“Trong số 6.500 tỷ đồng nợ xấu đã mua, có hơn 67% nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản, hơn 22% thuộc khu vực sản xuất, còn lại là những lĩnh vực khác”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nói về quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). |
Nợ xấu của Vinashin được xử lý riêng
- VAMC đã chính thức đi vào hoạt động được gần một tháng và cũng đã mua được những khoản nợ xấu đầu tiên từ các ngân hàng thương mại. Thời điểm này ông có đánh giá như thế nào về những gì VAMC đã làm được?
- Đến nay đã có hơn 20 tổ chức tín dụng đến tìm hiểu việc mua bán nợ, trong đó có 13 tổ chức tín dụng đã nộp hồ sơ. Việc các tổ chức tín dụng đang “xếp hàng” bán nợ xấu cho VAMC cho thấy, họ đã xác định được cách giải quyết tốt nhất những khoản nợ xấu đang tồn tại, và trong quá trình đó, họ cần đến sự giúp sức từ VAMC.
Kể từ khoản nợ xấu đầu tiên mua của Agribank vào ngày 1/10/2013, đến nay chúng tôi đã mua được 8.700 tỷ đồng nợ xấu gốc từ 8 tổ chức tín dụng, với tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành khoảng 6.500 tỷ đồng. Nếu tính theo phân loại nợ thì trong số 6.500 tỷ đồng nợ xấu đã mua, có hơn 67% nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản, hơn 22% thuộc khu vực sản xuất, còn lại là những lĩnh vực khác. Tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh, số nợ xấu được mua trên không có khoản nào liên quan đến nợ xấu của Vinashin, bởi nợ xấu của Vinashin, Chính phủ đã có cơ chế xử lý riêng.
Theo kế hoạch, trong tuần này chúng tôi sẽ tiếp tục mua nợ xấu của 5 ngân hàng còn lại. Dự kiến từ nay đến cuối tháng, chúng tôi sẽ mua khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.
- Đâu là những khó khăn mà VAMC đang gặp phải trong quá trình mua nợ xấu, thưa ông?
- Lúc đầu chúng tôi xác định quá trình mua nợ xấu sẽ rất khó khăn do nhận định các tổ chức tín dụng sẽ không bán nợ cho VAMC. Chính vì vậy khi thành lập công ty, chúng tôi luôn trong tâm trạng lo lắng có mua được nợ xấu từ các tổ chức tín dụng hay không. Nhưng thật bất ngờ, khi chính thức hoạt động, đặc biệt sau khi mua khoản nợ xấu đầu tiên từ Agribank, các tổ chức tín dụng đã đến liên hệ đặt vấn đề và tìm hiểu thủ tục và quy trình mua nợ xấu của VAMC rất nhiều. Đến giờ phút này, chúng tôi tạm thời yên tâm vào tiến độ xử lý nợ xấu theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, sức ép về mặt công việc cũng đang rất lớn. Với số lượng cán bộ ít ỏi chỉ vài chục người, trong khi đó số lượng hồ sơ lại rất lớn nên chúng tôi đều phải căng sức ra làm việc, thông thường chúng tôi kết thúc ngày làm việc thường vào lúc 9-10 giờ đêm, thậm chí làm cả thứ Bảy và Chủ Nhật.
Ngoài sức ép về khối lượng công việc và thời gian, trong quá trình mua nợ xấu chúng tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn khác, ví như khó khăn trong quá trình xác định và phân loại các khoản nợ xấu khi xét duyệt hồ sơ hay khó khăn đến từ phía các tổ chức tín dụng do họ chưa nghiên cứu ký các quy định trong Thông tư 19, Nghị định 53... nên quá trình trao đổi rà soát nợ xấu giữa VAMC với các tổ chức tín dụng cũng mất rất nhiều thời gian. Chính vì không tìm hiểu kỹ các quy định về mua bán nợ, nên có những tổ chức tín dụng đã mang 1.000 tỷ đồng nợ xấu đến để bán nhưng chúng tôi chỉ mua được 100 tỷ, bởi đa phần các khoản nợ mà tổ chức tín dụng mang đến không đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
“Bây giờ là cơ hội tốt nhất để bán nợ xấu cho VAMC”
- Các ngân hàng đang “xếp hàng” bán nợ xấu cho VAMC, phải chăng họ đang phải chịu những áp lực trong việc làm sạch bảng cân đối kế toán?
- Theo tôi, nếu thời điểm này các tổ chức tín dụng không bán nợ xấu cho VAMC, thì đến quý 2/2014, khi Thông tư 02 về phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có chính thức có hiệu lực sức ép nợ xấu có thể sẽ tăng lên.
Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, nếu tổ chức tín dụng muốn cơ cấu lại, muốn nợ xấu đạt ngưỡng cho phép và hệ số CAR phải được nâng lên..., tôi nghĩ, bây giờ là cơ hội tốt nhất để bán lại các khoản nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, tôi không đặt vấn đề bắt buộc các tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho VAMC, việc bán nợ cho VAMC là điều hoàn toàn tự nguyện từ các tổ chức tín dụng. Khi tổ chức tín dụng không tự xử lý được, VAMC sẵn sàng hỗ trợ để giúp giải quyết nợ xấu.
Thêm nuawx, VAMC không phải là cây “đũa thần” để xóa tảng băng nợ xấu, để làm được điều này cần có sự chia sẻ từ phía tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách, pháp lý từ Chính phủ và các cơ quan quản lý.
- Sau khi đã mua, các khoản nợ xấu sẽ được cơ cấu như thế nào?
- Sau khi mua nợ xấu, chúng tôi sẽ tiến hành phân loại nợ cùng với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để xác định chất lượng của các khoản nợ và đưa ra các giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp nhanh nhất, trong trường hợp xấu nhất doanh nghiệp không thể hồi phục được thì chúng tôi mới phải tính đến bước cuối cùng là phát mãi tài sản.
Việc bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là vấn đề được đặt ra trong quá trình cơ cấu lại khoản nợ, tuy nhiên trong lúc này sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi trước mắt, mục tiêu mua nợ xấu của VAMC là hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất, trong trường hợp không có đủ nguồn lực thì có thêm nguồn vốn nước ngoài là cần thiết nhưng quá trình này sẽ ở giai đoạn sau khi mà doanh nghiệp không thể tự cơ cấu được.
Trước mắt, mục tiêu của chúng tôi là đẩy mạnh việc mua nợ xấu để giúp các tổ chức tín dụng làm sạch bảng cân đối kế toán, từ đó lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế. Sang đầu năm 2014, chúng tôi sẽ thực hiện phân loại nợ và có những giải pháp riêng cho từng nhóm nợ và có những giải pháp cơ cấu lại riêng để làm sao các khoản nợ xấu sau khi được xử lý sẽ đem lại lợi ích cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.