Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Thời điểm thuận lợi để ông Kim Jong Un thực hiện nhiệm vụ lịch sử'

Với góc nhìn một học giả, cựu đại sứ Phạm Tiến Vân không quá lạc quan hay bi quan về hội nghị Mỹ - Triều. Nhưng ông tin vào quan hệ Việt - Triều và quyết tâm của ông Kim Jong Un.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 1thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 2

Với nhiều chục năm theo dõi bán đảo Triều Tiên, cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Tiến Vân chỉ ra thượng đỉnh ở Hà Nội là bước tiếp theo trong một quá trình dài để giải quyết tình hình bán đảo.

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Zing.vn, ông Phạm Tiến Vân, người từng gắn bó 40 năm sự nghiệp với bán đảo Triều Tiên, kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho quan hệ Việt Nam – Triều Tiên, khi lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, một lãnh đạo tối cao của Triều Tiên sang thăm chính thức Việt Nam.

Ông cũng cho rằng quyết tâm phát triển kinh tế “hợp logic” của lãnh đạo Kim Jong Un sẽ khiến đàm phán về phi hạt nhân hóa cuối cùng sẽ đi đúng hướng, dù hai bên vẫn cần thêm những lần gặp gỡ sau hội nghị ngày 27-28/2 tới.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 3

- Khi các nhà lãnh đạo Việt Nam và Triều Tiên thăm viếng lẫn nhau những năm 1950-1960, bối cảnh của hai nước như thế nào, thưa ông?

- Vào các thời điểm lãnh đạo 2 nước sang thăm viếng lẫn nhau, chúng ta mới thoát khỏi chiến tranh và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải nói rằng người dân mình có tình cảm đặc biệt và niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, có cơ sở là Liên Xô, Trung Quốc. Bác Hồ có nói “Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em", cho nên tình cảm với các nước xã hội chủ nghĩa được Việt Nam rất trân trọng, trong đó có Chủ tịch Kim Nhật Thành. Lúc ấy quan hệ chưa có những vấn đề phức tạp.

Lúc đó Việt Nam dựa vào xã hội chủ nghĩa để thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên chúng ta có niềm tin đặc biệt vào xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ có quan hệ đặc biệt với các lãnh đạo xã hội chủ nghĩa lúc đó.

- Việc ông Kim Jong Un tới Việt Nam, ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam – Triều Tiên?

- Quan hệ Việt Nam - Triều Tiên thời gian qua vẫn được duy trì và phát triển. Đó là mối quan hệ truyền thống, có lịch sử tốt đẹp, tuy trong hiện tại chưa phát triển như ý muốn. Chúng ta với Triều Tiên có quan hệ hợp tác hữu nghị, chứ chưa phải là chiến lược hay toàn diện.

Trong những năm gần đây, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã sang thăm Triều Tiên và chủ tịch quốc hội Triều Tiên cũng thăm Việt Nam. Nhìn chung là có những nổ lực tiếp tục duy trì mối quan hệ còn để mở ra những đột phá, phát triển lớn thì chưa có.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 6

- Ông kỳ vọng gì về quan hệ giữa hai nước sau lần này ông Kim Jong Un đến Việt Nam?

- Tôi nghĩ việc lãnh đạo hai nước chọn Hà Nội làm địa điểm gặp nhau là việc rất tốt để thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân, giải quyết vấn đề quan hệ Triều Tiên - Mỹ và Triều Tiên - Hàn Quốc, tạo ra quan hệ hoàn toàn mới cho bán đảo Triều Tiên, tạo cơ hội để Triều Tiên mở quan hệ với các nước khác, nhất là khi trừng phạt được xóa bỏ.

Lãnh đạo cấp cao Triều Tiên và Việt Nam thăm lẫn nhau sẽ là dịp tốt để chia sẻ quan điểm, tạo cơ sở để phát triển quan hệ hai nước. Triều Tiên đã chuyển đổi thế hệ, vì vậy một chuyến thăm như vậy sẽ có ý nghĩa tăng cường hiểu biết, tạo sự tin cậy cho thời gian tới.

- Tại sao ông Kim Jong Un không thăm chính thức Singapore, mà lại thăm chính thức Việt Nam?

- Đối với Triều Tiên, cái quan trọng nhất của họ là tổ chức hội đàm với Mỹ. Họ tập trung rất cao độ cho cuộc hội đàm này. Tôi cũng băn khoăn: cùng một lúc hai việc, vừa hội đàm với Mỹ, vừa thăm song phương Việt Nam thì có thuận lợi cho Triều Tiên hay không. Họ tập trung mọi trí tuệ và nguồn lực để tiến hành hội đàm với Mỹ, đó là ưu tiên số một của họ. Thăm song phương Việt Nam cũng là một sự kiện rất lớn. Tôi cũng tự hỏi liệu họ có đủ thời gian để chuẩn bị hay không, hay phải một dịp khác. Nhưng dù sao, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước gặp nhau sau một thời gian dài không có cơ hội như vậy.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 7

- Ông Kim Jong Un tận dụng chuyến thăm này thế nào cho việc phát triển kinh tế một khi cấm vận được dỡ bỏ?

- Tôi nghĩ rằng sau bao nhiêu năm tập trung nguồn lực để phát triển quốc phòng và vũ khí hạt nhân. Bây giờ là thời điểm để Triều Tiên thay đổi chính sách, tìm giải pháp có lợi nhất cho vấn đề này, đồng thời tập trung phát triển kinh tế.

Nếu lệnh cấm vận được giải quyết, có hai vấn đề: Triều Tiên sẽ thực hiện chính sách kinh tế như thế nào, và Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ hợp tác với nước ngoài thế nào. Triều Tiên đang theo đường lối cải cách và mở cửa, chuyển từ kinh tế kế hoạch sang thị trường; mở cửa về đối ngoại, thiết lập quan hệ với các nước, đồng thời phát triển về đầu tư, giao thương và du lịch với các nước.

Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ làm việc này theo kiểu Triều Tiên, mất bao nhiêu thời gian, mức độ như thế nào, cũng sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, cũng như quyết tâm, ý chí chính trị của lãnh đạo Triều Tiên.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 8

Đối với Việt Nam, nhiều người nghĩ ông sẽ tận dụng gì, hay Triều Tiên sang đây để học, nhưng tôi nghĩ Triều Tiên đã nghiên cứu mô hình của Trung Quốc hay Việt Nam từ rất lâu rồi, và họ cũng áp dụng từng phần rồi. Nếu họ đi theo đường lối cải cách, mở cửa, tất nhiên sẽ có nhiều trao đổi, chia sẻ, nhưng không thể bê y nguyên hình mẫu Việt Nam cho Triều Tiên, phụ thuộc vào điều kiện, ý chí, cách làm của Triều Tiên.

Nhiều người nói Triều Tiên sang Việt Nam vì kinh tế, tất nhiên có phần đúng, nhưng ảnh hưởng của Việt Nam là không lớn. Việt Nam, Trung Quốc đã mở cửa, đổi mới như thế nào người ta đã nghiên cứu rất nhiều rồi, nhưng điều kiện của họ chưa áp dụng được thôi. Thêm nữa, sau này nếu Triều Tiên kêu gọi đầu tư, thương mại, Việt Nam sẽ ở vị trí khiêm tốn. Những nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí là Mỹ mới là những bạn hàng lớn của họ.

Tôi có sang Triều Tiên gần đây thì thấy đặc biệt người Triều Tiên rất thích hàng Việt Nam. Họ đánh giá cao chất lượng của hàng Việt Nam so với hàng Trung Quốc, và rất muốn có thêm hàng hay siêu thị Việt Nam ở bên đó. Nhưng điều đó chưa thể do cấm vận.

Tuy nhiên, để hiện đại hóa Triều Tiên, đối tác chính của họ phải là những nước lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam sẽ tham gia nhưng ở mức độ khiêm tốn.

- Ông đánh giá thế nào về lãnh đạo Kim Jong Un so với cha và ông nội của ông?

- Tôi chưa được gặp ông Kim Jong Un, nhưng tôi thấy ông là người có khả năng kiến tạo đất nước và đưa Triều Tiên thoát khỏi nghèo nàn về kinh tế và bao vây cô lập. Tôi nghĩ đây là thời điểm lịch sử để Triều Tiên làm việc đó, và ông có thể làm việc đó.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 9

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 10

- Theo ông, đâu là lý do đàm phán Mỹ - Triều đang tiến triển cách chậm chạp và bế tắc, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lần trước?

- Tôi quan niệm để giải quyết vấn đề hạt nhân và quan hệ Triều - Mỹ là những vấn đề rất lớn, không thể giải quyết bằng một lần hội đàm hay trong thời gian ngắn. Tôi luôn nghĩ rằng đây là một quá trình, có thể hai năm, ba năm.

Hội đàm Paris để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã mất 4 năm, các bên đã đàm phán không biết bao nhiêu phiên mới có thể đi tới ký kết hiệp định hòa bình. Tôi nghĩ cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng vậy, nổ ra năm 1951 và hai bên chiến tranh, đánh nhau trong vòng 6-7 tháng thôi, sau đó là đàm phán phải 2 năm mới xong. Những việc lớn như thế này không thể nào coi là bế tắc hay bi quan sau chỉ một lần hội nghị, hay liệu nó quay ngược lại như cũ hay không. Cá nhân tôi thấy đây là một quá trình, và các chuyên gia, lãnh đạo của Triều Tiên và Mỹ sẽ còn phải gặp nhau nhiều, cũng phụ thuộc ý chí cá nhân của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Kim. Nếu hai lãnh đạo có quyết tâm thì sẽ giải quyết nhanh hơn.

Vì vậy tôi không nghĩ tới các vấn đề cụ thể, phải người Triều Tiên và Mỹ làm việc với nhau. Hội nghị Hà Nội lần này chỉ là một bước tiếp, không phải giải quyết hoàn toàn. Các bên còn phải gặp nhau nữa.

- Liệu có thể so sánh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều với đàm phán hòa bình cho Việt Nam ở Paris không, thưa ông?

- Tôi không thể so sánh về nội dung. Nhưng vấn đề lớn như thế, không thể 1-2 ngày, 1-2 buổi là xong, mà là cả một quá trình đàm phán, mặc cả, đến giây phút cuối cùng.

Ở Hiệp định Paris, sắp ký hiệp định rồi, nhưng Mỹ vẫn ném bom B-52 để gây sức ép lớn nhất trước khi ký. Những cuộc đàm phán chiến tranh, hòa bình, là vấn đề không hề đơn giản để mà mình bi quan quá, hay lạc quan quá. Mình cần biết chiều hướng của nó là có thể đi đến giải quyết. Và mình sẽ theo dõi, qua từng hội nghị, có nhiều vấn đề chứ không thể nói hội nghị này hay kia là đã xong.

- Tất cả đều mong đợi điều gì cụ thể hơn cuộc gặp lần trước. Ông nghĩ sẽ có những kết quả gì cụ thể?

- Mong đợi cụ thể hơn là Triều Tiên có thể làm gì hơn để tạo sự tin cậy trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thứ hai là mong đợi Mỹ xem trong vấn đề trừng phạt có thể nới lỏng hay không. Mong đợi nữa là có thực hiện bước nào trong vấn đề chấm dứt chiến tranh Triều Tiên được hay không. Tôi không thể dự đoán, nhưng sẽ có những bước tiến. Một khi lãnh đạo cấp cao nhất gặp gỡ, bao giờ cũng phải có những bước tiến, chứ họ không dành thời gian đến rồi về mà không có gì. Luôn có sự chuẩn bị rất kỹ càng và phải có tiến triển, dù là không được hoàn toàn.

Tôi thấy hiệp định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên như vậy là 60-70 năm rồi vẫn chưa ký được sẽ là một quá trình phức tạp, không thể mong một, hai cuộc mà xong.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 11

- Sau các thỏa thuận, hai bên cần làm gì cụ thể để thực sự đến vạch đích phi hạt nhân hóa?

- Các thỏa thuận sẽ là những cam kết quốc tế mà hai bên có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện. Nếu anh thấy chưa được, anh không nên ký và thỏa thuận. Còn đã thỏa thuận thì anh phải thực hiện, thì đó là những cái thông thường.

Một trong những vấn đề còn cách biệt lớn là như thế nào là phi hạt nhân hóa. Mỹ thì yêu cầu Triều Tiên giải giáp theo 3 nguyên tắc. giải giáp toàn bộ, không lặp lại và phải có kiểm chứng. Còn Triều Tiên muốn Mỹ phải có bước đi kèm trong đó có phi hạt nhân hóa. Quân Mỹ cũng không được dùng và phải giải giáp vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc để đe dọa Triều Tiên.

Đó là những điều không dễ thỏa thuận. Nhưng nếu có ý chí thật cao của lãnh đạo thì sẽ có tiến triển.

- Liệu tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể được ký kết?

- Đó cũng là một khả năng.

- Liệu có sự nghi ngờ giữa hai bên và lo ngại nếu nhượng bộ thì sẽ chịu thiệt?

- Họ sẽ phải cùng đi từng bước để tới đích cuối cùng. Không thể nào một bên cam kết và hứa hết tất cả nhượng bộ. Trong trường hợp lạc quan nhất, hai bên có thể thỏa thuận về ký kết chấm dứt chiến tranh, để đi những bước quyết định trong vấn đề này. Hay có thể Mỹ sẽ giảm bao vây cấm vận ở mức độ nào đó.

Một điều khó khăn là Mỹ vẫn tuyên bố vẫn cấm vận cho tới khi Triều Tiên giải quyết hoàn toàn. Vì vậy hai bên phải hết sức cố gắng. Nhưng trong trường hợp này, ý chí chính trị của tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên rất quan trọng. Nếu muốn giải quyết vấn đề này nhanh trong 1-2 năm, phải có những bước đi nhanh, quyết đoán hơn.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 12

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 13

- Triều Tiên dành rất nhiều nguồn lực trong nhiều thập kỷ để phát triển vũ khí hạt nhân. Liệu ông Kim Jong Un sẽ thực tâm muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân?

- Tôi cho rằng Triều Tiên đòi hỏi một sự trả giá xứng đáng nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân để nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích của Triều Tiên. Ông Kim đã tuyên bố hoàn thành việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Cho nên bây giờ chuyển sang làm kinh tế, tôi thấy là logic, và phù hợp với yêu cầu tất yếu của đất nước. Tôi nghĩ thời điểm này là sứ mệnh lịch sử của ông Kim.

Nhưng để giải quyết vấn đề này phức tạp và không hề dễ dàng: phải đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc, giải quyết vấn đề nội bộ.

- Nếu hai bên có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh, liệu Mỹ có đồng ý rút quân? Nếu không, có lẽ tuyên bố này chỉ mang tính biểu tượng.

- Trước hết tuyên bố đó sẽ có ý nghĩa biểu tượng, còn rút quân thế nào các bên sẽ đàm phán với nhau. Mục đích của Triều Tiên có thể là muốn lập luận "anh ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh rồi, anh phải rút quân". Nhưng điều đó không nhất thiết sẽ xảy ra.

thuong mai Viet Nam Trieu Tien anh 14

- Vấn đề cấm vận dường như là vấn đề gai góc nhất trong cuộc đàm phán này khi ông Trump chưa hề tỏ ý nhượng bộ?

- Gỡ bỏ cấm vận là một yêu cầu của Triều Tiên. Vấn đề cấm vận khó mà giải quyết xong sau 2 cuộc đàm phán ở Singapore và ở Việt Nam, chắc chắn như vậy. Nhưng từng bước một sẽ có những tiến triển quan trọng. Tôi đang hình dung xem có cuộc gặp lần thứ ba không, và ở đâu. Vì đây là một quá trình. Nhiệm kỳ của ông Trump còn hai năm, nên vẫn còn nhiều thời gian để gặp nhau.

- Ông Kim Jong Un đang may mắn đứng trước "thiên thời, địa lợi", khi ở phía nam có Tổng thống Moon muốn khơi dậy chính sách "Ánh dương" thân thiện với Triều Tiên, còn ở Mỹ, Tổng thống Trump lại luôn hoài nghi đánh giá tiêu cực của giới tình báo của chính mình về Triều Tiên?

- Đây là thời điểm thuận lợi để ông Kim Jong Un thực hiện nhiệm vụ lịch sử để thay đổi. Thời điểm này có đặc điểm là kinh tế Triều Tiên đang rất khó khăn, và Triều Tiên bị tụt hậu rất lớn so với thế giới. Ngoài ra, ông đã thắt lưng buộc bụng để làm ra vũ khí hạt nhân, được công nhận, và bây giờ chuyển sang hướng khác lại đúng lúc ông Moon Jae In và ông Trump có những thúc đẩy tích cực để giải quyết, thì đây cũng là cơ hội cho cả ba bên để mà giải quyết vấn đề này.

Nhưng tôi cũng hình dung, nếu không phải Tổng thống Trump mà là tổng thống khác, thì dù tổng thống nào cũng phải tính cách giải quyết vấn đề này.

- Xin chân thành cảm ơn đại sứ.

'Ông Kim Jong Un đang thay đổi hình ảnh bí hiểm của Triều Tiên'

Trong con mắt cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Tiến Vân, kinh tế Triều Tiên đã từ một "giấc mơ" tụt dốc đầy "bi kịch". Nhưng ông tin vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

'Hai ông Trump - Kim Jong Un đều rất đặc biệt'

Trước thềm cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức cho rằng Mỹ - Triều gặp vì đã có những thỏa thuận cụ thể.

Trọng Thuấn

Đồ họa: Như Ý; Ảnh: Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm