Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời điểm Michigan thành tâm dịch Covid-19

Số người nhiễm Covid-19 ở Michigan tăng lên không ngừng và nơi đây trở thành tâm dịch của nước Mỹ.

Nước Mỹ đã đứng vị trí thứ ba về số ca nhiễm Covid-19 với con số 46.145 ca, số người chết là 582, đứng sau Trung Quốc và Italy.

“Michigan chứng kiến một bước nhảy kỷ lục các trường hợp nhiễm và tử vong bởi Covid-19: Gần 2.300 người nhiễm và 43 trường hợp tử vong. Michigan đứng vị trí thứ năm về số người nhiễm và tử vong bởi Coronavirus trên toàn nước Mỹ”.

- Janice à, từ nay chúng ta không đi siêu thị hay chợ nữa nhé, chúng ta sẽ đặt hàng online cho mọi nhu cầu trong giai đoạn này - anh Steven kiểm tra tủ lạnh và nói.

- Vâng, em sẽ đặt mua thực phẩm, anh thì đặt mua các đồ dùng thiết yếu nhé - chị Janice trả lời chồng mình rồi quay qua tôi - Em cần gì thì nói chị mua nha, từ giờ nhà mình không ra ngoài nữa, chờ đến lúc tình hình ổn định rồi tính tiếp.

- Dạ, lúc nào cần thì em sẽ nói chị - tôi trả lời chị.

- Ở Costco người ta xếp hàng mua hết giấy vệ sinh rồi, kỳ lạ thật - anh Steven la lên.

- Em không hiểu sao họ lại tích trữ giấy vệ sinh làm gì, tích trữ thực phẩm còn có lý hơn - chị Janice ngạc nhiên.

- Ở Mỹ chúng ta đâu có dùng vòi xịt, nhưng việc tích trữ giấy vệ sinh thì anh không thể hiểu - anh Steven nói thêm.

- Em có thể dùng vòi sen phòng tắm nếu chúng ta hết giấy vệ sinh - chị Janice nửa đùa nửa thật.

Ở Mỹ và một số nước, hệ thống cấp nước đặc biệt nghiêm ngặt, nước phải đủ các tiêu chuẩn an toàn nên có thể uống thẳng từ vòi thay cho các loại nước đóng chai. Vòi xịt không được lắp đặt vì vi khuẩn từ việc dùng vòi xịt có thể quay ngược thâm nhập vào nguồn nước và cũng có lẽ người Mỹ không dùng vòi xịt vì thói quen sử dụng giấy đã có từ trước, cũng như bản tính thích lưu giữ giá trị truyền thống.

Nhưng việc tích trữ giấy vệ sinh đem lại thắc mắc mà chính tôi cũng không tìm được câu trả lời ở anh Steven được vì anh cũng không nằm trong số người Mỹ có cùng quan niệm ấy.

Trong lúc đang hạn chế đông người bỗng có một lượng người không nhỏ tập trung ở các siêu thị mua hàng hóa, điều đó lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus hơn.

Với hiệu ứng tâm lý lan truyền, khi thấy nhiều người đi mua thực phẩm tích trữ thì hàng loạt người khác cũng sẽ hoang mang và vô thức làm theo, điều đó sẽ khiến tình hình càng trở nên trầm trọng hơn và người nghèo phải gánh hậu quả nặng nề nhất. Họ càng khó khăn hơn trong khi trước đây mỗi ngày đã phải chạy cơm từng bữa thì trong tình hình khó khăn này họ sẽ làm gì để vượt qua?

Tôi bắt đầu thấy sợ, không phải sợ virus corona, mà sợ cách nhiều người đối diện với dịch bệnh và hành xử với nhau. Tôi tìm vài địa chỉ từ thiện và chuyển khoản trong khả năng mình có thể để chia sẻ đến những người khó khăn, bởi tôi nhận ra mình may mắn hơn bao người khi mà vẫn có cuộc sống vui vẻ nhẹ nhàng, ít lo toan trong một thế giới đầy hoang mang lúc này.

Ngày 28/3/2020, “Mỹ đã soán ngôi Trung Quốc giữ vị trí đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19 là 85.612 ca”.

“Tổng thống Donald Trump chấp thuận “Tuyên bố thảm họa của Michigan”, đã có tổng cộng 4.650 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 bao gồm 111 trường hợp tử vong tại Michigan”. Dường như, tôi đang mắc kẹt trong tâm dịch.

Bỗng nhiên có quá nhiều ngày “không phải làm gì” để thấy lòng thôi tất bật. Tôi vẫn gọi về cho mẹ mỗi ngày để được nghe rằng người vẫn ổn, để nói với mẹ rằng tôi vẫn vui.

Tôi hỏi mẹ có sợ không? Mẹ tôi trả lời bằng chữ “không” chắc nịch.

“Trước đây, nhà mình hay đi chợ cho cả tuần, giờ cũng thế, chẳng khác gì, mạ chẳng mua thêm ký gạo nào để tích trữ, mạ chẳng mua thêm chai nước mắm nào cất vào tủ, chẳng mua thêm cân thịt nào để thêm vào ngăn đông. Từ trước khi có dịch nhà mình còn mấy khẩu trang thì giờ vẫn xài nhiêu đó, không hề mua thêm khẩu trang, không hề mua thêm nước rửa tay, không hề mua thêm gì khác trước đây cả.

Nhu yếu phẩm nước mình không khan hiếm, nếu ngại đi chợ, tránh nơi đông người thì mạ chỉ cần gọi điện cho cửa hàng, hoặc anh Tí đặt online thì họ đem đến tận nhà. Tích trữ làm gì, chỉ khiến hàng hóa khan hiếm rồi lại tăng giá, những khu vực đang hạn hán mất mùa lại không có đủ cái ăn, nhà mình ít người, thực phẩm thì có hạn sử dụng, tích trữ rồi lại đem bỏ phí.

Mình phải có niềm tin vào chính phủ, vào các nhà khoa học sẽ tìm ra vaccin đẩy lùi virus thì mới giữ tinh thần vui vẻ, mới khỏe được. Chớ tối ngày lo thì sức đề kháng có đâu nữa.

Sáng sáng mạ vẫn ra ngoài tập thể dục vì khu nhà mình dạo này vắng lắm, không khí trong lành hơn, ít xe cộ và tiếng ồn hơn. Con virus này khiến thế giới chết bao nhiêu người, kinh tế thì suy sụp nhưng có khi trái đất lấy lại được cân bằng do bớt ô nhiễm, bớt rác thải, à mà riêng cái mớ rác thải từ khẩu trang cũng sẽ mất thời gian để xử lý sau dịch lắm đây.

Con yên tâm đi, mạ không sợ, con còn trẻ mà còn không sợ thì mạ già thế này sợ gì nữa chớ. Mỗi ngày đều được nói chuyện với ba đứa con và biết tụi con cũng bình an giống mạ thì có gì phải lo”.

Mỗi ngày được nghe từ người với những yêu thương, há chẳng phải bình yên là ở đó sao?

Phương Thu Thủy / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY