Đây không phải là lần đầu tiên Thống đốc nhanh chóng hồi âm ý kiến phát biểu của đại biểu, dù nội dung văn bản giải trình gần như không có gì mới hơn các thông tin đã được báo cáo trước Quốc hội.
Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 31/10 vừa qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ băn khoăn với báo cáo của ngân hàng nhà nước chỉ ra nhóm 9 ngân hàng cổ phần yếu kém tội đồ chính gây bất ổn hệ thống đang được tái cơ cấu.
Theo đại biểu “muốn đạt yêu cầu đủ vốn trước hết phải có đợt kiểm tra lại sức khỏe tổng thể cần đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất. Từ đó tính toán lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt phải bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành. Chủ sở hữu hay các cổ đông hiện hữu không có phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới, vốn trong nước không đủ phải gọi vốn nước ngoài, nếu không được phải cắt bỏ thu hẹp quy mô hoạt động đóng cửa ngân hàng”.
Mặc dù không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước nhưng việc mua bán nợ của VAMC vẫn đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu, ông Bình khẳng định. |
Thống đốc giải trình, việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mạo cổ phần yếu kém đã đạt được một số kết quả khả quan. Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản kiểm soát được tình hình của các ngân hàng này.
Cũng theo Thống đốc, các ngân hàng được cơ cấu lại đang trên đà phục hồi tốt, tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn. Trong đó, thanh khoản của ngân hàng được đảm bảo, nợ xấu được kiểm soát và từng bước được xử lý, huy động vốn từ dân cư tăng khá chứng tỏ niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng tăng lên.
Cũng tại văn bản, người đứng đầu ngân hàng nhà nước đã giải trình ý kiến đại biểu Đồng liên quan đến VAMC.
Quan điểm của đại biểu Đồng là không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ khiên cưỡng hay xử lý nợ xấu qua VAMC như hiện nay, bởi cách làm này tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản không làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu. Theo ông, việc này Ngân hàng Nhà nước khó có đủ năng lực để làm được. Cần tổ chức những đoàn hỗn hợp có chuyên gia quốc tế lo khâu kỹ thuật để hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực thi nhiệm vụ này.
Nhắc lại rằng Việt Nam không thể áp dụng biện pháp xử lý nợ xấu bằng nguồn ngân sách nhà nước như Chính phủ nhiều nước trên thế giới, Thống đốc nhấn mạnh, xử lý nợ xấu qua VAMC là một nhóm giải pháp đặc thù của Việt Nam. Mặc dù không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước nhưng việc mua bán nợ của VAMC vẫn đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu, ông Bình khẳng định.
Thống đốc cũng giải trình, với một số quyền hạn đặc thù, VAMC sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm. Với cơ chế đặc thù của mình, VAMC có đủ năng lực xử lý nhanh một khối lượng lớn nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong khi các cơ chế khác cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng thời, Thống đốc quả quyết.
Thống đốc cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, nếu 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ đã được phê duyệt được hệ thống các tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các cấp các ngành, chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ quyết liệt thì sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến hết 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.