Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá trị của việc đọc kỹ

Nghiên cứu cho thấy thực hành đọc sâu là cách hiệu quả để tăng khả năng tập trung, rèn luyện trí não và tư duy sáng tạo, đồng thời tạo nên hạnh phúc bền vững.

Theo trang Goalcast, thời đại kỹ thuật số và sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến con người ngày càng dễ sao nhãng, khó tập trung lâu vào bất kỳ điều gì. Chúng ta bị cuốn theo nhu cầu được cung cấp "hormone hạnh phúc" dopamine thông qua việc lướt mạng liên tục.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng xây dựng thói quen đọc sách, đặc biệt thực hành đọc sâu (deep reading) là cách hiệu quả để tăng khả năng tập trung, rèn luyện trí não và tư duy sáng tạo, đồng thời tạo nên hạnh phúc bền vững.

Giá trị của thực hành đọc sâu

Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã thời kỳ Phục hưng Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng".

Đọc sâu, hay còn được gọi là đọc chậm - đọc kỹ, là hành động cố ý đọc chậm hơn và suy nghĩ nhiều hơn với mục đích tăng cường, đào sâu khả năng hiểu và thưởng thức.

Tất cả chúng ta đều có thể từng có trải nghiệm đọc sâu, dù ở mức độ nào đó. Đó là khi các trang sách "nuốt chửng" lấy tâm trí bạn và ở rất lâu trong đó. Bạn đọc đi đọc lại đoạn văn nhiều lần, suy ngẫm về ý nghĩa của các dòng chữ, bối cảnh, nhân vật...

ky nang doc sau anh 1

Đọc sâu giúp con người tăng cường tư duy, đạt được hạnh phúc. Ảnh: Xenia Bunina/Pexels.

Đôi khi điều này xảy ra vô tình vì bạn không có ý định nghiền ngẫm về nó từ đầu, và có thể nội dung của cuốn sách có tác động tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người đọc.

Tuy nhiên, thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Thông qua hành động đọc sâu, chúng ta không chỉ khám phá thế giới và kiến ​​thức mà còn khám phá về chính bản thân.

Robert Waxler (giáo sư tiếng Anh tại ĐH Massachusetts Dartmouth) và tác giả Maureen Hall cho biết đọc sâu đòi hỏi con người phải nỗ lực và phát triển các kỹ năng tập trung, tư duy và nhận thức đầy đủ.

"Đọc sâu đem lại cho ta cách mình khám phá và kết nối với thế giới, giúp ta nhìn thấy câu chuyện của chính mình đang diễn ra qua ngôn ngữ và giọng kể của người khác".

6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu

Đọc sâu là một kỹ năng cần có nhiều thời gian cùng nỗ lực để xây dựng. Khi đã thực hành đọc sâu một cách thuần thục, bạn sẽ nhận thấy giá trị nó mang lại cho bản thân rất lớn.

1. Sử dụng sách bản cứng

Nghiên cứu cho thấy chúng ta hiểu và kết nối thông tin tốt nhất qua đọc sách giấy. Có hai lý thuyết chính giải thích cho điều này:

Thứ nhất, khi đọc trang sách vật lý sẽ không có sự phân tâm như với đọc sách điện tử và sách nói. Thứ hai, bộ não lưu giữ thông tin tốt hơn khi thực hành đọc được kết hợp với trải nghiệm xúc giác.

2. Dùng bút đánh dấu

Sử dụng bút hoặc dụng cụ đánh dấu (hightlighter) giúp bạn ghi nhớ sâu hơn các chi tiết quan trọng. Có sự khác biệt giữa đọc thụ động và đọc chủ động, khi bạn chú tâm vào thông tin mình muốn nạp vào.

ky nang doc sau anh 2

Đọc sâu là kỹ năng cần thời gian dài để xây dựng. Ảnh: Mathilde Mangevin/Pexels.

3. Không có thiết bị kỹ thuật số bên cạnh

Ngay cả chiếc điện thoại đặt úp trên bàn trong chế độ im lặng hay máy tính đã tắt màn hình cũng có thể tạo ra sự phân tâm. Ta dễ bị thôi thúc bởi mong muốn mở chúng lên để kiểm tra tin nhắn hoặc lướt mạng xã hội. Tốt nhất, muốn đọc sâu, bạn cần ngồi ở một không gian riêng biệt.

4. Giữ một cuốn sổ ghi chép bên mình

Trong lúc hoàn toàn chìm đắm vào những dòng chữ trong sách, những suy nghĩ ngẫu nhiên vẫn xuất hiện trong đầu bất thình lình: email cần gửi, món hàng cần mua, chuyện cần phải thông báo cho ai đó, ý tưởng cho dự án mới...

Hãy ghi ngay những suy nghĩ bất chợt đó xuống để không bỏ sót chúng, nhưng không để não bộ bám riết vào nỗi lo lắng ấy. Sau đó, trở lại và tiếp tục đọc sách.

5. Đọc ít nhất 30 phút/lần

Cần có thời gian để tâm trí bạn chìm sâu vào nội dung đang đọc.

Không sai khi bạn tranh thủ đọc sách ngay khi có khoảng nghỉ ngắn, hay nghe sách nói lúc dắt chó đi dạo hoặc làm việc nhà, tuy nhiên đó không phải đọc sâu.

Giống như tập thể dục, bạn cần các bài tập đủ lượng và đủ thời gian để đạt được mục tiêu của mình.

6. Coi việc đọc sâu như xây "cơ bắp" cho não: Cần rèn luyện nó.

Khả năng chú ý hoàn toàn vào một cuốn sách được xây dựng theo thời gian. Lúc đầu để đọc sâu có thể rất khó, nhưng lâu dần sẽ dễ dàng hơn. Cuối cùng bạn sẽ thấy nó thú vị.

"Kiên nhẫn" và "gắn bó" là lời khuyên của các chuyên gia để bạn học được cách đọc sâu. Nhiều người mất khoảng 3-4 tuần liên tiếp để hình thành sự tập trung, hạn chế bị phân tâm bởi môi trường xung quanh.

Ban đầu, nếu cảm thấy "bứt rứt" khi ngồi đọc lâu, bạn nên chọn những cuốn sách thực sự hấp dẫn mình. Dần dần chuyển sang các cuốn sách khó hơn, đòi hỏi sự nghiền ngẫm và tư duy cao. Điều này giúp hình thành thói quen đọc sâu nhất quán.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Bí mật khiến khách hàng mải mê trong nhà sách

Vận dụng hiệu ứng tâm lý trong thiết kế không gian, bố trí sản phẩm, các nhà sách thường khiến khách hàng mải mê khám phá từng ngóc ngách và mua nhiều món hàng hơn dự định.

Gen Z lam sep hinh anh

Gen Z làm sếp

0

Những Gen Z đảm nhận vai trò quản lý đang định nghĩa lại khái niệm "lãnh đạo". Họ không còn chấp nhận kiểu cấp trên xa cách, quan liêu, chỉ biết ra lệnh.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm