Tarullo nói ông sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Trump vào khoảng ngày 5/4. Với sự ra đi của Tarullo, ông Trump có 3 vị trí cần "lấp đầy" tại Hội đồng Thống đốc cục Dự trữ Liên bang (với số thành viên đầy đủ là 7 người).
Theo Reuters, trong suốt 7 năm làm việc ở hội đồng, Thống đốc Tarullo là người có quan điểm giảm lãi suất (để kích thích tăng trưởng kinh tế) đối với chính sách tiền tệ. Những nhóm tự do và cấp tiến nói ông đã đấu tranh để bảo vệ người dân Mỹ tránh khỏi một cuộc khủng hoàng tài chính hay thảm họa kinh tế khác.
Thống đốc cục Dự trữ Liên bang Daniel Tarullo. Ảnh: Perthnow.com.au . |
Phần lớn di sản của ông bao gồm việc xây dựng các biện pháp bảo vệ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009 kèm theo đó là suy thoái kinh tế. Tarullo đã thực thi nghiêm ngặt đạo luật Dodd-Frank (Đạo luật cải cách Wall Street và bảo vệ người tiêu dùng) với mục tiêu không dùng tiền của người đóng thuế để cứu trợ cho các ngân hàng suy sụp.
Sự ra đi của Tarullo đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của các quy định tài chính Mỹ. Mặc dù nhận thấy hướng thay đổi của các quy chế này dưới thời Tổng thống Trump là chưa rõ ràng, ông hy vọng các điểm cốt lõi hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì. Trong đó có việc tăng cường yêu cầu vốn, quản lý rủi ro và cơ chế giải quyết (hình thức phá sản đặc biệt về mặt pháp lý) cho các ngân hàng lớn.
Ngày 3/2, tân tổng thống Mỹ ra sắc lệnh xem xét và điều chỉnh các quy định về ngân hàng được đặt ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong hai sắc lệnh được ông Trump ban hành, đáng chú ý nhất là lệnh rà soát đạo luật Dodd-Frank được thông qua hồi năm 2010 nhằm ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Ông Trump chỉ trích các quy định và điều khoản của văn kiện này đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.