Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông tin công khai thì dân được tiếp cận miễn phí

Các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước... được đề nghị bổ sung vào nhóm chủ thể cung cấp thông tin cho người dân.

Theo tờ trình dự án Luật Tiếp cận thông tin của Chính phủ trước Quốc hội chiều 11/11, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin được đề nghị là các cơ quan Nhà nước bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, ​TAND, VKSND, kiểm toán nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho rằng cần mở rộng chủ thể bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trong phạm vi nhất định, các đơn vị này phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.

“Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức được giao thực hiện chính sách, dự án lớn của Nhà nước như dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm; tiếp nhận quản lý khoản viện trợ của nước ngoài; có các hoạt động liên quan đến quyền của công dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Ông Phan Trung Lý. Ảnh: N.Hưng.
Ông Phan Trung Lý. Ảnh: N.Hưng.

Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường học, bệnh viện có thu viện phí, học phí, tuyển dụng công chức, viên chức; nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hiện các chương trình, đề án lớn của Nhà nước... cũng cần được công khai thông tin để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo Ủy ban Pháp luật, việc mở rộng chủ thể như vậy là phù hợp. Bởi Luật ​Tiếp cận thông tin là đạo luật cơ bản, chuyên ngành về quyền tiếp cận thông tin của công dân trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống - xã hội.

"Việc quy định các chủ thể cung cấp thông tin trong Luật này cần phải bao quát được đầy đủ các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật"​, ông Lý nói.

Ông Phan Trung Lý cũng cho biết Ủy ban pháp luật của Quốc hội chỉ đồng ý một phần theo quy định cùa tờ trình dự án luật, đó là trong thời hạn 5 ngày công dân sẽ được cung cấp thông tin hợp quy định. Còn đối với trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin đơn giản, có sẵn thì cơ quan có trách nhiệm phải cung cấp ngay mà không nên kéo dài như quy định của dự thảo.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí việc xác định rõ trách nhiệm, xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác và việc khắc phục hậu quả đối với người chịu thiệt hại do thông tin không chính xác.

Đối với chi phí để tiếp cận thông tin, Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và cũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với công dân.

"Do vậy các thông tin phải được công khai thì công dân có quyền được tự do tiếp cận và việc cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí", ông Phan Trung Lý khẳng định.

Trình bày dự thảo luật trước Quốc hội​, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định​, quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người. Nhu cầu thông tin của công dân ngày càng gia tăng, nhất là thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng...

Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện.

Thứ hai, thực tế công dân chưa được bảo đảm cung cấp thông tin một cách chính thống bởi các cơ quan nhà nước tạo ra thông tin. Việc cơ quan nhà nước không cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong một số trường hợp đã tạo cơ hội cho những thông tin không đúng sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội.

Ngoài ra, việc không minh bạch, kịp thời trong cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước cũng tạo nên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, đồng thời dẫn đến nguy cơ rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; gây khó khăn cho việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cản trở quá trình hội nhập quốc tế, từ đó làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

N.Hưng

Bạn có thể quan tâm