Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông điệp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi lại cho con trai

Anh Phan Thanh Nam - con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - kể trong những ngày cuối đời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn trăn trở với vấn đề biến đổi khí hậu.

Tháng 4/2008, khi biết tôi có công việc đi Dubai ba tôi đã ngồi nói chuyện với tôi rất nhiều lo ngại của ông về hiện tượng khí hậu thay đổi rất khác thường. Tổn thất về người, về vật chất bởi lũ lụt hàng năm do thiên tai gây ra ở miền Trung hầu như khó tránh khỏi, thường thì năm sau thời tiết diễn biến phức tạp hơn năm trước.

Ba tôi nhìn vào mắt tôi như muốn cùng chia sẻ, xem tôi quan tâm và có suy nghĩ gì về vấn đề này.

"Thì con thấy thời tiết hàng năm vẫn giữ đúng mùa nào thức đó thôi, chỉ có sớm hơn muộn hơn, ít hơn nhiều hơn so hàng năm với nhau. Các tỉnh duyên hải miền Trung kiểu gì cũng phải tìm cách 'sống chung với lũ'", tôi trả lời.

"Nếu chỉ chung chung như khẩu hiệu, mà đem áp vô là không ăn đâu, chỉ có thể phải là: Đồng bằng Nam bộ - Sống chung với lũ. Các tỉnh miền Trung - Sống chung với lốc xoáy, lũ quét".

Tôi biết ba muốn nói với tôi về điều ông đang suy ngẫm, trăn trở bấy lâu.

Với lũ quét ở miền Trung con nghĩ cần phải nghiên cứu việc quản lý, đầu tư nhà máy thủy điện, các nhà máy sản xuất gỗ dăm mảnh xuất khẩu, nhà máy sản xuất bột giấy, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn có liên quan với nhau như thế nào lúc này là rất cần thiết.

"Tại sao? Quản lý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu, từ trồng trọt, chăm sóc, quản lý, khai thác có vấn đề gì nào? Thủy điện thì sao?". Ba tôi gợi chuyện.

Tôi nói về những cảm nhận suy nghĩ riêng của mình, ba tôi lắng nghe làm tôi phấn khích cùng ông trò chuyện. Tôi nói hàng năm tôi có công việc thường xuyên đi các tỉnh miền Trung và biết nhiều công ty thu mua khai thác xuất khẩu hàng trăm nghìn mét khối gỗ dăm mảnh mỗi năm. Nguồn khai thác cung cấp gỗ nguyên liệu loại này từ các rừng trồng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đều có.

Cây rừng trồng từ khi khai hoang, làm đất, trồng chăm sóc sau 6 năm, khai thác trắng, băm chặt, vận chuyển đến cảng biển gần nhất, cứ một hecta rừng trung bình được 50 tấn gỗ dăm mảnh khô, xuất khẩu dạng thô tại cảng Việt Nam (FOB) chỉ được 100 USD/tấn.

Tôi dừng lại, nhận thấy sự thất vọng trong ánh mắt của ba tôi mà không khỏi chạnh lòng.

"Chỉ được nhiêu vậy sao?". Ba tôi ngạc nhiên hỏi rồi nói tiếp ngay: "Biết bao công sức mà người dân cũng không được là bao, bởi cứ xuất thô kiểu này rừng cứ mất, dân cứ nghèo. Mỗi năm mất trắng hàng chục, hàng trăm nghìn hecta rừng ở miền Trung chứ không ít. Việc trồng lại rừng có bao giờ kịp với chặt phá rừng đâu, chắc phải hỏi lại kỹ việc này. Còn rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn nếu cùng chung số phận tương tự thì, nguy hại khôn lường".

Ba tôi nói dằn từng tiếng trong âu lo và muốn biết rõ hơn về số phận của rừng, còn tôi cũng muốn bộc bạch thêm:

"Nếu rừng phòng hộ cũng trồng keo lai bạch đàn khi cây đến tuổi phải thu hoạch, không khai thác trắng thì cũng cho phép chặt tỉa có tuyển chọn mà ba. Đây có là cơ hội làm rỗng ruột rừng phòng hộ, có kiểm soát, bảo vệ, giữ được rừng nguyên vẹn hay không? Nếu cứ để đến lúc đọc được tin, theo nhân dân địa phương phát hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, khởi tố hình sự những kẻ làm ‘Tan hoang rừng phòng hộ’ như báo đăng tải thì sẽ lại thành chuyện đã rồi. Sau đó dù có trồng mới để rồi 6 năm sau khó tránh sự lặp lại như vậy, thì biết bao giờ có rừng phòng hộ đúng nghĩa với những giá trị to lớn của nó".

