Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Giáng sinh, vì vậy, các cửa hàng thời trang, trung tâm mua sắm ở Hà Nội tăng cường kích cầu bằng cách khuyến mãi gây sốc, đại hạ giá từ 30-50% thậm chí có nơi lên tới 70%.
Tưng bừng mùa Noel “sale off”
Dạo quanh một vòng khu vực Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Tôn Thất Thuyết, Chùa Bộc… hầu hết các cửa hàng buôn bán quần áo, phụ kiện, mỹ phẩm, đồ điện tử đều treo biển “sale”.
Các cửa hàng thời trang đua nhau giảm giá sản phầm. |
Thời điểm này, tại Tràng Tiền Plaza có một vài cửa hàng mỹ phẩm giảm giá nhẹ từ 10-20%. Khu vực Xuân Thủy, Cầu giấy nhiều cửa hàng mỹ phẩm giảm giá từ 10-30% nhân dịp Noel. Tại khu vực Cầu Giấy, Chùa Bộc các mặt hàng điện tử như điện thoại, máy tính… đều tung ra chương trình khuyến mãi mua sắm dịp giáng sinh kèm theo quà tặng. Với các cửa hàng quần áo, giày dép, đa số đều tích cực giảm giá từ 20-30% đối với hàng thu đông.
Tại phố Bạch Mai, tò mò vì tấm biển sale off 70%, phóng viên bước chân vào cửa bán quần áo và được người bán hàng giới thiệu đồ và nhanh nhảu chỉ vào đống đồ chất đống, rúm ró, lộn xộn là sale 70%. Nhìn đống đồ chủ yếu là hàng hè, thu đông, sờ vải cứng, bụi mù… khiến chúng tôi ngán ngẩm lắc đầu. Mặc dù bên ngoài cửa hàng, bộ quần áo mà ma đơ canh mặc được dán biển sale 70% rất đẹp, hợp thời trang, còn ghi cụ thể giá là 180.000 đồng.
Cũng trên con phố đó, chúng tôi ghé vào cửa hàng Việt Nam Xuất khẩu có treo biển giảm giá 30-50%. Bước vào thử đồ, sau khi chọn đồ ưng ý, hỏi giá, chúng tôi mới tá hỏa: “Áo này giá là 320.000 đồng, giảm giá còn 220.000 đồng”, cô bán hàng nhẹ nhàng nói. Dù giảm giá 30% nhưng chiếc áo vẫn đắt hơn rất nhiều so với giá thị trường. Tại khu vực chợ Nhà Xanh, các cửa hàng treo biển giảm giá từ 30-50% chiếm đa số. Nhưng chủ yếu quần áo giảm giá, đại hạ giá đều là hàng secondhand, chất lượng kém. Hàng hạ giá chủ yếu là hàng hè, hàng tồn kho.
Không chỉ hàng thời trang, các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cũng đua nhau giảm giá sâu. |
Mua được giá rẻ vẫn không hài lòng
“Khuyến mãi sốc”, “hạ giá, đại hạ giá”, “giảm giá từ 30 - 50%”, áo phông 80.000, áo len 120.000... thậm chí lên tới 70%. Nhiều chương trình khuyến mãi được hầu hết cửa hàng tung ra trong dịp Noel năm nay.
Chị Nguyệt, nhân viên ngân hàng VIB, một người có khá nhiều kinh nghiệm săn hàng giảm giá chia sẻ: “Người tiêu dùng nên cẩn thận với hàng sale, hàng giảm giá. Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tranh thủ giải quyết hàng tồn kho, lỗi mốt, lừa hoặc dụ khách hàng. Họ tung ra chiêu giảm giá, khuyến mãi nhưng không quên đẩy giá sản phẩm lên gấp 2-3 lần so với giá gốc. Nếu cứ nhìn giá mua hàng thì nghĩ sẽ được giá tốt, nhưng về giá trị sản phẩm đó có khi chúng lại không bằng giá đang được niêm yết để khuyến mãi”.
Bạn Hoàng Thu Trang (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho biết thêm: “Họ treo biển giảm giá, nhưng kỳ thực, vào shop thì đâu có sale như quảng cáo. Toàn hét giá trên trời, nên chả mấy khi mình hứng thú với kiểu khuyến mãi đó cả”. Đồng quan điểm đó, Anh Lưu Duy Hoài (kế toán, Hà Nội) nói: “Mọi năm thời điểm này tôi hay săn khuyến mãi để mua quà tặng mọi người trong gia đình. Tuy nhiên mấy lần đều mua phải những sản phẩm chất lượng không tốt lắm nên tôi nản. Có lẽ, tổ chức cho gia đình đi ăn là tốt nhất”.
Việc giảm giá sản phẩm thu hút được khá đông người tiêu dùng mua sắm, tuy nhiên chất lượng hàng hóa lại là vấn đề mà không phải bất cứ cứ ai cũng xuề xòa cho qua, cho dù đó là món đồ giá rẻ. Do vậy, với nhiều người vẫn sẵn sàng cất công săn lùng hàng giảm giá nhưng trở nên thận trọng hơn trong việc mua sắm đồ khuyến mãi.
Mẹo mua hàng giảm giá hiệu quả
1. Tham khảo giá thị trường bằng cách lên mạng, hỏi bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm về món đồ mà mình định mua. Bạn cũng có thể tìm tên công ty, đơn vị sản xuất sản phẩm đó, lấy số điện thoại để gọi điện cho bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc tham khảo qua trang web của công ty. Với những sản phẩm ít tiền như quần áo, giày dép, đồ dùng nhà bếp… trước khi muốn mua bất cứ một sản phẩm “giá rẻ” bất ngờ nào, bạn cũng cần phải biết qua khung giá chung của “hệ” sản phẩm đó. Có như vậy mới tránh để không bị rơi vào tình trạng hí hửng ôm một món đồ đắt hơn giá thị trường hoặc là một món đồ không cần thiết nhưng vì “rẻ quá nên mới mua”…
2. Xác định nhu cầu của mình trước những sản phẩm giá rẻ. Để tránh việc “vác” những thứ không cần thiết về nhà, để rồi sau đó lại phải tìm cách cho đi, khi đứng trước cửa hàng “giá khủng” nào đó, bạn cần phải đặt ra một câu hỏi “mình mua cái này về để làm gì?”. Nếu câu trả lời “không để làm gì” hoặc “nhà mình đã có một cái đang dùng tốt” thì tốt nhất là… quay đi. Bằng cách này không những bạn sẽ tránh được việc “mất tiền vô ích” mà còn không bị mất thời gian “mua dây buộc mình”.
3. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Theo kinh nghiệm của nhiều khách hàng, trước các dòng sản phẩm có khuyến mãi lớn, người dùng vẫn nên lưu ý kỹ tới chất lượng sản phẩm. Việc “đọc kỹ hướng dẫn sản phẩm trước khi dùng” không bao giờ là thừa khi bạn là một người tiêu dùng thông thái.
4. Tìm mua sản phẩm khuyến mãi của những thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường. Những sản phẩm lớn, có tên tuổi thường được niêm yết giá và công khai địa chỉ các đại lý bán hàng của họ. Thực tế là có những sản phẩm tồn đọng quá lâu, mặc dù chất lượng không thay đổi nhưng do nhu cầu thu hồi vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh nên họ vẫn cần phải “thanh lý” hàng. Đây chính là “cơ hội vàng” để bạn có thể mua được sản phẩm tốt giá rẻ.