Sách Thoát khỏi bẫy nhân cách. Ảnh: Book land. |
Tác giả Vũ Chí Hồng (Trung Quốc) từng có vài đầu sách xuất bản ở Việt Nam, không ít lần lấy đời mình ra để làm dẫn chứng cho các bài giảng tâm lý.
Tác giả cho rằng thành công của ông có nguyên nhân từ cư xử của bố mẹ dù họ chỉ là những nông dân ít học. Họ không bao giờ gạt bỏ những mong muốn tự phát của ông khi còn là một đứa trẻ, cũng không bao giờ mắng mỏ ông khi không đạt thành tích cao trong học tập.
Vũ Chí Hồng nhấn mạnh bố mẹ và con cái là những cá thể độc lập có vai trò ngang nhau trong mối quan hệ. Thậm chí, sự chủ động tìm tòi khám phá của trẻ trong quá trình trưởng thành quan trọng hơn sự sắp xếp và hướng dẫn của cha mẹ. “Một đứa trẻ buộc phải thông qua sự khám phá độc lập của mình mới có thể trở thành chính mình, mới có thể có một ý chí độc lập mạnh mẽ và tính sáng tạo cao” (tr.159).
Trong phần đầu Sáu định luật phát triển tâm hồn, Hãy là chính mình đứng đầu, nếu chúng ta tham gia một cách bị động những trải nghiệm sống của mình hay thông qua ý muốn của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy không được là chính mình. Hóa ra “hành trình của một cuộc đời là hành trình không ngừng đọ sức với ý muốn cá nhân của người khác”. Tác giả dẫn lời triết gia Martin Buber: “Một khi ta đã coi đối phương là công cụ để thực hiện mục tiêu của mình, cho dù mục tiêu đó có vĩ đại đến đâu, ta đều có thể làm tổn thương người kia”.
Một số người cho rằng vội kết luận “là chính mình” trong khi bản thân yếu kém là sai lầm. Nhưng là chính mình ở đây không chỉ có nghĩa là giữ vững và phát huy những phẩm chất riêng của mỗi người, còn biết nâng niu và lắng nghe cảm xúc của chính mình. Thế lực đầu tiên mà mỗi người phải đọ sức trong đời tất nhiên là… cha mẹ. Để các bậc cha mẹ khỏi phải lạm quyền, tác giả cung cấp định luật thứ hai “Chúng ta bẩm sinh đã có một phôi tinh thần”.
Nhà giáo dục Maria Montessori (Italy) phát hiện ra, đứa trẻ không phải tờ giấy trắng để người lớn muốn viết gì lên cũng được, mà trong nó vốn ẩn chứa một mật mã cho sự phát triển tâm hồn thường bộc lộ trước tuổi lên 6. Chẳng hạn đứa bé luôn đòi ăn cả chiếc bánh không phải vì tham ăn mà nó (sẽ) là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo…
“Mối quan hệ chiến thắng tất cả” là định luật thứ ba. Người thành đạt trong đời không phải nhờ biết quan hệ mà sẽ là người xử lý hiệu quả các mối quan hệ. Mối quan hệ mang tính quyết định, nền móng vẫn là quan hệ cha mẹ - con cái. Nó góp phần quan trọng hình thành “cha mẹ bên trong nội tâm” (tương tự “siêu ngã”) và “đứa trẻ bên trong nội tâm” (có thể hiểu là “bản ngã”) của cá nhân. Tức là mỗi người phải giải quyết ổn thỏa mối quan hệ “phân thân” bên trong mình, từ đó mới có thể quan hệ tốt với xung quanh.
Trong chương 2 có một phần tên là Hãy cảnh giác với 7 giáo lý của tình yêu, trong đó nhầm tưởng đầu tiên là: “Càng yêu thì càng đối xử tốt với người mình yêu”. Điều này chỉ đúng với người nào có sự cân bằng, hài hòa trong mối quan hệ giữa “cha mẹ nội tâm” và “đứa trẻ nội tâm”. Vì thực tế cho thấy có những tình nhân chuyển thành sát nhân. Trường hợp này được lý giải do “đứa trẻ bên trong” hắn có một quan hệ đầy bạo lực với “người mẹ bên trong”. Tác giả khuyên chúng ta cần hết sức tránh xa những người có mô hình quan hệ nội tâm không tốt “trừ khi người đó có khả năng tự suy ngẫm”.
Trong thực tế khi nhận thấy những sai lầm thế hệ trước mắc phải, ta quyết định sẽ không lặp lại. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Tác giả tóm tắt mô hình hành vi tâm lý ABC của Albert Ellis. Trong đó A là “affair” (sự kiện), B là “belief” (niềm tin), còn C là “consequence” (kết luận), B ở đây cũng có thể là một hệ thống nhân cách hình thành do quan hệ nội tâm của mỗi người.
Nếu ta không hiểu sâu sắc về B của mình thì trước một A, phản ứng của ta đơn thuần chỉ là tự động. Phản ứng này có thể làm cho ta sảng khoái nhưng lại không kiểm soát được nó. Còn nếu nắm rõ B, ta sẽ có sự tự chủ, lựa chọn. Vì vậy nếu không biết gì về B “thì về cơ bản bạn chỉ là sản phẩm của một gia đình gốc thuần túy”, tác giả viết. “Bạn hoàn toàn bị cuốn vào chuỗi luân hồi số phận của gia đình… Điều này cũng có nghĩa là cuộc sống của bạn là vô nghĩa, bạn chỉ là một sản phẩm tự động của gia tộc” (tr.92).
Luân hồi chẳng đợi tới kiếp sau mà có thể “song hành” ngay trong một gia đình. Khi nào các thế hệ còn chung một mô hình tâm lý. Vì thế tác giả khuyến cáo để mỗi người có thể thay đổi số phận, hãy thay đổi mối quan hệ nội tâm trong mình trước. Tóm lại phải thoát khỏi bẫy của chính mình đã…