"Nếu đúng vậy, thì làm cách nào để biết cây nào thuộc diện được phép chặt tỉa là không dễ dàng, làm cách nào biết khi ra khỏi cửa rừng cây keo, cây bạch đàn nào, gỗ dăm mảnh nào là của rừng phòng hộ để kết tội kẻ phá rừng? Sao chưa thấy bàn luận việc này?".

Nói đến đây ba tôi ngừng lại thật lâu và lấy viết ghi lên tờ giấy: "Nhắc chỗ anh... xem lại". Tôi hiểu ông đang nghi ngại việc trồng và quản lý rừng phòng hộ đặc biệt của miền Trung hiện nay.

Nên lấy số liệu chính xác 5 năm trở lại đây về khối lượng xuất khẩu gỗ dăm mảnh, ván lót sàn dạng sơ chế, nguyên liệu gỗ cho các nhà máy sản xuất ván nhân tạo (MDF), nhà máy sản xuất bột giấy của từng tỉnh miền Trung kể cả chỗ cảng xuất gỗ dăm mảnh Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai nữa, để quy đổi ra số diện tích rừng bị mất, rồi so sánh với diện tích trồng trong 5 năm sẽ thấy ngay vấn đề. Ba tôi bức xúc như muốn có ngay số liệu đó để đi làm việc.

"Dạo này báo viết nhiều về nạn phá, đốt rừng làm rẫy bừa bãi, có vùng kiểm lâm bị 'lâm tặc' hành hung, có nơi kiểm lâm làm đồng lõa với “lâm tặc” phá rừng, phần nhiều là ở miền Trung và Tây Nguyên...". Tôi kể và ngay lập tức cảm thấy ân hận vì đã làm ba tôi thêm lo lắng.

"Lâm tặc chặt hàng nghìn hecta rừng keo lai, bạch đàn, chuyên chở hàng nghìn khối gỗ trên đường mà không gặp trở ngại nào ư? Hay họ chỉ có chọn chặt đốn cây gỗ quý chăng? Tuy vậy lâm tặc cũng đủ là tác nhân phá rừng nguy hiểm không thể không quan tâm. Mà ở đâu có hàng nghìn hecta rừng phòng hộ trồng toàn cây gỗ quý, có chăng vẫn là các loại cây thuộc gỗ nhóm thấp dễ trồng, phát triển nhanh, nên vấn nạn mất diện tích rừng trở thành nhức nhối mãi chăng? Cần chú trọng đến cơ cấu cây trồng cho rừng phòng hộ phải là cây bản địa, có giá trị cao, lâu dài như lim, dầu, sao, sến, gõ... sống trăm năm mà không bị khô mục lõi, không bị mối xông ruột, sâu đục thân, để công tác quản lý rừng phòng hộ nhờ đó mà thuận lợi hơn, tốt hơn".

Ba tôi vừa nói vừa ghi chú tiếp “Trịnh liên hệ với chỗ anh... bên lâm nghiệp”. Tôi không nhớ tên người ông muốn gặp nhưng là nơi ông cần làm việc. Khai thác trắng khiến rừng nghèo kiệt, phải trồng lại mới, mà giá đấu thầu khai thác mỗi hecta có đủ cho trồng lại mới và chăm sóc rừng tương đương không? Cũng là vấn đề không thể cho qua được, ở đó cũng đầy rẫy tiêu cực.

Khi nói đến rừng đầu nguồn, ba tôi đưa cho tôi xem bản đồ quy hoạch đầu tư nhà máy thủy điện ở miền Trung. Tôi nhìn chăm chú vào tấm bản đồ và nghe ông nói.

Khi nói đến thủy điện hay điện tôi thường nghe nhiều người gọi ông là “Thủ tướng điện” và tôi cũng hay hồi tưởng, cảm thấy hạnh phúc nhớ lại những ngày đầu tiên khảo sát xây dựng nhà máy thủy điện Trị An tỉnh Đồng Nai mà ông cho tôi cùng đi với đoàn, những lần ấy thật ấn tượng khó quên. Tôi chú tâm nghe ba tôi giảng giải và cũng nói xen vào những hiểu biết của mình về thủy điện, câu chuyện không còn là thứ tự đối thoại đầy đủ nữa.

