Trong phần giải trình tại phiên họp Quốc hội sáng nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đề cập đến 3 nội dung bao gồm: Tăng trưởng tín dụng, tín dụng nông nghiệp - nông thôn, xử lý nợ xấu và công ty mua bán nợ xấu VAMC.
Về tăng trưởng tín dụng: Theo Thống đốc, tính đến hết tháng 10 năm nay tăng trưởng của toàn hệ thống đạt 6,8%, trong khi cả năm 2012 mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống chỉ đạt 8,9% xấp xỉ 9%. Nếu tính cả trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu của công ty VAMC thì 10 tháng tăng trưởng tín dụng đạt 7,89%.
“Mặc dù chỉ còn 2 tháng nữa sẽ hết năm nhưng hàng tuần chúng tôi vẫn có cuộc giao ban với các đơn vị và NHNN địa phương để sát tình hình từ đó có thể khẳng định rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11 - 12% của năm nay hoàn toàn có thể đạt được”- Thống đốc khẳng định trước Quốc hội. Đồng thời, Thống đốc cũng cho rằng mức tăng trưởng tín dụng này sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát của năm nay.
Thống đốc khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 11 - 12% hoàn toàn có thể đạt được. |
Về tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thống đốc cho biết, từ khi NĐ 41 của Chính phủ có hiệu lực thì tín dụng khu vực này tăng 2 lần. Năm 2013 dù toàn ngành còn khiêm tốn nhưng lĩnh vực này đã dự báo 15 – 18%, nợ xấu thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung (xấp xỉ 4,64%) trong khi nợ xấu của lĩnh vực nông nghiệp chỉ 3%.
Về xử lý nợ xấu và hoạt động của VAMC: Thống đốc cho biết, TCTD cơ cấu lại các khoản nợ đến nay tổng số nợ cơ cấu là trên 300 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ, có 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại nợ đã thành nợ xấu (tương đương nợ xấu tăng thêm 6%).
Trích lập dự phỏng rủi ro: Năm 2012 trích lập và xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là 70 nghìn tỷ đồng và 9 tháng thêm 32 nghìn tỷ đồng năm nay thêm 70 nghìn tỷ đồng nữa. như vậy tổng khoảng 100 nghìn tỷ cộng vào khoảng 3% tổng nợ xấu của ngân hàng.
Công ty VAMC từ khi bắt tay vào mua nợ xấu đã mua được 10 nghìn tỷ đồng. “Cộng lại nếu không có các giải pháp trên thì nợ xấu tăng thêm khoảng 10%” – Thống đốc nói.
Người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam cho rằng, để xử lý nợ xấu cần những giải pháp đồng bộ hơn nữa như nợ đọng xây dựng cơ bản và giải pháp tổng thể như tăng tổng cầu nền kinh tế, trên đà đó nợ xấu sẽ được căn bản giải quyết. “Tháng 11 tới đây NHNN sẽ phối hợp với Bộ xây dựng và các DN có sản phẩm liên kết 4 nhà giải quyết vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực xây dựng” - Thống đốc chia sẻ.
Hoạt động của công ty VAMC trên nguyên tắc không sử dụng tiền ngân sách. Các khoản nợ được VAMC mua lại sẽ không tính là nợ xấu nữa và các khoản nợ này sau khi mua lại sẽ được VAMC cơ cấu lại kể cả cơ cấu lãi suất (lãi suất cao hạ xuống lãi suất thấp), tính chất nguồn vốn (dùng vốn ngắn hạn kinh doanh dài hạn), thời hạn cho vay phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN… Quy mô của VAMC năm nay phấn đấu mua được 30 - 35 nghìn tỷ, 2014 là 100 - 150 nghìn tỷ nợ xấu.
Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến nợ xấu của Việt Nam nhưng cần có chính sách để đảm bảo quyền lợi của các bên bán nợ cũng như bên mua nợ - Thống đốc kết thúc phần giải trình của mình.