Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thông điệp về một nhà mạng tử tế của Viettel tại Tanzania

“Halotel phải xây dựng văn hóa tử tế bao gồm sự trung thực, sự thân thiện và sự minh bạch rõ ràng”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Halotel (Viettel Tanzania) - chia sẻ.

Viettel anh 1

Viettel chính thức kinh doanh trên đất nước Tanzania tại Đông Phi vào ngày 15/10/2015 với thương hiệu viễn thông Halotel - một cái tên tạo nên âm thanh vui vẻ, lúc nào cũng giống như một lời chào. Sau 7 năm, Halotel đã xác định được vị trí của mình trong mắt người dân Tanzania: Một nhà mạng có chất lượng tốt với giá cả hợp lý.

Nhân kỷ niệm 7 năm vận hành kinh doanh, CEO Halotel Nguyễn Tiến Dũng đã chia sẻ về những điều mà người Viettel làm được trên mảnh đất này.

Vượt khó khăn, tạo sự khác biệt

- Trong 7 năm tại Tanzania, người ta nhớ rằng Halotel là một doanh nghiệp đã xây dựng hạ tầng viễn thông với tốc độ kỷ lục để phủ sóng những vùng xa xôi chưa từng có sóng điện thoại. Đó có phải là điều tự hào nhất của ông về Halotel, hay còn có những điều gì khác nữa?

- Đúng là khi nhắc về Halotel, không ai có thể phủ nhận đây là công ty xây dựng hạ tầng viễn thông với tốc độ đáng kinh ngạc. Đồng thời, Halotel cũng là công ty Việt Nam duy nhất triển khai hoạt động kinh doanh bài bản, lâu dài trên đất nước này. 3 năm gần đây, công ty có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng trưởng doanh thu đạt 25-30%/năm.

Ngoài làm kinh tế thì Halotel còn là cầu nối văn hóa chính trị, tạo nên sự đoàn kết giữa hai đất nước.

Trong quá trình hoạt động, Halotel gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực của các cán bộ nhân viên, cả nhân sự người Việt Nam và nhân sự bản địa, chúng tôi đã vượt qua các thử thách rất lớn.

- Những khó khăn lớn mà ông vừa nhắc đến là gì?

- Có thể nói Tanzania là một trong những thị trường khắc nghiệt nhất của Viettel. Thị trường có 55 triệu dân - tức bằng một nửa Việt Nam nhưng diện tích lớn gấp 3 lần và mức tiêu dùng viễn thông trung bình chỉ bằng 2/3 Việt Nam.

“Để vượt qua khó khăn, Halotel phải tạo ra nhiều khác biệt”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - CEO Halotel

Thể chế quản lý của đất nước này rất khắc nghiệt, những người làm kinh doanh dễ gặp rủi ro. Chính sách thuế phí cũng rất cao so với các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh rất lớn khi có tới 7 nhà mạng, trong đó có nhiều đối thủ lớn.

Để vượt qua những điều này, Halotel phải tạo ra nhiều khác biệt.

Thứ nhất, theo truyền thống của Viettel, chúng tôi tự làm mọi thứ từ hạ tầng, vận hành mạng lưới, xây dựng chi nhánh, tổ chức bán hàng, làm kênh phân phối. Điều này làm cho Halotel phản ứng và xử lý nhanh với những yêu cầu của cơ quan quản lý, với các sự cố trên mạng lưới và với các yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, văn hóa Viettel còn là tự làm “3 trong 1”: Vừa đề ra chiến lược, vừa điều hành, vừa trực tiếp làm việc.

Thứ hai, Halotel có ưu thế phủ sóng rộng ở nông thôn nên thuê bao khu vực nông thôn vẫn chiếm số đông, nhưng chúng tôi đã khai thác tệp khách hàng người giàu bằng những gói cước thiết kế riêng trong 3 năm nay, đặc biệt là dịch vụ 4G.

Thị phần tại thành thị với tỷ lệ thuê bao giàu (4G) đã tăng lên 19% trong tổng số thuê bao của Halotel, 3 năm trước chỉ có 4-5%. Đó là yếu tố giúp doanh thu của Halotel tăng trưởng mạnh.

Viettel anh 2

Trong 3 năm qua, Halotel có mức tăng trưởng doanh thu đạt 25-30%/năm.

- Còn việc đào tạo và chuyển giao vận hành cho nhân sự người bản địa thì sao?

- Điều này lúc nào cũng khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua cả. Những công việc chính trước đây do nhân sự Việt Nam nắm giữ đều đã chuyển giao, đào tạo. Có thể gọi là bước đầu có những thành công nhất định.

Quá trình làm việc cũng cho thấy sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa. Ví dụ người Tanzania rất tôn trọng quyền riêng tư, họ có thể làm xuyên trưa không ăn, họ ăn tối muộn. Hoặc họ nói năng rất từ tốn nhẹ nhàng, không ưa nói to… Người Việt mình được cái “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nên có thể điều chỉnh, dung hòa để làm việc tốt.

Một nhà mạng tử tế

- Trong mắt của người Tanzania bây giờ, Halotel là gì?

- Định vị thương hiệu của Halotel là nhà mạng cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, giá cả hợp lý cho tất cả người dân Tanzania.

- Được biết, công ty có mục tiêu xây dựng hình ảnh Halotel là nhà mạng tử tế. “Tử tế” ở đây cụ thể là gì và các ông có kế hoạch như thế nào cho mục tiêu này?

“Để có được niềm tin và sự yêu quý từ chính quyền địa phương đến người dân, Halotel xây dựng văn hóa tử tế bao gồm sự trung thực, thân thiện và minh bạch rõ ràng”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - CEO Halotel

- Tử tế ấy là khi mình là một nhà đầu tư nước ngoài đến đất nước này, phải tạo được niềm tin và sự yêu quý của họ - từ chính quyền địa phương cho đến người dân. Để có được điều đó, Halotel phải xây dựng văn hóa tử tế bao gồm sự trung thực, thân thiện và minh bạch rõ ràng.

Những cán bộ nhân viên Viettel người Việt đang làm ở Tanzania hiện nay đều phải nhắc nhở nhau hàng ngày để thể hiện sự trung thực, hết lòng vì khách hàng. Có như thế mới có thể khiến toàn bộ cán bộ nhân viên Halotel cùng đồng lòng với các triết lý mà công ty hướng tới.

Trong ứng xử luật pháp, ứng xử với khách hàng, đối tác, với chính sản phẩm dịch vụ của mình đều phải theo quan điểm “tốt nhất có thể”. Thông điệp tử tế chính là làm với trách nhiệm cao nhất để có kết quả tốt nhất.

Hiện nay, Chính phủ Tanzania rất tin tưởng khi giao các dự án công cho Halotel, ví dụ gần nhất là dự án viễn thông công ích, bởi Halotel là một doanh nghiệp có ý thức, trách nhiệm trong các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Viettel anh 3

Halotel được Chính phủ Tanzania tin tưởng giao trọng trách ở các dự án công.

- Ông đánh giá tình hình phát triển các dịch vụ công nghệ số ở Tanzania ra sao?

- Ở châu Phi, đặc biệt là vùng Đông Phi như Tanzania, dịch vụ số vẫn là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, họ có dịch vụ phát triển tốt hơn ở Việt Nam như ví điện tử, còn các dịch vụ khác hạn chế hơn vì thiếu cơ sở hạ tầng.

Năm nay, Halotel sẽ đưa ra thị trường một số dịch vụ số như dịch vụ hành chính công, y tế giáo dục… Nhưng để dịch vụ này phát triển đại trà và rộng như ở Việt Nam thì cần hạ tầng tốt hơn.

Diện mạo mới trẻ trung

- Là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư ở Tanzania, Halotel có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong việc tìm kiếm cơ hội ở quốc gia châu Phi hay không?

- Thế mạnh của Tanzania bao gồm nông nghiệp, du lịch. Chúng tôi nhận thức được mình là doanh nghiệp đầu tàu, tiên phong đầu tư ở Đông Phi nên cũng rất nhiệt tình, thiện chí phối hợp với Đại sứ quán và cộng đồng người Việt nếu các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.

“Halotel sẽ mang diện mạo trẻ trung hơn”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - CEO Halotel

- Là người đứng đầu một doanh nghiệp Việt thực hiện đầu tư tại Tanzania, ông nghĩ sao về vai trò của Halotel trong hoạt động đầu tư nước ngoài cũng như đối với tình hữu nghị của hai quốc gia?

- Halotel là doanh nghiệp do Viettel đầu tư tại Tanzania. Khi thực hiện sứ mệnh này, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm khi phải đảm bảo đầu tư sao cho hiệu quả nhất, góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước đây, Việt Nam không được thế giới đánh giá như một đất nước có công nghệ cao. Nhưng tôi tin rằng với những doanh nghiệp lớn, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, chấp nhận rủi ro để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thì danh tiếng của doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng cao.

Bên cạnh đó, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước đi đầu tư, chúng tôi đã góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, đóng vai trò là một trong những cầu nối trong quan hệ này.

- Trong 3 năm nữa khi công ty tròn 10 tuổi, ông hình dung Halotel sẽ thế nào?

- Chúng tôi đã có chiến lược trong 3 năm tới. Đó sẽ là một công ty có chất lượng dịch vụ, chất lượng data hàng đầu thị trường, có sự tin cậy từ phía khách hàng, Chính phủ, người dân. Và Halotel sẽ tiếp tục có tăng trưởng ấn tượng.

Đặc biệt, Halotel sẽ mang diện mạo trẻ trung hơn. Chúng tôi đang thay đổi thương hiệu với sự kết hợp sâu hơn với cơ quan chính quyền địa phương bằng các dự án cụ thể để nâng tầm thương hiệu.

Giang Nghiên Dương

Bạn có thể quan tâm