Kế hoạch ban đầu của chính phủ Nhật Bản cho du thuyền Diamond Princess là cách ly tàu đến ngày 19/2. Thời hạn đã cận kề nhưng Bộ Y tế Nhật Bản vẫn chưa công bố ý định gia hạn cách ly, trong khi số ca nhiễm trên du thuyền tính đến ngày 16/2 đã lên đến 355 ca nhiễm.
Du thuyền khởi hành từ Hong Kong trở thành "ổ dịch" với số ca nhiễm virus corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Bệnh nhân đã được đưa lên đất liền điều trị. Một khi lệnh cách ly kết thúc, công tác di dời gần 3.400 du khách và thủy thủ đoàn còn lại trên tàu sẽ là thách thức không nhỏ cho năng lực của hệ thống y tế Nhật Bản.
Xe buýt đưa người xét nghiệm dương tính với virus corona rời du thuyền Diamond Princess. Ảnh: AFP. |
"Như thể cả du thuyền nhiễm bệnh"
Koji Wada, chuyên gia về y tế công cộng tại Đại học Sức khỏe và Phúc lợi Quốc tế, nhận định việc di dời hàng nghìn người thuộc diện rủi ro nhiễm virus corona khỏi du thuyền tương tự "một trò chơi không có hồi kết".
"Khi giới hạn đã cận kề, câu hỏi bây giờ là đưa mọi người về nhà kịp thời còn khả thi hay không. Hoàn toàn có khả năng không thể sơ tán tất cả hành khách trước thời hạn kết thúc cách ly", ông đánh giá.
Những người nhiễm virus corona mới xuất hiện triệu chứng trong thời gian từ 2-14 ngày sau khi nhiễm bệnh. Dựa vào phân tích này, chính phủ Nhật Bản từ ngày 3/2 áp dụng một lệnh cách ly kéo dài hai tuần cho du thuyền Diamond Princess tại Yokohama, sau khi xuất hiện thông tin một người Hong Kong dương tính với virus từng có mặt trên tàu.
Trong thời gian đó, hơn 3.700 du khách và thủy thủ đoàn đã được kiểm tra sức khỏe, nhận các chỉ thị tự cách ly như không rời cabin và hạn chế tiếp xúc với nhau. Những hành khách xuất hiện triệu chứng được tiến hành xét nghiệm.
Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra truyền nhiễm thứ phát, tức quá trình truyền nhiễm diễn ra trong thời gian xác định và điều trị những ca nhiễm đầu tiên, việc cách ly cả tàu trong 14 ngày trở nên vô nghĩa, theo Japan Times.
Hệ quả là khi giới chức y tế Nhật Bản mở rộng quy mô xét nghiệm sang những trường hợp không xuất hiện triệu chứng, số ca nhiễm thời gian qua liên tục tăng.
"Gần như cả toàn bộ du thuyền đã nhiễm bệnh. Thế giới đang dõi theo Nhật Bản", Wada nhận định, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới phải cùng lúc giải quyết một số lượng lớn người nhiễm virus corona.
Đến nay, Bộ Y tế Nhật Bản vẫn chưa chính thức đề cập ý định thay đổi thời điểm kết thúc cách ly tàu Diamond Princess. Những chiến lược kế tiếp của chính phủ nước này trong nỗ lực khống chế dịch bệnh sau thời hạn cách ly cũng chưa được công bố.
Theo Wada, tùy vào kết quả sắp tới, chiến lược ứng phó của Nhật Bản có thể trở thành hình mẫu tham khảo cho những nước đang gặp khó khăn trong khống chế dịch bệnh bùng phát.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phối hợp với cơ quan y tế chuẩn bị công tác sơ tán người trên du thuyền Diamond Princess. Ảnh: Reuters. |
Nhanh chóng sơ tán du thuyền
Trong những ngày qua, một số thay đổi trong chiến lược khống chế dịch bệnh đã bắt đầu được tiến hành. Bộ Y tế Nhật Bản cho sơ tán hành khách trên 80 tuổi và xét nghiệm âm tính với virus corona đến cơ sở lưu trú trên đất liền, đặt tại tỉnh Saitama. Hành khách trong độ tuổi này được đánh giá là nhóm có nguy cơ nhiễm thứ phát cao. Bên cạnh đó, đã có nhiều lo ngại rằng thời gian cách ly tác động xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của nhóm hành khách.
Nhật Bản cũng thông báo hợp tác với chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ mong muốn sơ tán công dân trên tàu Diamond Princess. Chuyến bay đầu tiên cho công dân Mỹ ngày 17/2 đã cất cánh từ sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) trước đó thông báo ý định sơ tán 400 công dân khỏi du thuyền đến cơ sở cách ly tại Mỹ.
Chính quyền đặc khu Hong Kong của Trung Quốc, cùng chính phủ hai nước nước Italy và Canada cũng đã thông báo ý định sơ tán công dân khỏi du thuyền.
Tokyo đồng thời kêu gọi các bác sĩ, học giả và chuyên gia hợp tác xây dựng kế hoạch di tản tàu Diamond Princess một cách an toàn và đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Wada là một trong các chuyên gia đóng góp cố vấn. Ông đề xuất biện pháp thiết lập lều xét nghiệm sơ bộ cho hành khách gần vịnh Yokohama.
Tiếp đến, chính phủ Nhật Bản cần xây dựng một kế hoạch cụ thể về quy trình sơ tán, xét nghiệm và điều trị cho toàn bộ hành khách cùng thủy thủ đoàn du thuyền Diamond Princess. Kế hoạch này phải đồng thời khống chế virus phát tán.
"Giữ hành khách cô lập ở nơi có rủi ro truyền nhiễm cao là quyết định gây tranh cãi, không chỉ xét ở góc độ phòng ngừa dịch bệnh mà còn về mặt đạo đức. Chúng ta cần hành động và đưa họ rời khỏi tàu trong thời gian sớm nhất", Chủ tịch Tổ chức Chăm sóc y tế Cộng đồng Nhật Bản (JCHO), Shigeru Omi, bày tỏ quan ngại trước việc chậm trễ sơ tán du thuyền.
Trong cuộc họp báo ngày 13/2, vị cựu giám đốc Văn phòng Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn 2002-2003 khi xảy ra đại dịch Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), đặt nghi vấn về độ tin cậy của kết quả xét nghiệm và năng lực các bệnh viện trên đất liền để tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân nhiễm virus corona.
"Các xét nghiệm không đảm bảo 100% phát hiện thành công virus. Còn trường hợp người nhiễm được chuyển đến bệnh viện cấp địa phương, những bệnh nhân đang ở đó sẽ dời đi đâu? Chúng ta có chắc chắn nhân viên y tế tại đây đã được chuẩn bị cho tình huống này hay chưa", ông Shigeru Omi cũng lưu ý rằng thời gian cách ly đáng lẽ phải bắt đầu lại từ đầu mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới trên tàu.
Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato ngày 12/2 chia sẻ ông muốn mọi hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu đều được xét nghiệm. Tuy nhiên, thách thức là quá lớn khi Nhật Bản không có đủ kit thử và gặp nhiều khó khăn về hậu cần. Tính đến ngày 16/2, mới có 1.219 trường hợp được xét nghiệm.