Ngày 6/5, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, hiện huyện này đã triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập các xã trên địa bàn và đặt tên mới sau sáp nhập. Cụ thể có 13 xã đã hoàn thiện việc lấy ý kiến người dân và đồng ý theo phương án sáp nhập, đặt tên của huyện. Riêng hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu chưa thực hiện do đang chờ chỉ đạo của tỉnh.
Quỳnh Đôi, nơi được biết đến là xã có khoa bảng nhiều nhất nước. |
Ông Dinh cho biết, theo yêu cầu của tỉnh thời gian qua chính quyền địa phương vận động giữ lại tên Quỳnh Đôi để đặt tên mới sau sáp nhập hai xã. Tuy nhiên việc đặt tên Quỳnh Đôi chưa được sự đồng thuận của người dân nên hiện nay huyện đang chờ để làm việc, báo cáo và xin ý kiến từ Ban chỉ đạo của tỉnh. “Tên Quỳnh Đôi người dân chưa thuận nên chờ vào để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh có cho đổi tên hay không?”, ông Dinh nói và cho hay, sau khi có ý kiến của tỉnh mới tiếp tục triển khai các quy trình và lấy ý kiến người dân.
Được biết trước đó Ban thường vụ hai xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi cùng tổ công tác và Ban chỉ đạo huyện Quỳnh Lưu đã có buổi làm việc về việc sáp nhập xã và đặt tên. Tại buổi làm việc, hai xã và tổ công tác đã đề xuất phương án đặt tên cho xã mới sau sáp nhập. Có 3 phương án được đưa ra gồm ưu tiên lấy một trong hai tên gọi cũ của các xã trước khi sáp nhập và chọn tên dựa trên tên gọi cũ của hai xã trước đây. Tuy nhiên, cả hai phương án đều không thực hiện được do không có sự đồng tình của hai xã.
Xã Quỳnh Đôi là quê hương của "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương. |
Phương án thứ 3 được đưa ra là đặt tên xã mới với tiêu chí phải có chữ Quỳnh trong tên của huyện Quỳnh Lưu. Tại buổi họp này, Ban thường vụ hai xã và tổ công tác đưa ra 3 tên gọi mới để đặt gồm: Quỳnh Phú, Quỳnh An và Quỳnh Hương.
Ông Trần Đức Hữu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu cho hay, cả 3 tên đề xuất đều có ý nghĩa riêng. Theo đó, tên Quỳnh Phú được lý giải là sự giàu có, trù phú với mong muốn sau khi sáp nhập hai xã cùng phát triển, giàu mạnh. Tên Quỳnh Hương có ý nghĩa là hương hoa, hương thơm, tươi đẹp. Còn tên Quỳnh An được lý giải là an nhiên, an vui, bình an với mong muốn nhân dân hai xã đoàn kết, xây dựng quê hương bình yên và phát triển. Tên Quỳnh An đồng thời có ý nghĩa khác là có chữ Quỳnh của huyện Quỳnh Lưu và chữ An của tỉnh Nghệ An. Mục đích là ghép tên tỉnh và tên huyện để xây dựng địa phương ngày càng lớn mạnh, phát triển, giàu có, tươi đẹp hơn.
Sau khi họp bàn, Ban thường vụ hai xã đã thống nhất phương án nếu đặt tên mới sẽ chọn tên Quỳnh An để đặt. “Tên Quỳnh An đẹp và có ý nghĩa, hài hòa với hai xã. Dù chưa lấy ý kiến nhưng qua tham khảo thì nhân dân xã Quỳnh Hậu đồng tình rất cao với tên gọi này”, Chủ tịch xã Quỳnh Hậu nói.
Xã Quỳnh Đôi có dân số khoảng 6.000 người. Xã Quỳnh Hậu có khoảng 9.000 nhân khẩu. |
Trước đó vào đầu tháng 4/2024, huyện Quỳnh Lưu đã có công văn gửi tỉnh Nghệ An về đề án sáp nhập và đặt tên gọi mới các xã trên địa bàn huyện. Theo công văn này, huyện Quỳnh Lưu dự kiến sáp nhập 15 xã thành 7 xã. Đáng chú ý, hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi sáp nhập với nhau và dự kiến được đặt tên mới là xã “Đôi Hậu”.
Thông tin đặt tên mới Đôi Hậu cho hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhau trong dư luận. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi tên xã Quỳnh Đôi bị mất đi bởi xã này được biết đến là một xã có khoa bảng nhiều nhất nước. Xã này cũng được biết đến là quê hương của "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.