Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ New Zealand: Muốn tồn tại, người lao động phải đa năng hơn

Bà Wendy Matthews, đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 buộc người lao động trên toàn cầu phải linh hoạt và đa nhiệm hơn.

Tham dự lễ ký kết thoả thuận hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng vào sáng ngày 20/7, Đại sứ Wendy Matthews cho biết: “Covid-19 không chỉ đặt ra thách thức cho người lao động Việt Nam. Người lao động trên toàn cầu cũng gặp khó khăn tương tự”.

Chia sẻ với Zing, bà Matthews cho rằng người lao động luôn phải linh hoạt trước sự thay đổi của thời cuộc. Bà lấy ví dụ: “Tôi xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp ở New Zealand. 15 năm trước, cha tôi hầu như không ứng dụng công nghệ. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi”.

hop tac giao duc nghe nghiep anh 1

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews. Ảnh: Uyên Uyên.

Theo bà Matthews, nông dân New Zealand đã dùng thiết bị điện tử để quản lý vật nuôi hiệu quả hơn: “Như bạn thấy đấy, người lao động buộc phải thích nghi và ứng dụng công nghệ sao cho phù hợp với thời đại 4.0”.

Trước nhiều thách thức do dịch Covid-19 gây ra, bà Matthews cho rằng người lao động cần nhạy bén và “đa nhiệm” hơn.

“Nếu không muốn bị thất nghiệp, nhiều người phải học thêm kỹ năng và sẵn sàng làm việc đa ngành nghề. Công tác giáo dục và đào tạo đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn này”, Đại sứ Matthews chia sẻ bên lề buổi lễ ký kết.

Bà Matthews cũng gợi ý các trường đại học ở Việt Nam nên kết hợp đào tạo truyền thống với đào tạo nghề, đồng thời phát triển chương trình giảng dạy bao gồm giáo dục kỹ năng mềm cho người học.

Chống dịch tốt là cơ hội

Sáng ngày 20/7, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews, cùng tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đã tham gia lễ ký kết thoả thuận hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng.

Theo đó, Cơ quan Hợp tác Liên chính phủ New Zealand (G2G) sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa chính phủ và các cơ sở giáo dục và đào tạo của hai nước.

hop tac giao duc nghe nghiep anh 2

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng. Ảnh: Uyên Uyên.

Trả lời Zing, Đại sứ Matthews cho rằng giáo dục nghề nghiệp là bài toán khó với cả Việt Nam và New Zealand: “Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trên thế giới, bao gồm New Zealand, cũng phải tìm cách đào tạo nguồn nhân lực sao cho phù hợp với thời đại”.

Bà Matthews khẳng định thành tích chống dịch tốt của hai nước là tiền đề cho “nhiều cái bắt tay tiềm năng trong tương lai”: “Giáo dục nghề nghiệp là một thế mạnh của chúng tôi. Trong bối cảnh hai nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam và New Zealand sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn”.

Đại sứ chia sẻ thêm: “Giáo dục là một lĩnh vực đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand. Trong những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực này đã gặt hái được nhiều thành quả”.

Hợp tác trong đào tạo nghề nghiệp

Bản thoả thuận giữa cơ quan G2G của New Zealand và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam được coi là nền tảng cho các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về chính sách giáo dục nghề nghiệp và khung trình độ quốc gia.

Thoả thuận cũng là cầu nối, giúp gắn kết các cơ sở đào tạo nghề, cộng doanh nghiệp của New Zealand với người lao động Việt Nam.

hop tac giao duc nghe nghiep anh 3

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Uyên Uyên.

Phát biểu trong buổi lễ, Tiến sĩ Trương Anh Dũng chia sẻ: “Trong bối cảnh kinh tế số, kinh tế tri thức, Cách mạng Công nghệ 4.0 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động”.

Về phía New Zealand, Đại sứ Matthews cho biết: “Với hệ thống giáo dục chất lượng cao cùng kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đào tạo nghề, New Zealand luôn sẵn sàng triển khai các sáng kiến hợp tác nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, qua đó tăng cường tính cạnh tranh và năng suất của nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu”.

Từ năm 1992, Khung trình độ quốc gia của New Zealand đã là một trong những khung trình độ toàn diện đầu tiên trên thế giới. Nước này còn giữ vững vị trí dẫn đầu trong các khối quốc gia nói tiếng Anh cũng như đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Chỉ số Giáo dục cho Tương lai năm 2019 do tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) bình chọn.

2020 là một năm quan trọng, đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và New Zealand.

350 người Việt từ Australia và New Zealand được đưa về nước

Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Vietnam Airlines đưa hơn 350 công dân Việt Nam từ Australia và New Zealand về nước.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện mừng 45 năm lập quan hệ với New Zealand

Lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao sự phát triển bền vững của quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và New Zealand trong 45 năm qua, cam kết tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Đưa 344 công dân Việt từ Australia và New Zealand về về nước an toàn

Các công dân Việt Nam được đưa về từ Australia và New Zealand trong các ngày 1 và 2/6. Những người tham gia chuyến bay được cách ly sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm