Trong vài tuần qua, thế giới công nghệ đang đổ dồn sự chú ý vào lời thách đấu của tỷ phú Elon Musk dành cho nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
Thực tế, ứng dụng có tên Threads mới chính là nguồn cơn khiến Musk thách đấu Zuckerberg. Ông chủ Twitter cho rằng việc một nền tảng như vậy được ra mắt sẽ khiến thế giới "bị thao túng và kiểm soát độc quyền bởi Mark Zuckerberg".
Threads - nền tảng tương tự Twitter do Meta phát triển. Ảnh: AP. |
Trận đấu tay đôi của Musk và Zuckerberg có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng cuộc chiến trên không gian ảo giữa hai vị tỷ phú ngành công nghệ này đã bắt đầu từ tham vọng của ông chủ Meta với Threads.
Fediverse - "liên kết" trong một "vũ trụ"
Thứ ba vừa qua (4/7), Meta thông báo sẽ ra mắt Threads - một ứng dụng nhằm đối đầu Twitter - trên App Store vào ngày 6/7.
Đây được miêu tả là một ứng dụng hội thoại dạng văn bản của Instagram, trong đó người dùng có tên tài khoản như tên trên Instagram và danh sách bạn bè cũng tương tự.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng ứng dụng này, tờ Fortune đặc biệt lưu ý đến cụm từ "Fediverse" trong điều khoản nội dung của Threads.
Nghe có vẻ tương tự như Metaverse, một thất bại đắt giá và được thổi phồng quá mức khiến Zuckerberg phải đổi tên Facebook thành Meta.
Mark Zuckerberg cho biết ứng dụng cạnh tranh trực tiếp với Twitter đạt 10 triệu lượt đăng ký chỉ vài giờ sau khi ra mắt. Ảnh: Reuters. |
Hiện tại, khi Zuckerberg dường như đã phần nào chấp nhận thất bại với Metaverse, dường như Fediverse sẽ là cái tên nối tiếp giấc mơ còn dang dở của nhà sáng lập Facebook.
Fediverse là tên gọi những máy chủ độc lập liên kết với nhau trong mạng xã hội liên kết, sự kết hợp của các từ “liên kết” và “vũ trụ”.
Nói một cách đơn giản, khái niệm này ám chỉ việc các máy chủ phi tập trung, bao gồm cả các bên thứ ba, có thể chia sẻ dữ liệu với nhau.
Vì vậy, dù Threads được đánh giá là bản sao của Twitter, nhưng sự khác biệt cơ bản của ứng dụng trò chuyện và thảo luận bằng văn bản, như cách gọi của Meta, với tư cách là một nền tảng phi tập trung là rất đáng kể.
Cụ thể, cũng giống như các ứng dụng mạng xã hội khác trong Fediverse, Threads thực sự sẽ là một tập hợp các máy chủ riêng biệt do người dùng thiết lập. Đây cũng là cách làm tương tự mà đối thủ cạnh tranh của Twitter là Mastodon đang vận hành.
Khi người dùng tạo ra một máy chủ và muốn gửi nội dung của họ cho những người dùng trên một máy chủ khác, thì những máy chủ đó sẽ trở thành mối “liên kết” và có thể giao tiếp tài nguyên với nhau.
Bước đi tiên phong của Meta
Threads sẽ là bước đột phá đầu tiên của Meta vào mạng xã hội mở. Ý tưởng của Meta về Threads là cho phép mọi người kết nối với nhau trên nhiều ứng dụng khác nhau.
Thực tế, tính năng đăng chéo đã xuất hiện trong nhiều năm. Đây dường như là một nỗ lực có mục đích của Meta nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của Threads tới tất cả người dùng phương tiện mạng xã hội bằng môi trường không giới hạn các ứng dụng có thể tham gia.
Sơ đồ vận hành hiện tại trong Fediverse. Ảnh: Wikimedia Commons. |
“Một ngày nào đó, bạn có thể sẽ rời khỏi Threads và nền tảng này sẽ bị loại bỏ. Nếu điều đó xảy ra, bạn sẽ muốn đưa người theo dõi của mình đến một máy chủ khác. Nền tảng mở có thể cho phép điều đó”, Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram đưa ra ví dụ về cách truy cập của Threads đối với người dùng.
Điều mà ông Mosseri mô tả về cơ bản là tính năng cho phép người dùng Instagram tự động đồng bộ người theo dõi của họ khi tham gia Threads.
Meta đang có kế hoạch hợp tác với ActivityPub, một nhà cung cấp đã hợp tác với Mastodon và song song thực hiện thỏa thuận với Tumblr. Thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất, nhưng đã được tham chiếu trong các thông cáo báo chí thông báo về Threads.
“Điều này sẽ giúp người dùng Threads có thể tương tác với các ứng dụng khác cũng hỗ trợ giao thức ActivityPub, chẳng hạn như Mastodon và WordPress, cho phép các loại kết nối mới mà không thể thực hiện được trên hầu hết ứng dụng mạng xã hội hiện nay”, Meta cho biết trong thông báo ra mắt Threads.
Việc một gã khổng lồ công nghệ như Meta tham gia vào một nền tảng phi tập trung như Fediverse là minh chứng cho thấy tiềm năng của mạng xã hội phi tập trung.
Bằng cách đưa Threads vào Fediverse, mục đích chính của Meta sẽ là tận dụng hiệu ứng mạng hiện có và tiếp cận tệp cơ sở người dùng rộng hơn.
Thêm vào đó, các luồng trong liên kết đa dạng sẽ cho phép người dùng Meta kết nối và giao tiếp với người dùng trên các nền tảng được liên kết khác, phá vỡ rào cản giữa các mạng xã hội khác nhau và thúc đẩy một thế giới kỹ thuật số cởi mở và kết nối hơn.
Ngoài ra, khi gia nhập Fediverse, Threads sẽ cho phép người dùng từ nhiều nền tảng khác nhau có thể tương tác liền mạch. Động thái này khuyến khích cạnh tranh, đổi mới và trao quyền cho người dùng vì giờ đây, họ có thể chọn nền tảng phù hợp nhất với nhu cầu và giá trị sử dụng của bản thân.
Threads tích hợp Fediverse sẽ là bước đột phá đầu tiên của Meta vào mạng xã hội mở. Ảnh: Sportskeeda. |
Bên cạnh đó, quyền sở hữu dữ liệu và quyền riêng tư cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút người dùng.
Với Fediverse, người dùng có quyền kiểm soát tốt hơn đối với dữ liệu và quyền riêng tư của chính mình, giảm sự phụ thuộc vào các dữ liệu tập trung, mang lại khả năng lưu trữ dữ liệu cá nhân trên máy chủ của riêng mình.
Bước đột phá của Meta vào một nền tảng mở như Fediverse cũng chính là lời thách thức sự thống trị của các nền tảng mạng xã hội tập trung, thúc đẩy một bối cảnh cạnh tranh hơn.
Sự đa dạng hóa này làm giảm nguy cơ một thực thể duy nhất có quá nhiều quyền kiểm soát đối với quyền tự do ngôn luận và dữ liệu người dùng, vấn đề nan giải mà thậm chí chính Facebook hay Twitter cũng chưa thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho người dùng.
Hiểu về metaverse để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai
Trong "Metaverse - Vũ trụ kỹ thuật số" , tác giả cuốn sách đem đến hiểu biết cơ bản về metaverse, tầm quan trọng của nó đối với con người cùng các ngành công nghiệp khác nhau.