Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời điểm giúp bác sĩ phân loại bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng

Sau khoảng 7-8 ngày từ khi có triệu chứng lâm sàng, việc đánh giá bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng hay nhẹ và sàng lọc có thể giúp hệ thống điều trị tại TP.HCM giảm áp lực.

Vừa qua, trả lời Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thông thường, sau ngày thứ 8 hoặc 9, các nhân viên y tế mới có thể xác định được bệnh nhân Covid-19 nào không triệu chứng, diễn biến nhẹ và ai sẽ rơi vào tình trạng nặng.

“Với những người không có dấu hiệu diễn biến xấu qua ngày thứ 8, chúng ta có thể coi họ là bệnh nhân diễn biến nhẹ, không cần điều trị thêm và đưa đi cách ly, chờ hồi phục”, bác sĩ Cấp cho hay.



Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM hoàn toàn có thể áp dụng lý thuyết đó để giảm tải cho hệ thống điều trị.

Giải pháp khả thi

Theo bác sĩ Khanh, dựa trên quy luật và thực tế diễn biến bệnh của các trường hợp mắc Covid-19, từ ngày thứ 8, bác sĩ sẽ xác định được người nào có khả năng nguy kịch, ai chỉ có triệu chứng nhẹ, nguy cơ thấp.

Do đó, trong trường hợp hệ thống y tế bị quá tải vì số lượng F0 quá lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể áp dụng việc cho họ xuất viện sớm, sau đó quản lý, theo dõi sát người bệnh tại nhà.

“Trên thực tế, hệ thống khám, chữa bệnh tại TP.HCM đã quá tải rồi. Do đó, chúng ta có thể phân loại, sàng lọc bệnh nhân và xử lý các trường hợp khác nhau ngay từ khi họ được phát hiện nhiễm virus. Chúng ta cần chấp nhận rằng không có phương pháp nào là hoàn hảo”, bác sĩ Khanh nói.

Một vấn đề khác TP.HCM cần cân nhắc là thống kê tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, đánh giá họ nằm ở nhóm nào. Các yếu tố để cân nhắc là độ tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền. Từ đó, thành phố có thể sàng lọc và chia bệnh nhân ra các khu điều trị ngay từ đầu.

cho f0 dieu tri tai nha anh 1

Việc cho F0 diễn biến nhẹ được xuất viện sớm, theo dõi tại nhà sau thời gian nguy cơ cao, qua đó giảm tải cho các bệnh viện là khả thi. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Theo vị chuyên gia này, giải pháp hiện tại cho TP.HCM là cần xem xét trong tổng số bệnh nhân Covid-19 hiện nay, nhóm diễn biến nhẹ, không triệu chứng thường nằm ở độ tuổi nào, tình trạng sức khỏe ra sao.

"Giả sử, trong nhóm đó, bao nhiêu % trường hợp trẻ tuổi, không có bệnh lý nền, qua đó đưa những người tương tự tới cách ly và theo dõi ở khu vực riêng, không cần gần trung tâm thành phố cũng như nguồn lực quá lớn, miễn sao đảm bảo được nước sinh hoạt, thực phẩm, vệ sinh. Ngược lại, các trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền sẽ cần được theo dõi sát sao hơn”, ông lấy ví dụ.

Bác sĩ này cho rằng sau khi phân loại như vậy, nếu tình trạng quả tải vẫn xảy ra, thành phố hoàn toàn có thể tính tới phương án cho nhóm nguy cơ thấp theo dõi, cách ly tại nhà với mức độ quản lý cao.

Lắng nghe để sửa đổi

Thời gian qua, TP.HCM cũng đã thực hiện các giải pháp cụ thể như đưa người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng chưa có triệu chứng tới các tòa nhà chung cư, trường học để giảm tải cho cơ sở y tế. Tuy nhiên, phản hồi từ người dân cho thấy tổ chức tại các đơn vị này còn gặp nhiều vấn đề.

Chia sẻ về thực trạng này, bác sĩ Khanh nhận định: “Khi mới trưng dụng và chuyển đổi công năng cho các khu vực đó, việc thiếu điện, nước, chậm trễ trong bữa ăn hay các bất cập tương tự rất khó có thể hình dung ngay từ đầu, nhất là trong điều kiện thiếu nguồn lực như hiện nay. Do đó, các đơn vị này cần lắng nghe người dân để điều chỉnh sớm, từ đó giúp tinh thần của họ thoải mái hơn”.

Theo ông, việc người dân phản ánh, đăng tải các video, hình ảnh và câu chuyện của mình lên Internet cũng là hình thức đóng góp ý kiến. Việc tổ chức không thể hoàn hảo từ đầu nhưng chúng ta có thể tiếp nhận ý kiến và sửa đổi cho phù hợp.

Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết nếu phân loại tốt và sàng lọc được nhóm bệnh nhân nguy cơ thấp, thành phố chỉ cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, nước sạch cùng điều kiện sinh hoạt thoải mái cho nhóm này là đủ. Bản thân người dân có thể tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

Trong khi đó, với nhóm nguy cơ cao hơn, chúng ta có thể bố trí cách ly bệnh nhân gần trung tâm thành phố hơn, đồng thời theo dõi sát về nồng độ oxy trong máu. Ngoài ra, trong các trường hợp cần thiết, nhân viên y tế cũng cần chụp X-quang cho bệnh nhân để sớm phát hiện diễn biến nặng.

cho f0 dieu tri tai nha anh 2

Ngành y tế thành phố cần lắng nghe để điều chỉnh, hỗ trợ người dân trong hành trình chiến đấu với dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Với nhóm diễn biến nặng, ngành y tế Việt Nam vẫn đang làm rất tốt khi theo dõi và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện hồi sức cũng như trang thiết bị cần thiết.

Theo vị chuyên gia này, một trong những thay đổi quan trọng nhất trong việc điều trị Covid-19 tại TP.HCM hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị.

“Cái khó của TP.HCM hiện nay là việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị còn chậm, gây tình trạng thiếu hụt khi số lượng bệnh nhân tăng cao. Thậm chí, việc tài trợ cũng gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu rất nhiều thủ tục, quy định... Tuy nhiên, chúng ta cần xác định việc mua sắm trang thiết bị sẽ giúp ích cho ngành y tế Việt Nam trong thời gian dài. Việc huy động trang thiết bị, máy móc từ các cơ sở y tế khác về là giải pháp hợp lý trong giai đoạn này nhưng về lâu dài, cơ chế sẽ phải thay đổi”, bác sĩ Khanh kết luận.

Nguyên tắc quan trọng khi cho phép F0 điều trị tại nhà

Những bệnh nhân Covid-19 được phép điều trị tại nhà thuộc nhóm có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Họ và người thân phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm