Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời trang nhanh lên ngôi khi người châu Á đón Tết Nguyên đán

Nhiều người châu Á có tâm lý mặc đồ mới trong dịp Tết Âm lịch. Họ đổ xô vào những thương hiệu thời trang nhanh như Shein, Zara để mua được đồ mới với giá rẻ.

Thế giới ngày càng yêu thích thời trang đã qua sử dụng (secondhand). Dự kiến đến năm 2025, thị trường ngành hàng này sẽ tăng trưởng nhanh gấp 10 lần so với ngành bán lẻ thời trang truyền thống.

Theo Channel News Asia, xu hướng này phát triển bởi con người đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng, quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều hơn.

Mặc dù việc mua bán đồ secondhand đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu, nhưng tại châu Á, người tiêu dùng vẫn có xu hướng yêu thích quần áo mới, theo đuổi các mốt thịnh hành.

Cách đây khoảng 5 năm, một cuộc khảo sát của YouGov cho thấy cứ 3 người ở Singapore thì có một người vứt bỏ quần áo sau khi mặc nó chỉ một lần.

Thoi trang nhanh dip Tet anh 1

Sự kiện Live With Less (Sống Tối Giản) ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2018 đã thu hút nhiều khách hàng mua sắm đồ secondhand. Ảnh: SCMP.

Kỳ thị quần áo cũ

Tết Nguyên đán chính là phép thử cho quan niệm thích quần áo mới tại châu Á.

Tại châu lục này, nhiều người có sự e ngại và kỳ thị nhất định đối với việc mua đồ cũ, cho rằng sự xui xẻo của người chủ trước sẽ chuyển tiếp sang chủ sở hữu mới của món đồ. Đó là một rào cản khiến không ít người ngần ngại khi mua đồ secondhand.

Thêm nữa, cũng tại châu Á, nhiều người tin rằng bộ quần áo mới tinh là minh chứng của sự giàu có. Do vậy, nhiều món đồ nhanh chóng bị chủ nhân vứt sang một bên khi nó được cho là không còn hợp thời trang hoặc cần sửa chữa.

Cuối cùng, trong dịp Tết Nguyên đán, việc mặc quần áo mới còn là cách để người châu Á khởi đầu cho năm mới, cho rằng có thể mang lại may mắn, thịnh vượng.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2019 bởi Công ty nghiên cứu và phân tích người tiêu dùng Milieu cho thấy 82% người Singapore gốc Hoa thường mua quần áo mới cho dịp Tết Nguyên đán, nhưng chỉ 38% xem xét tác động của việc mua sắm đó đối với môi trường.

Nhiều người bị cám dỗ mua hàng từ các thương hiệu thời trang nhanh như Zara hoặc Shein do giá rẻ, phong cách hợp xu hướng.

Tuy nhiên, giá cả thấp và chu kỳ liên tục tạo ra các sản phẩm mới của những nhãn hàng trên cũng phản ánh tư duy thích dùng đồ một lần và chủ nghĩa tiêu dùng vô thức của người dân.

Thay đổi

Theo Channel News Asia, mặc dù người tiêu dùng có dấu hiệu quan tâm đến tính bền vững, nhưng sự tiêu thụ quá mức của họ vẫn là một vấn đề đáng kể.

Nghiên cứu gần đây của Globescan cho thấy một khoảng cách lớn giữa nguyện vọng và hành động. Ở châu Á, 44% người được hỏi mong muốn có một lối sống bền vững hơn nhưng chỉ 23% đã thực hiện những thay đổi lớn để đạt được điều này.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Nền tảng mua bán đồ secondhand Retykle được thực hiện đối với các bậc cha mẹ ở Singapore, giá cả, chất lượng và kiểu dáng là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy quyết định mua hàng của họ. Trong khi đó, tính bền vững, thân thiện với môi trường chỉ là yếu tố đứng thứ tư.

Thoi trang nhanh dip Tet anh 2

Người tiêu dùng châu Á thích mua sắm quần áo mới vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Getty.

May mắn thay, ở góc độ nào đó, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy con người tiêu dùng có ý thức hơn.

Khi phải dành nhiều thời gian để ở nhà, họ đánh giá lại tầm quan trọng của sức khỏe và tính bền vững với môi trường. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta cần quá nhiều quần áo trong khi hầu hết đều làm việc ở nhà?

Từ góc độ người sản xuất thời trang, nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ cũng đang bắt đầu tập trung vào xu hướng bền vững, giúp chính họ và người tiêu dùng giảm lượng khí thải carbon.

Love Bonito, thương hiệu thời trang dành cho phụ nữ đa kênh lớn nhất Đông Nam Á, vừa bắt đầu quảng cáo về hoạt động cho thuê quần áo của mình, cho thấy sự thay đổi của người tiêu dùng đang được ghi nhận trên thị trường.

Mua đồ secondhand

Khi người tiêu dùng nhận ra cái giá thực sự của thời trang nhanh, việc thuê quần áo hoặc mua đồ secondhand là xu hướng tất yếu.

Các nền tảng bán lại quần áo, phụ kiện mang đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sản phẩm cũ với chất lượng tốt và giá thành phải chăng hơn, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường.

Thoi trang nhanh dip Tet anh 3

Zara, H&M hay Shein là những thương hiệu thời trang nhanh được chú ý bởi giá thành rẻ, mẫu mã theo xu hướng. Ảnh: DDW.

Tuy nhiên, tại châu Á, vấn đề cốt lõi khi mua đồ secondhand chính là sự tin tưởng. Nhiều người tiêu dùng luôn nghi ngờ về chất lượng và tính chính hãng của món đồ cũ.

Tại phương Tây, khi hoạt động mua bán đồ secondhand đã trở nên phổ biến, người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng đồ cũ hơn. Họ quen với những sản phẩm đã qua sử dụng được bày bán tại các cửa hàng ký gửi, từ thiện, đến đó mua sắm và mang lại cho món thời trang một vòng tuần hoàn mới.

Sarah Garner, người sáng lập Retykle cho biết trên Channel News Asia: “Tết Nguyên đán đã đến, tôi sẽ không mua bất cứ món đồ mới nào để cho thấy may mắn cũng có thể đến với những quyết định thời trang có ý thức”.

Tết về nhà, ngại nhất bố mẹ giục yêu đương

Vừa về quê đón Tết, nhiều bạn trẻ đã được gia đình hỏi han chuyện hẹn hò, giới thiệu các mối quan hệ để làm quen.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm