Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời đi học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trung Tướng Phạm Hồng Cư kể về những năm tháng học tập của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cậu Giáp học chữ Nho với thầy. Cậu cùng với em trai và 5-6 đứa bạn ngồi ê a trên chiếc chiếu.

Ông Nghiêm tuy nghiêm khắc nhưng rất thương con. Nghiêm khắc giữ gìn gia phong theo khuôn phép đạo Khổng. Thương con, thương mấy đứa trẻ thông minh đĩnh ngộ.

Dạy cho anh em Giáp và lũ trẻ trong làng học chữ Nho, ông bảo:

"Đây là chữ của thánh hiền, các con không được nghịch, không được giẫm lên sách, phải đội lên đầu để tỏ lòng tôn kính".

Ông dạy theo Tam tự kinhẤu học tân thư. Bộ sách Ấu học tân thư xuất bản dưới thời vua Duy Tân, gồm nhiều quyển.

Ấn tượng ban đầu in sâu mãi mãi. Đến tuổi 80, Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ. Một hôm, ông đọc cho tôi và Đặng Bích Hà nghe:

Thiên thượng địa hạ

Nhật trú nguyệt dạ…

(Nghĩa là: Trên trời, dưới đất / Mặt trời ban ngày, mặt trăng ban đêm).

Trong Ấu học tân thư có đoạn nói về đất nước:

Ngô tổ Hồng Bàng thị

Triệu Thủy, Kinh Dương Vương

Tích Kinh Bắc thuộc thì

Cựu sỉ dĩ nan vong.

(Nghĩa là: Tổ ta là Hồng Bàng / Triệu Thủy, Kinh Dương Vương / Sự tích thời Bắc thuộc / Mối nhục cũ khó quên).

Có chỗ nói:

Phong tuy độc bất thích đồng quần

Hổ tuy bạo bất thực đồng loại.

(Nghĩa là: Ong tuy độc không đốt trong đàn / Hổ tuy ác không ăn đồng loại).

Đoạn nói về các chiến công xưa, có câu Chi Lăng tẩu Tống binh, Võ Nguyên Giáp nói:

"Tẩu nghĩa là chạy, nhưng đây nghĩa là đuổi, chữ nói rất mạnh".

Chi Lăng tẩu Tống binh

Bạch Đằng phá Nguyên sư.

(Nghĩa là: Chi Lăng đuổi quân Tống / Bạch Đằng phá quân Nguyên).

Mấy cuốn sau nói về Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Riêng đoạn nói về Tây Sơn và Quang Trung thì bị nói xấu mà đề cao Nguyễn Ánh.

Ấu học tân thư là cuốn vỡ lòng có ảnh hưởng đối với cậu bé và cũng là vốn chữ Hán đầu tiên của Võ Nguyên Giáp.

Học lớp Đồng ấu, cậu bé phải đi học ở trường Tổng trên Tuy Lộc. Tuy Lộc là làng trên, lớn hơn làng An Xá, có chợ Hôm, có ti rượu của chủ Tây tên là Sica. Ngày lễ, Tết Tây, học sinh phải sang hát cho Tây nghe. Thầy dạy học tên là Khoát, học trò không trọng vì thầy nịnh Tây.

Cậu Giáp học giỏi. Sáng đi chiều về cùng với thằng Hoằng, trưa ở lại, mỗi đứa được một tiền để mua bánh ăn ở chợ. Có khi bới đi một mo cơm, trong đó có con tôm.

Thằng Hoằng lớn tuổi hơn nhưng là cháu, gọi cậu Giáp bằng chú. Học lớp 3, cậu bé phải đi trọ học trên trường huyện. Phải đi đò dọc lên huyện lị Lệ Thủy.

Đã nhiều lần, cậu bé được các chị cho đi theo lên huyện xem xi-nê. Chợ huyện đông vui, phố huyện sầm uất. Và đi đò dọc quả thật là thích.

Nhưng lần này... Lần này đi đò dọc với mẹ, cậu bé không vui, lòng cậu nặng trĩu. Cậu biết rằng mẹ đi chợ huyện xong là mẹ về, còn cậu thì phải đến ở nhà ông gì đó để trọ học ở lại một mình. Xa mẹ. Điều đó, cậu bé không chịu nổi!

Đò đã đi qua mũi Viết, gần tới huyện rồi. Khi lên phố huyện, mẹ dẫn cậu bé đến nhà trọ, dỗ dành:

"Con ở lại đây, thím về. Hôm sau, thím đón".

"Không! Không! Không!".

Cậu bé không chịu. Cậu òa lên khóc. Cậu túm áo mẹ, cậu chạy theo mẹ xuống đò. Cậu giậm chân, ôm lấy mẹ. Mẹ đành phải cho cậu về theo. Nhưng khi về đến đầu nhà thì cậu bé len lét sợ, chùn lại. Cậu lảng vảng ở ngoài vườn, chờ mẹ vào thưa trước với thầy.

Không biết mẹ nói gì, không thấy thầy rầy la mà gọi vào. Hôm sau, cậu bé thuận đi và ở lại trọ học. Học lớp ba trên trường huyện, cậu bé luôn luôn đứng đầu lớp.

Xong lớp 3, phải lên trường tỉnh học. Đồng Hới, tỉnh lị của Quảng Bình là một thị xã xinh xắn bên bờ sông Nhật Lệ. Bao quanh thị xã là một tòa thành cổ xây dựng từ năm Gia Long thứ mười (tức năm 1812), đến năm Minh Mạng thứ năm (tức năm 1824) thành được xây dựng lại bằng gạch.

Các mặt thành có cửa cuốn thông ra ngoài bằng những cây cầu gạch. 4 phía thành có hào sâu đầy nước. Đối diện với thành cổ Đồng Hới, bên kia sông là những động cát trắng phau nhấp nhô, những làng chài in hình trên một cảnh biển, trời, mây, nước.

Đứng bên động cát nhìn lại thì toàn cảnh Đồng Hới hiện ra hùng vĩ lạ thường: núi Đầu Mâu, núi Ba Rền dường như nhích lại gần tòa thành cổ, cùng soi bóng xuống dòng sông Nhật Lệ lung linh dáng núi, mây trời.

Đã bao lần cậu bé đứng sững sờ ngắm cảnh đẹp lộng lẫy của quê hương.

Cậu ở trọ tại nhà ông Kí Xiển, một người quen của gia đình. Ông Kí Xiển nghiện thuốc phiện, người gầy đét gối chiếc gối xếp nằm dài bên bàn đèn, trên sập gỗ. Ông có vẻ khó tính nhưng thực ra rất tốt. Ông coi cậu bé như con cháu trong nhà, không lấy tiền trọ, còn tiền ăn thì đến mùa, mẹ hoặc các chị chèo đò chở thóc lên trả tiền ăn cả năm cho cậu.

Đốc học trường tỉnh là thầy Phạm Phú Lượng, thầy giáo dạy học là thầy Đào Duy Anh, hai thầy được học trò kính mến.

Cậu Giáp học giỏi, chỉ phải học một năm lớp nhì năm thứ nhất (cours moyen première année), được vượt lớp nhì năm thứ hai (cours moyen deuxième année) lên thẳng lớp nhất (cours supérieur).

[...]

Cậu Giáp đi qua nhà các cô cũng bị các bạn trêu. Nhưng mặc, cậu chỉ cắm đầu vào học. Hai năm học ở trường tiểu học Đồng Hới, cậu luôn luôn đứng đầu lớp và vào kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’études primaires) cậu đỗ đầu tỉnh.

Thời ấy, việc đỗ đầu tỉnh có tiếng tăm lắm. Gia đình hoan hỉ. Cậu về làng được trọng vọng.

Dai tuong Vo Nguyen Giap anh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ.

Để tiếp tục học lên bậc trung học, cậu phải vào tận trong Huế để thi vào trường Quốc học. Phải khai tăng thêm lên một tuổi mới đủ tuổi thi.

Cậu Giáp coi thường kỳ thi chuyển cấp này: “Dân này là thủ khoa đầu tỉnh, đương nhiên có quyền vào học trường Quốc học. Cả cái xứ Trung Kỳ này có 12 tỉnh và 1 đạo mà nhà trường tuyển chọn những 90 học sinh cho 2 lớp đệ nhất niên, làm gì mà chẳng trúng!”.

Vậy mà khi vào thi tuyển, cậu Giáp rớt tuột. Vì sao? Làm sao lại có thể hỏng thi được? Cậu Giáp không rõ.

Đây là thất bại đầu tiên trên con đường êm ả lát bằng thắng lợi của cậu học trò giỏi. Đây cũng là lần đầu tiên cậu thể nghiệm rằng: Trên đời này, bên cạnh ánh sáng của vinh quang, thường kèm theo bóng đen của cái rủi.

Cậu Giáp đành phải trở lại quê nhà, lấy sách vở ôn lại các chương trình Văn, Toán, cho đến kỳ thi sau. Việc thi hỏng làm cho mọi người trong gia đình phiền muộn. Việc học hành của cậu Giáp vốn là niềm tự hào, là hy vọng của cả nhà, đặc biệt là ông thân.

Mùa hè năm 1925, ông thân đưa cậu Giáp vào Huế tìm chỗ trọ học để ôn thi. Vào kỳ thi năm ấy, cậu đỗ loại khá (mention assez bien).

Việc vào Huế học là cả một sự tốn kém đối với gia đình.

Nhưng thầy đã quyết, mẹ và các chị làm lụng xoay xỏa kiếm tiền nuôi em ăn học.

Chia tay với quê hương. Vĩnh biệt tuổi thơ bên dòng sông Kiến Giang và Nhật Lệ. Cậu Giáp đi với ông thân sang bên cát, làng Cửi, ngắm nhìn cồn cát trắng, chờ ôtô đi Huế.

Rặng cây ngô đồng An Hòa đón cậu vào Huế. Cậu bước vào cổng trường Quốc học lúc phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đang sôi sục.

Cuộc gặp gỡ với người bạn cùng lớp lớn tuổi hơn: Nguyễn Chí Diểu, các hoạt động trong phong trào học sinh, các cuộc tiếp xúc với các thầy giáo có tâm huyết: thầy Võ Liêm Sơn, thầy Cao Xuân Huy, thầy Đặng Thai Mai... đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cậu vô Huế để học và lập tức bị cuốn ngay vào một cơn lốc chính trị của thời đại.

Trung tướng Phạm Hồng Cư / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.