Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời kỳ 'nắm đằng chuôi' của nhân tài ngành công nghệ đã kết thúc

Khi hàng nghìn nhân sự ngành công nghệ bỗng chốc thất nghiệp và cần chỗ làm mới, họ thấy mình đang phải lao vào cuộc cạnh tranh gay gắt, còn phía tuyển dụng có nhiều lựa chọn hơn.

Khi đọc về làn sóng sa thải ở các Big Tech (công ty công nghệ lớn), Tiara Richardson (40 tuổi, Bắc Carolina, Mỹ) vẫn hy vọng công việc thiết kế nội dung của mình ở tập đoàn Meta sẽ an toàn. Tại thời điểm đó, cô đã làm việc được 4 tháng và nhóm của cô được coi là ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, khi một email thông báo sa thải được gửi đến Tiara vào tháng 11 năm ngoái, cô hoàn toàn suy sụp. Cùng với cô, 11.000 nhân sự khác cũng mất việc đột ngột.

“Tôi bắt đầu khóc. Tôi chưa bao giờ vào tình cảnh đó trước đây. Tôi lo sợ mình không tìm được việc làm khác thì sao”, Tiara kể lại với Washington Post.

Lực lượng làm việc trong ngành công nghệ có nhiều lựa chọn và cơ hội công việc cho họ trong nhiều năm qua. Nhưng thời kỳ đó hiện đã kết thúc.

Tiara và hàng trăm nghìn nhân viên khác trong ngành công nghệ đang trên cùng một con thuyền: bị sa thải và cần tìm việc khác. Twitter, Meta, Stripe, Lyft và gần đây nhất là Salesforce và Amazon nằm trong số những công ty đáng chú ý nhất đã cắt giảm lực lượng lao động của họ với quy mô lớn.

lan song sa thai anh 1

Những "ông lớn" trong ngành như Meta, Amazon, Microsoft nhiều lần đưa ra quyết định sa thải hàng loạt một cách chóng vánh trong năm qua. Ảnh: Insider.

2 vợ chồng mất việc cùng lúc

Phần lớn cho biết họ vẫn coi các công việc trong ngành công nghệ là cơ hội để phát triển sự nghiệp và tăng thu nhập. Nhưng làn sóng cắt giảm buộc họ phải tìm kiếm những vị trí có thể mang lại sự đảm bảo hơn.

Dữ liệu cho thấy triển vọng không hoàn toàn biến mất. Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm khoảng 223.000 việc làm tại Mỹ trong tháng 12 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ hồi tuần trước.

Rand Ghayad, người đứng đầu bộ phận kinh tế và thị trường lao động toàn cầu tại LinkedIn, viết trong một bài đăng trên blog gần đây rằng việc sa thải nhân viên Công nghệ không hoàn toàn phản ánh tình hình kinh tế. Một phần, đây là động thái để cân bằng lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện giờ khiến tính cạnh tranh khi tuyển dụng gay gắt thêm nhiều lần, vì nhiều người cùng đua tranh vào một vị trí.

Một tháng sau khi bị sa thải, Tiara đã chia sẻ trên LinkedIn, thông báo với mạng lưới trên đó rằng cô đã sẵn sàng với cơ hội mới. Khi cô bắt đầu nộp đơn xin việc vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, cô nhận thấy mình đang phải cạnh tranh với hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người trong ngành của mình cho cùng một vị trí.

“Đối với những công việc đã ứng tuyển, tôi nhận được nhiều thông báo từ chối hơn trước đây”.

lan song sa thai anh 2

Năm 2022 là năm chứng kiến hàng chục nghìn lao động làm việc ở lĩnh vực Công nghệ trên thế giới đột ngột mất việc, thành người thất nghiệp. Ảnh minh họa: Money.

Việc tuyển dụng trong ngành công nghệ, Thông tin và Truyền thông đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, theo dữ liệu của LinkedIn. Tuy nhiên, gần 40% đã nhảy việc vào tháng 11 năm ngoái vẫn ở lại trong lĩnh vực này.

Những người khác đã chuyển sang công ty luật, tài chính hoặc kế toán. Theo dữ liệu từ ZipRecruiter, thời gian chờ đợi để các nhân viên công nghệ nhận được công việc tiếp theo của họ đang được rút ngắn. Khoảng 37% nhân viên bị sa thải được khảo sát đã tìm được công việc mới trong vòng một tháng và 79% được tuyển dụng trong vòng 3 tháng.

Đối với Meagan Moakes (37 tuổi, Dallas), việc bị sa thải càng tồi tệ hơn khi chồng cô cũng trải qua tình trạng tương tự 2 ngày trước đó. Moakes từng có 3 lần bị cho nghỉ việc trong sự nghiệp của cô.

“Đến lần thứ tư, tôi gần như tê liệt cảm xúc. Chúng tôi đi từ gia đình có hai nguồn thu nhập sang không có nguồn lương nào trong vòng 48 giờ”, cô kể.

Vị trí quan hệ khách hàng mà Moakes đang rải đơn xin việc cũng có đông ứng viên khác từ khoảng 300 người cho đến 3.600 cùng ứng tuyển. Nhiều người là các gương mặt có kinh nghiệm làm cho các Big Tech. Cuối cùng, Moakes bắt đầu nghi ngờ về kỹ năng và thành tích của chính mình.

“Tôi cảm thấy như bị lạc”, cô nói.

Chiến lược mới để thoát thất nghiệp

Vahan Terterian (thành phố Denver) đã ứng tuyển vào ít nhất 150 vị trí kể từ khi anh mất việc vào cuối năm ngoái, nhưng chỉ một số ít phản hồi, thể hiện sự quan tâm.

Chàng trai 26 tuổi có 7 tháng làm giám đốc sản phẩm tại một công ty trước khi bị cắt giảm. Sau khi mất vài ngày vượt qua cú sốc, Terterian nhận ra cũng có vô số người phải đối mặt với tình cảnh giống mình, đồng nghĩa với chuyện thị trường đang tràn ngập những tài năng chất lượng cao.

Giờ đây, khi đi phỏng vấn xin việc, anh bắt đầu hỏi phía tuyển dụng những câu hỏi cụ thể hơn về sự ổn định tài chính của công ty và triển vọng việc làm để tránh bị sa thải lần nữa.

lan song sa thai anh 3

Công việc trong ngành công nghệ vẫn dồi dào ở Mỹ, song mức độ cạnh tranh gay gắt gấp nhiều lần so với trước. Ảnh: Washington Post.

Đối với Amber Adamson (36 tuổi, bang Pennsylvania), chiến lược hiện giờ là nâng cao kỹ năng viết code của bản thân, để khả năng được nhận việc cao hơn. Từ vai trò giảng dạy, Amber bắt đầu công việc kỹ thuật đầu tiên với vị trí nhà phát triển e-mail cho một công ty dịch vụ thú y vào tháng 6 năm ngoái. 3 tháng sau, cô bị cho nghỉ việc.

Với người mới vào ngành như Amber, con đường kiếm việc càng nhọc nhằn hơn khi số năm kinh nghiệm chưa đủ dày. Trong khi đó, ngày càng đông nhân sự từ các Big Tech đang thất nghiệp và sẵn sàng bắt đầu công việc mới.

Một số người nhận thấy rằng con đường tốt nhất để có một công việc mới là thông qua mạng lưới nghề nghiệp của họ. Charell Star, cựu lãnh đạo truyền thông thương hiệu, truyền thông xã hội và quan hệ đối tác của Meta, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực tiếp thị, cũng là một phần trong đợt sa thải vào tháng 11 sau khi làm việc cho công ty được hơn hai năm.

Star cho biết những khách hàng tiềm năng tốt nhất đến từ các mối quan hệ đã nghe về việc cô bị sa thải hoặc đã thấy bài đăng trên LinkedIn của cô thông báo về điều đó.

“Mặc dù việc sa thải nhân viên làm tăng sự cạnh tranh, nhưng chúng cũng tạo ra cảm giác cộng đồng cùng giúp nhau vượt qua khó khăn”, cô nói.

Còn Tiara đang cố gắng sáng tạo hơn trong quá trình tìm việc. Với nền tảng về thời trang và sở thích về truyền thông, thời trang, bán lẻ và giải trí, cô đã liên lạc với người đứng đầu bộ phận nhân sự tại Parkwood Entertainment và công ty của ca sĩ Beyoncé, đồng thời tiếp cận với Quỹ Obama.

“Lời khuyên của tôi là giữ một tư duy tích cực và đừng ngại lao vào các cơ hội mới”, cô nói chắc nịch.

Công việc khiến lớp trẻ thờ ơ, người già đổ xô đi làm ở Hàn Quốc

Khi người trẻ không mặn mà với các công việc dễ kiếm như phục vụ bàn, người trung niên ở Hàn Quốc đang lấp đầy vào chỗ trống mà nhóm 20-30 tuổi để lại trên thị trường lao động.

Giá trị của việc đọc kỹ

Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến ​​thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm