Nguyễn Nguyên là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học tại Hà Nội. Dù có tấm bằng tài chính ngân hàng nhưng cô lại không thể xin việc vào đúng vị trí mà mình được đào tạo, nên Nguyên đành tìm cơ hội với lời quảng cáo tuyển nhân viên tư vấn tài chính của một công ty chuyên thực hiện đầu tư trực tuyến.
Cô gái 23 tuổi vượt qua vòng loại hồ sơ rất dễ dàng với bảng điểm đẹp, bằng cấp tốt. Nguyên được tham gia một buổi học với tổ trưởng về các kiến thức nền của nghề môi giới, thực hiện bài kiểm tra EQ, cài đặt một phần mềm giao dịch trên máy tính và bắt đầu tham gia các khóa huấn luyện về sàn vàng. Công ty yêu cầu nhân viên phải nộp bằng gốc, và chỉ được lấy bằng ra sau một năm, dù còn hoặc không còn ở lại.
"Trong mọi khóa huấn luyện về kỹ thuật giao dịch, chiến lược và cả môi giới, điều mà các tổ trưởng, nhóm trưởng luôn nhắc nhở tôi là không được nói mình làm môi giới ở sàn vàng. Đó là điều cấm kỵ. Thay vào đó, họ thuyết phục chúng tôi rằng công ty đang giao dịch vàng vật chất, nhưng dưới dạng tài khoản với một máy chủ ở nước ngoài. Tất cả sự thay đổi của tài khoản đều hiện rõ trên phần mềm, khách nếu muốn lấy tiền hoặc vàng vật chất, sẽ phải đáp ứng những yêu cầu của công ty", Nguyên chia sẻ.
Ký kết một hợp đồng đầu tư vàng vật chất nhưng khách hàng và nhân viên các sàn vàng này không bao giờ nhìn thấy hay được cầm tới vàng thật. |
Giá trị tài khoản tối thiểu của khách hàng là 30 triệu đồng. Khách phải chơi tối thiểu 10 lot (đơn vị tính khối lượng trong giao dịch vàng tài khoản) mới được phép tất toán. Con số 30 triệu đồng chỉ là tiền ký quỹ, thực tế được chơi với đòn bẩy tài chính cao gấp hàng trăm lần như thế. Tài khoản muốn tất toán có thể rút bằng tiền hay bằng vàng là tùy thuộc vào khách, nhưng Nguyên chưa từng thấy ai có thể lựa chọn vàng vật chất khi muốn rút chân khỏi công ty.
Nhân viên tại sàn được chia thành tổ, mỗi tổ có khoảng 5 - 10 người, đứng đầu là tổ trưởng. 2 tổ trở lên lập thành một nhóm, và mỗi ngày đều có một buổi họp chiến lược vào buổi sáng và họp doanh số vào buổi chiều. Cứ có một khách mở tài khoản, nhân viên sẽ được nhận ngay một khoản thưởng nóng, kèm theo đó là phí môi giới định mức khi khách giao dịch đủ một lượng nhất định. Còn nếu không có khách, hoặc không có giao dịch, mỗi tháng, nhân viên chỉ được nhận một khoản lương cố định khoảng 1,2 triệu đồng.
Nguyên cho biết, để có khách, cô phải gặp rất nhiều người, chi rất nhiều tiền cho những buổi cà phê thuyết phục khách, chi phí đi lại cũng như liên lạc. Đôi khi, cô mất một ngày ròng rã ở sàn chứng khoán để tìm các đối tượng tiềm năng (được các tổ trưởng và nhóm trưởng gợi ý), nhưng công việc hoàn toàn dậm chân một chỗ.
"Ban đầu tôi thấy những khó khăn này không thành vấn đề, bởi đây là một hoạt động đầu tư mới, mà theo công ty thì 'hiện tại cấm, chứ tương lai nhất định không thể cấm'. Thế nhưng, khi bạn nhận thức đầy đủ rằng mình đang làm một việc phạm pháp, bạn sẽ cảm thấy rất thiếu tự tin, trong khi kiến thức về giao dịch ra sao để đạt hiệu quả thì lại chỉ được nói một cách đơn giản rằng cứ làm, sẽ có người hỗ trợ. Sau một tháng, nhân viên nào không có khách sẽ bị tổ trưởng liên tục thúc giục, đôi khi gợi ý rủ người thân hoặc tự mình tham gia, với lời hứa hẹn rằng nếu bản thân kiếm được lời thì càng dễ thuyết phục khách", cô kể.
Một cách khác mà những người làm nghề này truyền tai nhau là thiết lập một hệ thống cộng tác viên. Cộng tác viên khi đó chỉ mang khách về, hoàn toàn không biết về phần mềm giao dịch. Mỗi cộng tác viên sẽ được hưởng một khoản tiền 200.000 đồng nếu mời được một khách ký hợp đồng, và chia sẻ 30% lợi nhuận định mức theo doanh số. Khi đạt được số lượng khách hàng nhất định, cộng tác viên sẽ được tuyển dụng mà không cần qua các bước phỏng vấn, làm bài kiểm tra.
"Muốn thu hút được cộng tác viên và khách hàng, tôi phải tạo ra cho mình vẻ ngoài thành đạt. Những lần đi cùng cộng tác viên, tôi phải chi tới tiền triệu để mời ăn, mời đi chơi, chỉ để họ tin tưởng. Chúng tôi thường tự ví mình là 'những tên ăn mày chi tiêu như tỷ phú'. Với áp lực của các sếp, không ít đồng nghiệp của tôi buộc phải lấy tiền của chính mình để mở tài khoản, và họ thường thua trắng, để rồi lại tự buộc mình vào công ty nhằm gỡ lại số tiền đã mất.
Càng vào sâu trong công ty, tôi càng thấy một thực tế rằng nó chẳng khác gì nhiều với việc lập một kênh bán hàng đa cấp. 95% khách hàng đã tham gia không thể có lãi, bởi công ty o bế lệnh đặt mua hoặc bán của khách trên tài khoản tổng. 5% còn lại có lãi, nhưng rất ít ỏi, và không ai trụ lại môi trường này đủ lâu để có mức lợi nhuận trung bình mà công ty vẫn hứa hẹn (10-20%)".
Tại Việt Nam, kinh doanh vàng tài khoản đã bị cấm từ tháng 3/2010. Các sàn vàng tại Việt Nam hiện nay phần lớn dưới dạng sàn giao dịch hàng hóa. Trong thời gian vừa qua, một số vụ việc cơ quan điều tra vào cuộc xử lý sàn vàng diễn ra tương đối phổ biến. Song sức hấp dẫn của nghề làm việc ở sàn vàng hay người chơi vàng tài khoản vẫn còn rất nóng.
Một nhà đầu tư vàng tên Thảo (quê ở Vĩnh Phúc) cho biết, giai đoạn 2009-2010, anh "đánh" vàng suốt nhiều đêm ròng rã. Chỉ là nhà đầu tư "cò con", song thành quả mang về là một căn liền kề tại khu đô thị sát đại lộ Thăng Long hiện tại và một chiếc ô tô. Anh Thảo dẫn ví dụ và kết luận điều đó đủ để thấy sức hấp dẫn của cuộc chơi đầy may rủi trên sàn vàng. Nhà đầu tư này còn tiết lộ, những người bạn chơi vàng của anh sẵn sàng chi cả đống tiền để "tip" cho người môi giới nếu như họ đánh thắng, nhất là ở những "trận" to.