Ba tôi chỉ ngón tay vào vị trí sẽ xây dựng nhà máy thủy điện ở ngọn nguồn sông A-Lưới Thừa Thiên Huế trên bản đồ, quay lại nói và tôi bị cuốn hút vào trong nỗi lo lắng của ông.

Diện tích rừng đầu nguồn mất đi ngày càng nhiều, càng nhanh theo tốc độ phát triển thủy điện, đặc biệt các tỉnh miền Trung là đáng quan ngại, phải có nghiên cứu khoa học nghiêm túc tham khảo, học tập rút kinh nghiệm kể cả nước ngoài. Ba tôi nói các yếu tố lưu vực con sông, thế năng, môi trường xây dựng nhà máy có liên quan đến sự mất còn của rừng đầu nguồn ở miền Trung như thế nào. Những điều kiện địa lý tự nhiên của vị trí đặt nhà máy, khả năng hồ chứa nước và lượng mưa lớn trong năm là những yếu tố quyết định đối với dự án đầu tư nhà máy thủy điện ở miền Trung.

Xã hội hóa đầu tư kinh doanh điện đã thúc đẩy mạnh mẽ sự tìm kiếm cơ hội sản xuất điện, không chỉ một mà nhiều nhà thủy điện trên một con sông. Rừng vì vậy cũng mất đi rất mau lẹ, có phải đó là rừng đầu nguồn chăng?

Các con sông ở miền Trung có đặc điểm chung là thượng lưu của sông chính là các nhánh bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, hạ lưu đi qua đồng bằng nhỏ hẹp, không hợp lưu mà đổ thẳng ra biển Đông. Khoảng cách từ ngọn nguồn đến cửa biển đa số là ngắn có nơi chưa tới vài trăm cây số. Lưu vực sông nhỏ, độ dốc cao, nghèo trữ lượng nước ngầm, cạn kiệt nước về mùa khô, như lời một bài ca về Trường Sơn năm xưa “nước khe cạn bướm bay lèn đá” là vậy.

Mùa mưa thường đến muộn, số tháng có mưa trong năm ít nhưng số ngày mưa thì dai dẳng, mưa là nguồn cung cấp nước chính cho dòng sông, cho thủy điện. Rất hiếm năm miền Trung có mưa thuận gió hòa, dường như năm nào cũng hứng chịu những cơn bão dữ, mưa dội đi qua. Bão lốc mang mưa từ biển vào trút thẳng, trút hết nước lên ngọn nguồn, núi rừng vách cao, dốc đứng, cây cối không còn bao nhiêu, sông ngắn nên chỉ vài ba giờ là lũ nôn thốc, nôn tháo xuống hạ lưu.

Nước sông chảy xiết, dâng lên cấp kỳ, lũ đi đến đâu như muốn tàn phá sạch đến đó, hiếm khi không để lại di chứng thiệt hại về người và của. Phía biển thì triều dâng, sóng dữ theo lốc xoáy ập vào bờ, nó cũng thả sức tàn phá cuốn lôi đất đai nhà cửa cây cối tất cả những gì mà nó ôm tới, giật được, vì vậy có gọi “lốc xoáy, lũ quét” cũng chưa đủ.

Vị trí đập tạo hồ chứa nước thường dựa vào thế núi nơi con sông chảy qua có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho đầu tư xây dựng đập, tạo được sức chứa và thế năng tối đa cho nhà máy thủy điện. Hồ chứa đó nhấn chìm hàng trăm nghìn hecta rừng đầu nguồn, toàn bộ vùng ngập nước của lòng hồ phải giải tỏa trắng, cây rừng phải dọn sạch, nếu còn cũng tiêu biến vĩnh viễn dần sau lễ chặn dòng.

Khi mưa nước chảy từ vách núi xuống không còn phải mất nhiều thời gian len lỏi lâu trong rừng cây, không còn qua các con suối như trước mà đến thẳng hồ chứa. Ngại rằng chỉ vài cơn mưa đầu hồ đã no đầy hết sức chứa, mấy trận mưa sau có nước đến đâu đập tràn xả đến đó. Mà mưa càng về cuối mùa càng dữ dội hơn, không biết chức năng cắt lũ của thủy điện có ý nghĩa thực tế như mong đợi nhiều không?

