Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Vì sao cần sớm điều trị F0 tại nhà?

Số ca nhiễm ngày càng tăng cao, hệ thống điều trị tại TP.HCM chịu áp lực lớn khiến nhiều chuyên gia cho rằng ngành y tế cần nhanh chóng tính toán phương án cách ly F0 tại nhà.

"Số người nhiễm tăng sẽ kéo theo số ca tử vong tăng. Điều này là tất yếu nhưng sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. Phép tính đơn giản là với 80% bệnh nhân không triệu chứng, trường hợp có hàng nghìn ca nhiễm thì 20% bệnh nhân có triệu chứng và diễn tiến nặng cũng là con số không nhỏ", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, chia sẻ.

Tuy nhiên, với biến chủng Delta, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng đã giảm xuống còn 65-70% thay vì 80% như các đợt dịch trước.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy tính đến sáng 13/7, số lượng F0 của TP.HCM là 15.141 người. Con số này được dự đoán tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thành phố cần xây dựng kịch bản 50.000 ca mắc Covid-19.

Như vậy, với kịch bản này, TP.HCM phải có đủ nhân lực, thiết bị y tế, đặc biệt là phương tiện hồi sức, cho khoảng 10.000-15.000 bệnh nhân có triệu chứng và diễn biến nặng.

TP.HCM hiện có 16 máy ECMO, trong đó đã sử dụng 8 máy. Ngoài ra, 178 bệnh nhân nặng phải thở máy.


Thực tế, Bệnh viện dã chiến số 6 ở Thủ Thiêm có hơn 100 nhân viên y tế điều trị cho khoảng 2.600 F0. Tại Bệnh viện dã chiến ở Bình Chánh, theo ghi nhận của phóng viên, nơi đây chỉ có khoảng vài chục nhân viên nhưng phụ trách khoảng 2.000 F0.

Theo thông tin tại cuộc họp của Bộ phận thường trực chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM vào chiều 12/7, tình hình tại quận Bình Tân đang diễn biến rất phức tạp, hệ thống nhân lực bị tổn thương do tình trạng phơi nhiễm nghề nghiệp.

Để giảm áp lực cho khối điều trị cũng như dồn sức cho các bệnh nhân nặng, nhiều chuyên gia đã đặt ra vấn đề Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng biện pháp điều trị F0 tại nhà.

Tinh hinh dich Covid-19 o TP.HCM anh 1

Bên trong phòng bệnh tại Bệnh viện dã chiến ở Thủ Thiêm. Ảnh: Duy Hiệu.

Ai cần được tập trung điều trị?

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), là một trong những chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam nêu ý kiến về vấn đề này.

Chuyên gia này cho biết việc chuyển tất cả bệnh nhân đến viện để cách ly dù họ hầu như không cần chăm sóc y tế, tạo áp lực lớn cho nhân viên y tế cũng như hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực cho bệnh viện dã chiến, khu điều trị. Điều này còn dẫn đến việc tốn kém nguồn lực không cần thiết.

Vì vậy, ngành y tế cần phân loại và cân nhắc cho những bệnh nhân không triệu chứng, biểu hiện rất nhẹ cách ly, điều trị tại nhà. Thay vào đó, hệ thống y tế cần tập trung điều trị F0 triệu chứng nặng, người có nguy cơ chuyển nặng cao.

Đồng quan điểm của PGS Nhung, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, cho rằng việc thí điểm cách ly, điều trị và theo dõi F0 tại nhà là điều tất yếu được đặt ra khi số lượng F0 tăng lên rất nhiều trong cộng đồng.

Tinh hinh dich Covid-19 o TP.HCM anh 2

Nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6 tạm nghỉ sau khi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu - Chí Hùng.

Tiến sĩ Trần Minh Trang, nghiên cứu sinh tại Đại học Ghent, Vương Quốc Bỉ, cộng tác viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím, cho biết tại các nước châu Âu, ví dụ Bỉ, bệnh nhân Covid-19 được cách ly tại nhà từ 10 đến 14 ngày.

"Đây là mô hình đã áp dụng khá thành công tại Bỉ. Sau 14 ngày, F0 không triệu chứng có thể liên hệ bác sĩ hay cơ sở y tế gần nhà để được xét nghiệm Covid-19. Nếu âm tính, về lý thuyết, họ có thể trở lại hoạt động bình thường nhưng không chủ quan mà vẫn phải tuân thủ quy tắc phòng dịch", TS Trần Minh Trang cho biết.

Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe, các bệnh nhân thường xuyên được động viên tinh thần từ bác sĩ tư vấn. Điều đó giúp họ có tinh thần lạc quan và sớm hồi phục.

Tiến sĩ Trịnh Vạn Ngữ, Học viện Khoa học Y Sinh SoonChunHyang, Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím, cũng nhận định điều trị bệnh nhân Covid-10 không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ tại nhà là điều cần thiết và phù hợp trong thời điểm này để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế.

Ông cho rằng nhiều nước trên thế giới đã thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà từ rất lâu. Tuy nhiên để thực hiện được cần điều này cần phải đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ duy trì hệ thống quản lý, giám sát. Đặc biệt, bệnh nhân cần được sàng lọc, phân loại cụ thể để hạn chế người có nguy cơ cao diễn biến từ nhẹ sang nặng.

Yếu tố cần đảm bảo khi F0 điều trị tại nhà

Theo TS Trịnh Vạn Ngữ, nơi cách ly cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để bệnh nhân ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh, có phòng riêng, khép kín. Nếu nơi ở thuộc chung cư, bệnh nhân cần sắp xếp một khu riêng để cách ly.

Lưu ý, nơi cách ly không sử dụng chung hệ thống điều hòa với phòng hay nhà khác. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không ra khỏi nơi cách ly, giữ vệ sinh, đảm bảo ăn uống, uống đủ nước, vận động thường xuyên, rửa tay (nhất là sau khi đi vệ sinh).

Ngoài ra, quy trình xử lý rác thải cũng cần xây dựng nghiêm ngặt, có hệ thống quản lý người cách ly như qua ứng dụng điện thoại hoặc tổng tài liên hệ để thường xuyên cập nhật tình hình. Ông cũng nhấn mạnh gia đình có người mắc bệnh nền không nên ở chung nhà với người đang cách ly để hạn chế rủi ro.

Tinh hinh dich Covid-19 o TP.HCM anh 3

Bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM) thực hiện công tác đón, khử khuẩn, đưa các bệnh nhân lên phòng điều trị. Ảnh: Duy Hiệu - Chí Hùng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, việc chăm sóc và cách ly người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà cần đảm bảo nhiều yếu tố.

Về cơ sở vật chất, gia đình cần chuẩn bị phòng riêng thoáng, mở cửa sổ, nhiều ánh sáng. Nhà vệ sinh riêng có xà phòng, khăn tắm riêng, giấy vệ sinh, giấy lau tay, túi nylon đựng rác. Khẩu trang y tế. Đồ dùng riêng hoặc đồ sử dụng một lần để ăn uống. Điện thoại di động bỏ trong túi khóa ziplock để xịt diệt khuẩn dễ dàng.

Gia đình không sắp xếp được phòng riêng có thể dọn dẹp khu vực riêng cách mọi người ít nhất 2 m và ở khu vực thoáng gió, ít người qua lại.

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm việc chỉ ở trong phòng suốt thời gian cách ly, luôn đeo khẩu trang, ho khạc vào giấy và bỏ vào túi nylon đựng rác.

Đặc biệt, người bệnh nhân thường xuyên rửa tay, đánh răng, súc miệng nước muối và tắm sạch để tránh nhiễm trùng các loại vi khuẩn khác. Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, nghe nhạc, xem phim cũng là biện pháp giúp bệnh nhân thoải mái tinh thần.

Trong thời gian cách ly tại nhà, người bệnh cần tuyệt đối lưu ý các triệu chứng của cơ thể và gọi điện báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện dấu hiệu bất thường. Khi bị sốt, người bệnh nên bổ sung oresol, uống nhiều nước. Trường hợp bị sốt từ 38,5 độ C trở lên có thể dùng thuốc hạ sốt.

TP.HCM lên kế hoạch tiêm 1,1 triệu liều vaccine trong 2-3 tuần

Trong đợt phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 5, TP.HCM đặt mục tiêu tiêm 1,1 triệu liều ngay trong thời gian giãn cách xã hội.

Dịch Covid-19

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm