“Nói đơn giản, hệ thống chứng nhận điện tử sẽ giúp cho thương mại song phương về nông nghiệp, thực phẩm của chúng ta trở nên an toàn, hiệu quả hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí hơn, giúp tránh rủi ro về mặt an ninh, cũng như việc làm giả, làm sai”, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho biết trong lễ ký kết ngày 21/7.
"Buổi lễ ký kết hôm nay là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh”, bà Matthews nói với Zing.
Bà cho biết từ năm 2009, khi quan hệ hợp tác toàn diện được thiết lập giữa New Zealand và Việt Nam, thương mại song phương phát triển ngày một ổn định. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên gấp 3 lần kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực năm 2019”.
Hôm 22/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược.
Lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hai nước
Đại sứ New Zealand nói rằng nông nghiệp là một trong các lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam.
New Zealand đã đi đầu trong lĩnh vực phát triển chứng nhận điện tử trong hơn 20 năm qua và thiết lập thành công hệ thống chứng nhận điện tử với nhiều đối tác thương mại, trong đó ASEAN luôn được đặt làm trọng tâm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tham dự buổi lễ ký kết. Ảnh: Hạnh Vũ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: “Trong lĩnh vực thương mại, nông sản, chúng ta có sự tăng trưởng nhanh. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 nước đạt khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chiếm gần một nửa”.
Với sự nỗ lực của các bên, Việt Nam và New Zealand sẽ triển khai các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan các sản phẩm nông sản của hai nước, ông nói thêm.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế.
“Kim ngạch thương mại song phương trong ba năm trở lại đây chỉ đạt trên dưới 1 tỷ USD. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng kinh tế của hai nước”, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Tài chính, nhận định.
Bộ Tài chính coi thỏa thuận ngày 21/7 là một sáng kiến mang tính đột phá, góp phần tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật, cũng như giúp đưa những sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Nền nông nghiệp của hai nước bổ trợ cho nhau
“Cả hai nước chúng ta đều rất tự hào về nền nông nghiệp của mình. Bản thân tôi cũng đến từ gia đình có nền tảng nông nghiệp”, Đại sứ Matthews nói.
“Thông qua Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand và các công ty kỹ thuật nông nghiệp cao của New Zealand, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị, để đảm bảo các sản phẩm của Việt Nam đến được với các thị trường ‘khó tính’ trên thế giới”, Đại sứ chia sẻ với Zing.
Bà nói New Zealand muốn mang chuyên môn của họ để áp dụng trong các lĩnh vực Việt Nam đang cần và thiếu. Ví dụ, thông qua dự án Phát triển Giống trái cây Cao cấp, New Zealand sẽ giúp các Việt Nam hoàn thiện chuỗi cung ứng cho quả thanh long hoặc tạo ra giống mới.
Đồng thời, các chuyên gia của New Zealand cũng hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc nghiên cứu, cải thiện các sản phẩm từ sữa và giảm thiệt hại hậu thu hoạch cùng nhiều lĩnh vực khác, bà nói thêm với Zing.
Đại sứ New Zealand, bà Wendy Matthews, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hạnh Vũ. |
Nền nông nghiệp của Việt Nam và New Zealand không hề cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam xuất khẩu thành công chôm chôm sang New Zealand, trước đó là thanh long và xoài. “Theo cá nhân tôi, loại quả mang tính biểu trưng nhất của Việt Nam là thanh long”, đại sứ nói. Ngoài ra, chúng tôi cũng mua cà phê, hạt điều từ Việt Nam.
Các mặt hàng nông nghiệp thế mạnh của New Zealand xuất khẩu sang Việt Nam đầu tiên phải kể đến các sản phẩm từ sữa, rồi đến các loại quả như táo, kiwi, cherry, vốn rất nổi tiếng ở thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, New Zealand còn có những ngành tiềm năng như xuất khẩu gỗ thông và rượu.
“Tôi hy vọng ngày càng nhiều người Việt Nam biết đến rượu của chúng tôi”.