Cơn lốc xoáy lũ quét cuối cùng vừa dứt, mùa khô đến ngay và kéo dài hết những tháng còn lại trong năm, không có mưa phùn, mưa xuân, mưa bay nhè nhẹ nào nữa. Nhà máy thủy điện lo tích nước cho sản xuất đến mùa mưa năm sau, đồng ruộng mùa khô hạn lại bắt đầu.

Gọi nắng là đổ lửa, nóng là gió Lào, bão là lốc xoáy, mưa là dữ dội, lũ là lũ quét là nói đến thời tiết, khí hậu miền Trung. Mà theo truyền thuyết từ cái thời ông Sơn Tinh, Thủy Tinh có khi công chúa Mị Nương vẫn nương náu ở vùng này nên mới ra cơ sự từ đó đến bây giờ chăng. Đâu có phải đến đời nay do chặt phá bừa bãi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, lâm tặc mà miền Trung mới lâm vào cảnh thời tiết khắc nghiệt như vậy.

Nhưng có điều những năm gần đây lũ quét năm sau dữ dội hơn, thiệt hại cũng lớn hơn. Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu? Vị trí nào trong vai trò tiên phong xử lý vấn đề nan giải và phức tạp này.

Với tôi không khi nào ba tôi tỏ ra khó chịu khi nói chuyện lại pha chút hài hước. Tôi cũng không ngần ngại nói thêm: “Thời tiết miền Trung phần nhiều là khắc nghiệt, phụ nữ phần nhiều là đẹp như Mị Nương, vậy truyền thuyết xưa không sai đâu ba”.

Ba tôi cười: “Thằng này!”, rồi ông nói tiếp: "Không nên tách từng tác nhân liên quan kể cả thủy điện, để quy tội bắt lỗi một cách riêng rẽ, nhưng phải có nghiên cứu xem xét một cách cụ thể, số liệu chính xác, phân tích và tổng hợp, xử lý một cách có căn cơ, khoa học. Phải hợp tác, học hỏi kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan tương tự trong dân và của các nước trên thế giới".

Nghiên cứu triển khai kênh thoát lũ ra biển Tây của vùng Tứ giác Long Xuyên thành công, miền tây Nam bộ triển khai đầu tư hàng loạt các cụm, tuyến dân cư “sống chung với lũ”, ở đó vai trò các nhà khoa học là quyết định. Ba tôi kỳ vọng rất nhiều ở họ cho miền Trung.

Hà Lan ai cũng biết đất đai thấp hơn mực nước biển nhiều mét, công cuộc đắp đê lấn biển, xây đập chắn sóng có từ bao đời. Những công trình vĩ đại trở thành biểu tượng quốc gia, di sản thế giới. Nó thôi thúc nhiều nước trên thế giới tiến hành xây dựng các dự án lấn biển xây sân bay, xây dựng thành phố hiện đại. Ở đó các kỹ sư, các nhà khoa học chuyên ngành Hà Lan luôn có vai trò quan trọng, ở vị trí hàng đầu đặc biệt.

Ba tôi dặn tôi, đi Dubai ráng tìm hiểu các công trình lấn biển càng nhiều càng tốt, lúc đó tôi nghĩ ông muốn quay lại dự án lấn biển Cần Giờ, nạo vét sông Soài Rạp thành phố Hồ Chí Minh. Bởi cách đó nhiều năm ba tôi và tôi nói chuyện rất lâu, rất nhiều về dự án này, sau lần đó không thấy ông quay lại với tôi dự án này lần nào nữa.

Đầu tháng 5/2008, tôi đi Dubai, chuyến đi kéo dài 10 ngày, ở đó tôi được các tổng công trình sư công trình Dubai Mall, Buri Dubai, Palm Golden nhiệt tình hướng dẫn tham quan. Ở Sharjah, Al Helio, Abu Dhabi cũng vậy, nhưng tôi dành nhiều thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến công trình Palm Golden - “Cây cọ vàng" do các kĩ sư Hà Lan thiết kế và chỉ đạo thi công.

Nhận được tin ba bệnh đang nằm ở bệnh viện Thống Nhất, tôi tức tốc chạy vô thăm: "Ba bịnh sao vậy ba?".

"Mấy rày người cứ sốt sốt hoài rất khó chịu, ho khan, ho nhiều rất oải, nó rát sâu trong ngực không long được đờm, cơn ho càng nhặt càng khó ngủ nên mệt lắm". Ba tôi nói

"Ba ăn có ngon miệng không ba?".

"Sao cảm thấy mấy món thường ăn cũng không ngon miệng như trước, có khi không muốn ăn nữa". Ba tôi vừa nói vừa đứng dậy đi đến ghế salon bày ở giữa phòng, ngồi ngả người về phía sau.

Rồi ba tôi hỏi công việc của tôi sao rồi, tôi trả lời qua loa là cũng tạm ổn, có mấy việc bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính nên cũng gặp khó. Ba tôi còn hỏi vài việc ở dưới quê nội Bình Phụng, Trung Hiệp, Vũng Liêm, Vĩnh Long mà ông giao cho tôi làm đã xong chưa.

Lúc đó bộ dạng, giọng nói của ba tôi coi vẫn còn phong độ lắm, da dẻ vẫn hồng hào, bước đi vẫn xăm xăm mạnh bạo, chỉ có nét mặt mệt mỏi của người thức khuya mất ngủ mà thôi. "Đi Dubai về hồi nào?". Ba tôi hỏi.

"Con về được hơn tuần rồi con đi tham quan được nhiều nơi, nhiều công trình, mai con mang máy vô cho ba xem".

"Ừ, ba dự định tuần sau đi Hà Lan".

Ba tôi định nói gì thêm, nhưng cơn ho ập đến, cả người ông và hai chân rung lên, hai tay bám chặt thành ghế, đầu và hai chân co giật theo nhịp ho khan dồn dập. Bác sỹ trực và mọi người ùa đến phụ tôi dìu ba tôi lên giường nằm nghỉ, chỉ vài phút sau hơi thở của ông đều đều như đang chìm trong giấc ngủ.

"Ông già kỳ này bác sĩ nói bịnh gì chưa?". Tôi hỏi Trịnh.

"Chưa, chiều mới họp hội chẩn, hai giờ anh vào nghe nhé". Trịnh nói.

"Ừ". Tôi trả lời.

Từ hôm đó ngày nào tôi cũng vào bệnh viện. Khi cho ba tôi xem ảnh ở Dubai mà tôi chụp được, ông có nói lại dự định về chuyến đi Hà Lan, và hỏi tôi có đi được không, tôi nói vừa mới đi về cũng hơi có việc phải lo.

Ba tôi nói nhiều lắm về nạn tàn phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, nạn đốt phá rừng làm nương rẫy, lâm tặc, quản lý, cơ cấu cây trồng của từng loại rừng, thủy điện, mỗi tác nhân riêng rẽ đó có quan hệ mật thiết như thế nào, có liên đới trực tiếp hay gián tiếp với hậu quả của lốc xoáy, lũ quét ở miền Trung nhiều hay ít? Cái lợi trước mắt bất cập, cái hại về lâu dài như thế nào, mức độ nào? Giải quyết và xử lý những bất cập do tác nhân gây ra là hoàn toàn làm được, tại sao không? Chế ngự hoặc làm giảm tối đa sức tàn phá của triều dâng, sóng dữ, mưa dội của biển với ven bờ, có thể lắm chứ và tại sao không?

Chẳng lẽ cứ để vậy, hoặc ngay từ bây giờ đã phải đặt lên bàn các dữ liệu liên quan để giải những bài toán hóc búa, cho những khó khăn nan giải, những thách thức to lớn đó của miền Trung. Để có câu trả lời đúng có nhiều cách khác nhau nhưng trước tiên phải tìm hiểu kỹ mọi vấn đề và học hỏi các nước giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Hà Lan là nước ba tôi chọn đi trước là vậy chăng?

Chỉ hơn một tuần sau, ba tôi mất, nhưng tôi chắc chắn rằng những khó khăn nan giải, những thách thức to lớn đó ở miền Trung là nỗi băn khoăn, lo nghĩ trong những tháng ngày cuối cùng của ba tôi.

Với tôi, Văn hóa giao tiếp, Văn hóa nghe ở ba tôi thật tuyệt vời, ở ông Văn hóa ứng xử cũng thật đáng tâm phục.

Phan Thanh Nam/NXB Trẻ

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.