Ngay sau buổi trưa 8/9, chủ nhiệm Văn phòng Nội các Anh Nadhim Zahawi vội vã đi vào cuộc họp của Hạ viện để chuyển cho tân Thủ tướng Liz Truss một bức thư.
Ông đã nán lại để thì thầm với nữ thủ tướng trong khi lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer phát biểu, theo Guardian.
Một lúc sau, bà Angela Rayner, phó lãnh đạo Công đảng Anh cũng nhận được một tờ giấy. Bà đọc hết nội dung của tờ giấy trước khi ngước mắt lên với thái độ nghi ngờ và lo lắng.
Cuộc tranh luận về giá năng lượng vẫn tiếp tục, nhưng đột nhiên gói cứu trợ trị giá 150 tỷ bảng Anh của chính phủ không còn là câu chuyện quan trọng nhất trong ngày.
Người dân đặt hoa tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II bên ngoài Điện Holyrood ở Edinburgh. Ảnh: Guardian. |
Sự bất thường
Các phóng viên có mặt đã nhanh chóng nhận ra sự bất thường này. Họ biết rằng đó phải là một vấn đề gì đó quan trọng nên diễn biến mới khác thường như vậy.
Các suy đoán nhanh chóng chuyển sang tình trạng sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II.
Vị quân vương 96 tuổi trông có vẻ không khỏe với vết thâm tím trên tay phải khi làm lễ bổ nhiệm chức thủ tướng cho bà Liz Truss tại lâu đài Balmoral hai ngày trước đó.
Không cần phải đợi lâu, ngay sau 12h30, Điện Buckingham đưa ra một tuyên bố bất thường. "Các bác sĩ của Nữ hoàng quan ngại sức khỏe của bà và khuyến cáo rằng bà nên tiếp tục được giám sát y tế".
Thông báo từ nơi ở chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II cho biết thêm rằng: “Nữ hoàng vẫn cảm thấy thoải mái” nhưng không có gì chứng tỏ điều tích cực hơn về tình trạng sức khỏe của bà.
Vài phút sau, cuộc tranh luận tại Hạ viện bị gián đoạn một thời gian ngắn khi Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle lên tiếng.
Theo thông lệ, Hạ viện Anh thường không tranh luận hoặc thậm chí là đề cập đến nữ hoàng, nhưng tiền lệ lần này đã bị phá vỡ. Ông Hoyle gửi đến Nữ hoàng Elizabeth II "lời chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi" trong một phát biểu ngắn trước khi yêu cầu nghị sĩ Ian Blackford tiếp tục phần trình bày.
Hàng nghìn người tập trung bên ngoài Điện Buckingham sau khi nghe tin Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Ảnh: Shutterstock. |
Những thông điệp được đưa ra sau đó đều đề cập đến tình trạng sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II. Bà Truss cho biết bà “quan tâm sâu sắc”, trong khi ông Starmer bày tỏ “lo lắng chân thành” đến Nữ hoàng Elizabeth II.
Trên Twitter, Giám mục trưởng Giáo hội Anh Justin Welby viết: "Cầu mong sự hiện diện của Chúa sẽ tiếp thêm sức mạnh và phù hộ cho Nữ hoàng, gia đình của bà và những người đang chăm sóc bà tại lâu đài Balmoral".
Phút giây trước tin dữ
Tại tòa nhà Quốc hội Anh, nhiều nguồn tin cho biết “những người có vai trò trong hiến pháp” được yêu cầu chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra.
Một trợ lý của một trong những người trên cho biết họ đã phải trả lời một loạt "cuộc gọi khẩn cấp" vào giờ ăn trưa khi các cơ quan chính thức tiến hành công tác chuẩn bị cho “Chiến dịch Cầu London”.
“Chiến dịch Cầu London” là kế hoạch liệt kê những sự kiện sẽ xảy ra tại Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Theo đó, nước Anh sẽ bắt đầu với 10 ngày tang lễ.
Một cựu lãnh đạo của phe đối lập cho biết cảnh báo chính thức từ cung điện và các tuyên bố sau đó phù hợp với giao thức mà ông đã từng được thông báo trước đó, theo Guardian.
Trong lúc đó, các phóng viên hoàng gia nhận được thông báo "cây cầu không bị sập" - có nghĩa là dù tình huống nghiêm trọng xảy ra, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn còn sống trong lâu đài tại Scotland.
Lúc này, đài BBC đã đột ngột tạm dừng chương trình Bargain Hunt vào khoảng 12h40. Màn hình trong phút chốc chuyển sang màu đen trước khi người dẫn chương trình thời sự Joanna Gosling xuất hiện và đọc tuyên bố của Điện Buckingham.
Đài BBC chuyển sang đưa tin chính thức, người dẫn chương trình Huw Edwards, đeo cà vạt đen, sau đó đưa tin về các sự kiện.
Gia đình của Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu tập hợp tại lâu đài Balmoral.
Thái tử Charles cùng vợ là Công nương Camilla trước đó ở tòa nhà Birkhall gần đó, trong điền trang Aberdeenshire. Theo nhiều nguồn tin, ông thường xuyên đến thăm Nữ hoàng Elizabeth II vào buổi sáng trong suốt mùa hè.
Hoàng tử Harry trên đường đến lâu đài Balmoral. Ảnh: TheImageDirect. |
Công chúa Anne đang ở Scotland cũng nhanh chóng đi đến lâu đài Balmoral. Chẳng bao lâu sau đó, những người con cháu của Nữ hoàng cũng lên đường hướng về lâu đài.
Hoàng tử William cùng với Hoàng tử Andrew và những người khác đã đáp một chiếc máy bay đặc biệt từ Northolt ở phía tây bắc London đến Aberdeen, sau đó đến Balmoral trên một đoàn xe sau 17h.
Hoàng tử Harry đã hủy bỏ việc tham dự sự kiện trao giải của một tổ chức từ thiện và đến lâu đài Balmoral. Công nương Meghan không đi cùng Hoàng tử khi đó.
Công nương Kate - vợ Hoàng tử William cũng vẫn còn ở Windsor.
Thời tiết dù khắc nghiệt nhưng các nhóm người bắt đầu tập trung tại Cung điện Buckingham và ở lâu đài Balmoral khi trời chập tối.
Trong cuộc họp qua video với tân Thủ tướng Liz Truss, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông và phu nhân “hướng về Nữ hoàng Elizabeth II và gia đình của bà trong từng suy nghĩ của họ”.
Điều không mong muốn nhất
Vài giờ trước, mọi người vẫn mơ hồ không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng giờ đây, truyền thông đã tràn ngập tin tức về điều tồi tệ nhất: Nữ hoàng Anh đã băng hà.
Người trị vì triều đại kéo dài 70 năm đã qua đời sau một trận ốm ngắn.
Thư ký nội các Simon Case nói cho Thủ tướng Liz Truss biết tin dữ vào lúc 16h30 và phải hai giờ nữa tin tức mới được công bố khắp cả nước.
Tuyên bố chính thức xác nhận Nữ hoàng Elizabeth II băng hà được dán trước Điện Buckingham. Ảnh: Guardian. |
Như thông lệ của Điện Buckingham, các phóng viên hoàng gia nhận được một cảnh báo ngay trước khi có một thông báo quan trọng. Và các phóng viên nhận được thông báo ngay trước 18h30. Tiếp theo là tuyên bố mà mọi người đã hy vọng không nghe được.
“Nữ hoàng qua đời trong yên bình tại Balmoral vào chiều nay”, Điện Buckingham cho biết.
Điện Buckingham cũng cho hay: "Vua và Hoàng hậu sẽ ở lại Balmoral vào tối nay và sẽ trở lại London vào ngày mai".
Đài BBC cho lên hình lá cờ tại Điện Buckingham được treo rủ. Người dẫn chương trình Edwards sau đó đưa ra thông báo xúc động nhất trong sự nghiệp phát sóng của mình. Lúc đó, dường như ông gần rơi nước mắt.
Ông nói: “Một vài phút trước, Điện Buckingham đã ra thông báo về sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II”. Ông nhắc đi nhắc lại thông báo đó như thể nếu chỉ nghe một lần thì người ta sẽ không thể tiếp nhận nổi.
Sau đó, bài quốc ca vang lên và tiếp sau là một vài khoảnh khắc để người xem tin tức lắng đọng.
Khoảng 20 phút sau, Quốc vương Charles III phát biểu: “Sự hiểu biết, tôn trọng và tình cảm sâu sắc mà nhiều người dành cho Nữ hoàng sẽ giúp tôi được an ủi và có thể tiếp tục công việc của mình”.
Bà Liz Truss sau đó cũng có bài phát biểu tại Phố Downing.
“Sự ra đi của nữ hoàng là một cú sốc lớn đối với nước Anh và toàn thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II là nền móng của nước Anh hiện đại. Đất nước Anh đã phát triển mạnh mẽ dưới triều đại của nữ hoàng”, bà Truss nói trước công chúng.
Kết thúc bài phát biểu, vị tân thủ tướng cũng kêu gọi người dân ủng hộ Vua Charles III. “Chúa phù hộ quốc vương”, bà nói.
Cầu vồng bên cờ rủ tại lâu đài Windsor. Ảnh: Guardian. |
Đám đông lên đến hàng nghìn người bắt đầu tập trung tại Điện Buckingham và lâu đài Balmoral.
Trong khi đó, phía ngoài sân thượng của lâu đài Windsor, trong một vài khoảnh khắc, máy quay của đài BBC đã đứng yên, ghi lại hình ảnh cầu vồng đôi xuất hiện trên bầu trời nước Anh giữa một ngày ảm đạm.