Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thời đại của 'moonshot' ở Thung lũng Silicon đã chết?

Làn sóng cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên đang trở thành “mồ chôn” cho nhiều dự án tốn kém và tham vọng nhất của ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon.

moonshot anh 1

Tám năm trước, những người sáng lập Google đã chia tập đoàn thành các công ty con riêng biệt. Ý tưởng của họ là tách hoạt động kinh doanh cốt lõi khỏi các dự án phụ cần thời gian để phát triển và một ngày nào đó có thể trở thành cỗ máy kiếm tiền lớn tiếp theo của họ.

Nhưng hy vọng về một “máy hái tiền” tiếp theo đó của họ đã không thành hiện thực. Doanh thu vẫn đến chủ yếu từ quảng cáo. Google đã đóng cửa hầu hết cái gọi là “moonshot” của mình - những dự án công nghệ đột phá, đắt đỏ và có cơ hội thành công không rõ ràng, được ví như dự án tàu vũ trụ Apollo 11 đưa con người đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 1969.

Từ khí cầu truyền Internet đến kính áp tròng đo lượng glucose đều đã bị gã khổng lồ này cho đóng cửa.

Ngay cả những dự án phụ tiên tiến nhất - phòng thí nghiệm ôtô tự lái Waymo và công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Verily - hiện bị hạn chế. Hôm 1/3, Waymo đã sa thải 8% lực lượng lao động của mình, thêm vào đợt cắt giảm trước đó hồi tháng một.

Theo Washington Post, việc Waymo cắt giảm nhân sự chỉ là ví dụ mới nhất về một thực tế mới trong hoạt động của các big tech: Thời đại của "moonshot" đã qua.

“Ngày thứ 2” của big tech

Khi thị trường liên tục tăng giá trong gần một thập kỷ và giá cổ phiếu công nghệ giảm trong suốt năm ngoái, áp lực cắt giảm chi phí được hình thành.

Vài tháng qua, Thung lũng Silicon đã chứng kiến hàng loạt công ty công nghệ lớn cắt giảm nhân sự và chi phí. Những dự án phụ về ý tưởng đột phá - được cho là sẽ thúc đẩy doanh thu trong tương lai - đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với một số dự án bị loại bỏ hoàn toàn trong khi những dự án khác phải đối mặt với sự cắt giảm sâu.

Ông Roger McNamee - một nhà đầu tư mạo hiểm kỳ cựu, từng đầu tư sớm vào Facebook - phân tích lãi suất cao hơn có nghĩa là ngày càng khó thu hút khoản đầu tư cần thiết để tiếp tục chi tiêu cho các dự án thua lỗ đó. Big Tech đang “tiết kiệm để bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ”.

“Mọi người sẽ thấy họ cắt giảm hết thứ này đến thứ khác”.

moonshot anh 2

Các công ty công nghệ lớn đang từ bỏ bớt các dự án mạo hiểm để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ảnh: The Street.

Từ bỏ giấc mơ "moonshot" đánh dấu một giai đoạn khác trong hành trình bước vào tuổi trung niên của các công ty. Google, Facebook và Amazon đều phát triển nhanh chóng, từ những công ty mới thành lập trở thành những gã khổng lồ công nghệ, làm đảo lộn sự cân bằng được tạo nên bởi các công ty đi trước họ.

Nguyên tắc “đi nhanh và đột phá” cùng hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon đã giúp họ trở thành những gã khổng lồ theo cách riêng.

Tạo không gian cho những ý tưởng mạo hiểm, kỳ quái và quá tham vọng là giải pháp để tránh tình trạng trì trệ, cũ kỹ từng ảnh hưởng đến các công ty lớn hơn từ thế hệ trước.

Khi Google ra mắt công chúng vào năm 2004, người sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã viết một lá thư cho các nhà đầu tư tiềm năng, cảnh báo họ không nên kỳ vọng vào trọng tâm tài chính hàng quý mà hầu hết công ty đại chúng buộc phải chú ý.

Họ thành lập Google X, một phòng thí nghiệm nghiên cứu chỉ tập trung vào những ý tưởng kỳ lạ nhất và rủi ro nhất, đồng thời nói với nhân viên nên dành một phần thời gian cho các dự án hoàn toàn không liên quan đến công việc hàng ngày.

“Google không phải là một công ty thông thường. Chúng tôi không có ý định chỉ là một (công ty)”, họ viết. Ông Page lặp lại câu nói trong thông báo năm 2015 về việc thành lập công ty mẹ Alphabet.

Hồi tháng 10/2022, một tháng trước khi thông báo sa thải nhân sự trên diện rộng, Amazon bắt đầu đóng cửa “vườn ươm” nội bộ của mình, Grand Challenge. Nhóm vườn ươm đã làm việc trong các dự án như kính thông minh Echo Frames, và thậm chí cả nghiên cứu ung thư, CNBC đưa tin đầu tiên vào năm 2018.

Trưởng nhóm Babak Parviz, người rời Google X vào năm 2014, đã nghỉ việc tại Amazon vào tháng 10. Sự ra đi của ông kéo theo tin tức hầu hết dự án của nhóm sẽ ngừng hoạt động, bao gồm Amazon Glow - một thiết bị máy chiếu dành cho trẻ em, và Amazon Explore - một sản phẩm du lịch ảo.

Amazon Care, công ty chăm sóc sức khỏe từ xa đã đóng cửa vào tháng 8/2022, cũng là một sản phẩm của Grand Challenge. Thay vì tiếp tục hỗ trợ dự án đó, Amazon đã mua lại công ty khởi nghiệp One Medical.

Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy đã thay thế vai trò của nhà sáng lập Jeff Bezos vào năm 2020. Trong khi ông Bezos được biết đến như một người chấp nhận rủi ro và có tầm nhìn xa trông rộng, thì ông Jassy - được biết đến nhiều với việc điều hành nhánh điện toán đám mây thành công của Amazon - nổi tiếng là một doanh nhân thực dụng.

moonshot anh 3

Vài tháng qua, Thung lũng Silicon đã chứng kiến hàng loạt công ty công nghệ lớn cắt giảm lượng lớn nhân sự và chi phí. Ảnh: Rest of World.

Ông Bezos đã xây dựng công ty với văn hóa cốt lõi là “Day One” (tạm dịch: Ngày đầu tiên), nghĩa là luôn làm việc và sáng tạo như một công ty khởi nghiệp và như một nhân viên còn ở vạch xuất phát.

Nhưng một cựu nhân viên giấu tên của Amazon từng làm việc cho Grand Challenge nói rằng văn hóa đã thay đổi trong những năm gần đây.

Phải chăng Amazon “không chỉ lớn lên mà còn già đi?”, vị cựu nhân viên nói. “Cảm giác như đang ở Ngày 2”.

Người phát ngôn của Amazon, Brad Glasser, cho biết trong một email rằng Amazon sẽ “tiếp tục đầu tư” vào Grand Challenge và “tiếp tục theo đuổi các ý tưởng táo bạo trong vô số lĩnh vực, bao gồm mang broadband (băng thông rộng - công nghệ truyền tải dung lượng cao được sử dụng để truyền dữ liệu, giọng nói và video qua khoảng cách xa và với tốc độ cao) đến hàng triệu người trên khắp thế giới thông qua Kuiper, xây dựng AI cá nhân hữu ích nhất thế giới, định hình lại việc chăm sóc sức khỏe, và đưa những chiếc taxi không người lái đầu tiên lưu thông trên đường, v.v.”.

“Chúng tôi có thành tích lâu dài trong việc biến các ý tưởng táo bạo thành hoạt động kinh doanh có ý nghĩa, và chúng tôi rất lạc quan về tất cả lĩnh vực này”, ông nói.

Dù được đầu tư lớn, một số dự án đầy tham vọng nhất của Amazon đã không thành công. Năm 2013, ông Bezos gây chú ý khi thông báo trên chương trình “60 Minutes” rằng Amazon đã thử nghiệm giao hàng bằng drone. Nhưng 10 năm sau, rất ít chuyến giao hàng bằng drone được thực hiện trong thế giới thực.

Thăng trầm của "moonshot"

Peter Diamandis, một nhà đầu tư và doanh nhân công nghệ, cho rằng áp lực kinh tế có ảnh hưởng đến việc tài trợ cho các phòng thí nghiệm moonshot, nhưng điều đó không có nghĩa là những ý tưởng đổi mới táo bạo sẽ chết trong các công ty.

moonshot anh 4

Văn phòng của Google ở khu vực Chelsea của thành phố New York. Ảnh: Reuters.

“Chúng ta sẽ thấy những phòng thí nghiệm 'moonshot' này lên xuống tùy thuộc vào lợi nhuận của công ty, nhưng văn hóa đó sẽ không bao giờ biến mất. Đó là cách những công ty này ra đời”, ông nói.

Waymo của Google không phải là dự án phụ duy nhất của công ty bị cắt giảm gần đây.

Verily, một trong số ít các dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe mà công ty triển khai trong nhiều năm, đã nghiên cứu nhiều vấn đề bao gồm nhân giống muỗi vô trùng để giảm sự lây lan của các bệnh do côn trùng gây ra. Khi Google tuyên bố sa thải nhân viên vào ngày 20/1, Verily đã bị ảnh hưởng nặng nề, cắt giảm 15% nhân viên.

Area 120, một phần của Google từng là “vườn ươm” khởi nghiệp nội bộ, đã mất hầu hết nhân viên và sẽ sớm đóng cửa hoàn toàn. Bộ phận này đại diện cho một trong những đặc điểm nổi bật của Google, cho phép một số nhân viên dành thời gian cho các dự án ngoài công việc thường ngày của họ, và thậm chí đôi khi ở lại công ty để khởi nghiệp thay vì rời đi và tự mình thực hiện. Những ngày đó dường như đã qua.

Ông Diamandis cho rằng các công ty lớn hơn, trưởng thành hơn có trách nhiệm pháp lý lớn hơn. Điều này khiến việc tung ra các sản phẩm mới và theo kịp các công ty mới thành lập trở nên khó khăn hơn.

“Đó thực sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các công ty lớn”, ông nói. “Ngày càng khó đổi mới và nắm bắt cơ hội cũng như chấp nhận rủi ro”.

Một động lực tương tự đã diễn ra trong năm qua khi nói đến các công cụ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới có thể tạo ra văn bản, hình ảnh, âm thanh và video trông giống như chúng được tạo ra bởi con người.

Các công ty khởi nghiệp như OpenAI và Stability AI đã đưa sản phẩm của họ ra công chúng, thu hút chú ý và ngạc nhiên về các công cụ mới, dù phần lớn công nghệ này dựa trên ý tưởng do các công ty công nghệ lớn phát triển trước đó.

Microsoft đã chi hàng tỷ USD cho một thỏa thuận với OpenAI để sử dụng công nghệ của công ty trong chatbot tìm kiếm mới của mình trên Bing. Google và Facebook đang gấp rút phát triển công nghệ tương tự của riêng họ.

moonshot anh 5

Giám đốc điều hành của Meta Mark Zuckerberg. Ảnh: Bloomberg.

Meta, công ty mẹ của Facebook, vẫn đang đầu tư hàng tỷ USD vào canh bạc dài hạn của mình để xây dựng các địa hạt kỹ thuật số được gọi là metaverse, bất chấp chúng hiện tại không mấy thu hút người dùng.

Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg tin rằng dịch vụ thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ trở thành nền tảng điện toán tuyệt vời tiếp theo, khi mọi người làm việc, vui chơi và mua sắm thông qua hình đại diện của chính họ trong siêu vũ trụ ảo.

Thế nhưng giờ đây, ngay cả Zuckerberg cũng buộc phải cắt giảm chi phí và nhân sự, tập trung lại vào các mục tiêu kinh doanh hàng đầu của công ty trước tình hình doanh thu giảm và tương lai kinh tế không chắc chắn.

Trong năm qua, Meta đã cắt giảm đầu tư hoặc tạm dừng phát triển một số sản phẩm và dịch vụ như Facebook News, bản tin Bulletin, và dòng thiết bị gọi video Portal.

Đầu năm nay, Zuckerberg tuyên bố năm 2023 sẽ là “năm hiệu quả”, cam kết cắt giảm các cấp quản lý và tăng tốc quá trình ra quyết định của công ty.

Những cuốn sách giúp hiểu về kinh tế quốc tế

Hiểu về kinh tế thế giới là điều rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập nhằm nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục Thế giới xin giới thiệu đến độc giả những cuốn sách viết về kinh tế quốc tế, mang lại cho người đọc cái nhìn trực quan và đa chiều khi nhắc đến lĩnh vực thú vị này.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Không có cuộc 'đại sa thải' ở Mỹ

Thị trường lao động ổn định đem lại tín hiệu lạc quan cho người dân Mỹ, nhưng cũng đẩy nền kinh tế Mỹ đến gần hơn với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Công ty mẹ của Google sa thải 12.000 nhân viên

Công ty Alphabet ngày 20/1 thông báo sẽ cắt giảm 12.000 nhân viên, trở thành công ty công nghệ mới nhất tại Mỹ có đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm