục được họ. Một trường hợp bệnh nhân ở Phú Yên, sau khi ra điều trị tại Bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hòa, tôi đã đo giày cho ông. Nhưng ông sợ người khác phát hiện, ảnh hưởng đến con cháu nên không mang. Mất 5 năm, tôi mới thuyết phục được ông mang giày khi bệnh của ông đã trở nặng. Từ đó đến nay, mỗi năm 2 lần tôi đều mang giày mới cho ông”, anh Lê Văn Quyền (47 tuổi) kể.
|
|
Anh Nguyễn Văn Tâm, Tổ trưởng tổ sản xuất giày, cho hay: “Giày của bệnh nhân phong không phải là những đôi giày bình thường. Giày phải phù hợp với chân người bệnh để giảm nhẹ thương tật và đau đớn. Thế nên trước khi bắt tay vào đóng giày, anh em phải đi tận nơi đo chân họ. Hàng trăm mẫu giày nơi đây không mẫu nào giống mẫu nào”.
|
|
Giày cho người bệnh phong phải có thiết kế phù hợp để giảm nhẹ thương tổn, chất liệu riêng biệt. Các đôi giày ở xưởng được làm bằng chất liệu da, hoặc giả da (simili). Giày cho người bệnh phong không quan trọng về hình thức mẫu mã, chủ yếu là thông số kỹ thuật. “Tôi đang hoàn thiện mẫu giày cho một bệnh nhân phong nặng ở Phú Yên. Một chân còn lành lặn, một chân đã bị ăn mòn hết cả ngón nên đôi giày này chiếc dài dùng cho bàn chân lành, chiếc thiết kế đặc biệt ôm trọn đến gối... Trước khi đóng, tôi tự mình về đo mẫu chân của người bệnh, xem mức độ thương tật để hoàn thành sản phẩm.Sắp tới, khi đi giao giày cũng phải mang theo đồ nghề để chỉnh sửa, bởi qua mỗi ngày thông số kỹ thuật của người bệnh khác đi”, anh Tâm chia sẻ.
|
|
Anh Lê Văn Quyền cho biết, có người nhà mắc bệnh phong nên anh thấu hiểu những đau đớn của người bệnh. Cách đây 10 năm, anh đưa bố vào dưỡng bệnh ở Quy Hòa, còn anh ở lại gắn bó với công việc đóng giày cho bệnh nhân phong. Hai người con của anh lớn lên cũng xin vào công tác tại Bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hòa. Anh nói, công việc nào cũng khó khăn, việc đóng giày cho người bệnh phong ngoài chịu khó, chịu khổ phải có thêm tình cảm, chia sẻ với người bệnh.
|
|
Một người thợ bộc bạch: “Làm việc trước hết là vì mưu sinh, có đồng tiền, bát gạo nuôi sống bản thân và gia đình mình. Công việc này mỗi tháng mang lại thu nhập 3 triệu - 4 triệu đồng, như vậy cũng tạm ổn để anh em chúng tôi chăm lo cho gia đình mình. Nhưng làm thợ giày “đặc biệt” như chúng tôi phải có tình cảm, chia sẻ với người bệnh mới gắn bó với nghề lâu bền được”. Hằng tháng, mỗi người thợ hoàn thành định mức 24 đôi. Tuy nhiên, mọi người thường tranh thủ làm cả ngày thứ 7, Chủ nhật để có được nhiều sản phẩm phục vụ người bệnh. |
http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/nghe-dong-giay-ky-la-cho-nhung-doi-chan-khong-con-ngon/a131193.html
Theo Thu Dịu/Phụ nữ TP.HCM
(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)
Bình Định
đóng giày
nghề kỳ lạ
doanh nghiệp