Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời gian nghỉ trưa của công chức trên thế giới được quy định thế nào

Nhiều quốc gia để cơ quan nhà nước chủ động quy định thời gian làm việc cho phù hợp với người lao động đồng thời để đảm bảo năng suất lao động, quyền lợi của cán bộ.

Công chức nói gì về đề xuất làm việc từ 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng Người lao động ở thành phố lớn đồng ý phương án thống nhất giờ làm từ 8h30. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị linh hoạt hơn để họ có thời gian tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập.

Dự thảo mới của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất phương án cán bộ, công chức đi làm từ 8h30 và giảm giờ nghỉ trưa từ 90 đến 120 phút như hiện tại xuống còn 60 phút.

Theo một số chuyên gia và nhà quản lý, việc giảm giờ nghỉ trưa là “phù hợp với xu thế, tương tự với các quốc gia khác trên thế giới”.

Xu thế chung, quy định linh hoạt

Nhìn ra khu vực, phần lớn cán bộ nhà nước ở các quốc gia Đông Nam Á đều làm việc 8 giờ/ngày, 40-44 giờ/tuần với quãng nghỉ trưa 60 phút.

Luật lao động của Philippines ban hành năm 1991 quy định lao động trong khu vực nhà nước làm 8 giờ/ngày bắt đầu làm việc từ 8h-12h, nghỉ trưa 1 tiếng và tiếp tục từ 13h đến 17h.

Tương tự, ở Malaysia công chức có 60 phút nghỉ trưa và giải quyết công việc cá nhân trước khi bước vào giờ làm việc buổi chiều. Tuy nhiên thời gian làm việc lại rất linh hoạt. Từ tháng 1/2018, thời gian hoạt động của các cơ quan nhà nước từ 7h30 sáng kéo dài đến 6h tối, chia thành ba ca: 7h30-16h30, 8h30-17h30 và 9h-18h.

“Thay vì ấn định khung giờ làm việc, công chức có thể lựa chọn làm việc theo ca để vừa đảm bảo công việc chung, vừa có thời gian sắp xếp việc cá nhân và thời gian phục vụ công dân được kéo dài hơn” - The Star dẫn lời ông Tan Sri Zainal Rahim Seman, Tổng giám đốc Sở Dịch vụ công Malaysia .

nguoi lao dong nghi trua 1 tieng anh 1
Thời gian làm việc và thời gian nghỉ trưa của công chức nhà nước ở một số quốc gia Đông Nam Á. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Tương tự Malaysia, để đảm bảo linh hoạt cho người lao động, Luật lao động ở những quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Lào và Campuchia đều chỉ quy định tổng số giờ làm/tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ được trả lương, làm ngoài giờ và các phúc lợi mà người lao động được hưởng, không quy định rõ thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc.

Cách làm thả nổi thời gian, giao quyền quyết định vào tay tổ chức được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Thời gian nghỉ trưa cũng là do các tổ chức chủ động quy định sao cho phù hợp với tính chất công việc. Ví dụ, luật lao động của Thái Lan và Singapore yêu cầu các cơ quan tự bố trí thời gian nghỉ trưa nhưng không được ít hơn 60 phút.

Cẩm nang dành cho người nước ngoài đến làm việc tại Singapore có nêu các cơ quan hành chính đều bắt đầu cùng một thời điểm để đảm bảo việc giao ban đầu giờ. Tuy nhiên tùy vào tính chất công việc, có cơ quan kết thúc công việc vào lúc 17h30 như Bộ Tài chính, Bộ Nhân lực. Một số cơ quan như thông tin - truyền thông hay cơ quan giao thông đường bộ tan ca lúc 18h.

Cách làm thả nổi thời gian, giao quyền quyết định vào tay tổ chức được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ các quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) đến các quốc gia Tây Âu hay vùng Australia.

Giảm nghỉ trưa đồng nghĩa tăng năng suất?

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra thời gian nghỉ trưa là thời gian để người lao động tái tạo năng lượng, tăng cường khả năng làm việc. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến cáo người lao động cần được nghỉ ít nhất 30 phút sau 5,5 giờ làm việc liên tiếp.

Sau khi dự thảo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng cắt giảm giờ nghỉ trưa từ 90-120 phút xuống còn 60 phút sẽ tăng được năng suất lao động.

Câu chuyện thời gian nghỉ trưa thế nào là đủ và liệu cắt giảm thời gian nghỉ trưa có tăng năng suất lao động là điều gây tranh cãi từ rất lâu.

Trong một khảo sát công bố năm 2018 thực hiện trên gần 3.000 lao động Mỹ, phần lớn người tham gia đều khẳng định thời gian nghỉ trưa là cần thiết để tiếp tục làm việc vào buổi chiều. Hơn một nửa người được hỏi cho biết họ chỉ nghỉ trưa 20-45 phút, và chỉ có 3% người nghỉ trưa trên 1 tiếng.

Khảo sát rút ra kết luận: Nếu thời gian nghỉ trưa quá ngắn (15-20 phút) không những không giúp người lao động tái tạo năng lượng mà còn bào mòn sức lực của họ. Dưới áp lực thời gian và áp lực công việc, họ sẽ có xu hướng ăn trên bàn làm việc và không thể tách rời mình ra khỏi công việc.

Trong khi đó, nếu thời gian nghỉ quá dài, người sử dụng lao động không lấy làm vui khi người lao động chậm chạp quay lại công việc vào đầu giờ chiều. Bản thân người lao động cũng thấy “thừa thãi” bởi nghỉ trưa dài đồng nghĩa với việc giờ về nhà lại muộn hơn một chút.

Trong series WorkLife do TedX phát hành, chuyên gia tâm lý Adam Grant - người có 20 năm nghiên cứu về năng suất lao động nhận định thực chất mấu chốt vấn đề để tăng năng suất lao động không phải là thời gian làm việc hay thời gian nghỉ trưa hay việc quản lý thời gian. Đôi khi ám ảnh về thời gian lại là nhân tố làm giảm năng suất lao động.

Sáng tạo và biết ưu tiên công việc mới là chìa khóa của tăng năng suất

Chuyên gia tâm lý Adam Grant

Theo ông, lao động và người quản lý lao động đang bị mắc kẹt trong bẫy “năng suất” và “quản lý thời gian”. Nếu người lao động chỉ quan tâm đến vấn đề thời gian khi đi làm thì khó có thể hoàn thành công việc của mình tốt được.

“Tăng giờ làm không đồng nghĩa với tăng năng suất lao động. Và làm nhiều giờ không có nghĩa là lao động chăm chỉ” - ông Grant khẳng định.

“Chúng ta không chỉ ưu tiên hoàn thành công việc trong thời gian ngắn mà còn phải làm việc sáng tạo. Sáng tạo và biết ưu tiên công việc mới là chìa khóa của tăng năng suất”, ông Grant nói thêm.

Tiếp tục lấy ý kiến về tăng tuổi hưu, thêm ngày nghỉ lễ trong năm

Bộ Lao động đang hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình Quốc hội. Trong đó, 6 vấn đề còn cần tiếp tục xin ý kiến và thảo luận sâu hơn.

Hà Phương

Bạn có thể quan tâm