"Khi nói sống ở đường Nguyễn Trãi, quận 1, ngay trung tâm thành phố, ai cũng tưởng nhà tôi giàu lắm. Nhưng thực ra cả gia đình chen chúc trong không gian 9 m2 chật chội, sống bí bách. Tôi không dám mời người quen về nhà chơi", bà Hồng thở dài khi kể về cuộc sống tại khu Mả Lạng.
Bà Hồng sống cùng gia đình 11 người trong căn nhà chưa đến 10 m2, bên trên có gác mái. Nguồn thu của cả nhà phụ thuộc vào đồng lương chạy shipper ít ỏi. Gia đình ba thế hệ đã sống ở khu Mả Lạng hơn 30 năm, họ vẫn luôn mong về một nơi ở mới khang trang và rộng rãi hơn, nhưng dường như ước mơ này quá xa vời.
Khu Mả Lạng còn được gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh. Bên trong khu dân cư là những căn nhà diện tích chỉ trên dưới 20 m2. Một khảo sát cho thấy có hơn 530 nhà dưới 20 m2, chủ yếu là siêu nhỏ, xuống cấp. Phần lớn người dân trong khu là lao động nghèo, không có công việc ổn định.
Cuộc sống bấp bênh
Theo chỉ dẫn của bà Hồng, chúng tôi đi sâu vào những con hẻm ở khu Mả Lạng. Bên cạnh những căn nhà nhỏ, đặc trưng của khu vực này là những con hẻm quanh co với chiều ngang chỉ hơn 1 m, có nơi không đủ xe quay đầu. Một số hẻm trong khu Mả Lạng tối om cả lúc ban ngày do nhà cửa mọc san sát nhau, nhiều hộ dân lấn vào phần đất chung để cơi nới thêm không gian sống.
Ở ngay giữa trung tâm TP.HCM, quang cảnh khu Mả Lạng đối lập với xung quanh. Chỉ cần bước ra ngoài khoảng hơn 1 km là gặp nhiều trung tâm thương mại, khu mua sắm lớn... Theo một số người dân, việc sống trong trung tâm chỉ giúp tiện đường đi lại, không thể cải thiện được thu nhập và điều kiện ăn ở.
Một số gia đình ở Mả Lạng từng nghĩ đến việc chuyển sang khu khác, song nguồn thu nhập thấp không cho phép họ có những dự tính xa hơn.
Ghi nhận của Zing, nhiều người dân ở khu Mả Lạng cho biết mức thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Họ bày tỏ dù cuộc sống ở đây khó khăn, nhưng vẫn tốt hơn so với việc di dời. Một số gia đình từng nghĩ đến việc chuyển sang khu khác, song nguồn thu nhập thấp không cho phép họ có những dự tính xa hơn.
Bà Hồng tâm sự khi đại gia đình sống chen chúc trong căn nhà 9 m2, nhiều bất tiện song "ở mãi cũng quen". Theo người phụ nữ, khu Mả Lạng thuộc dự án đang trong quy hoạch nên khi muốn sửa chữa hay xây thêm, người dân cần được UBND phường cấp giấy phép.
"Tôi nghe việc quy hoạch khu này từ năm 22 tuổi. Bây giờ tôi gần 60 tuổi, vẫn lại nghe tin quy hoạch hay thu hồi dự án", bà Hồng nói và cho biết khoảng 4 năm trước, chính quyền có xuống đo đạc, khảo sát nhiều địa điểm xong không làm gì thêm.
Bà Hồng từng tính đến việc sửa chữa căn nhà, nhưng khi biết giá sửa lên đến 220 triệu đồng, người phụ nữ đành từ bỏ. Giờ đây, bà Hồng cũng không biết cuộc sống sẽ đi về đâu nếu gia đình có thêm thành viên.
Trong khi đó, chị Hồng Tiên (31 tuổi, con gái bà Hồng) luôn mong mỏi được di dời sang nơi ở mới hoặc được sắp xếp đến chỗ ở nào khang trang hơn. "Gia đình từng tính phương án bán căn nhà này, chuyển qua căn khác nhưng khu mới còn mắc hơn rất nhiều. Tôi đành từ bỏ ý định đó luôn", chị Tiên lắc đầu.
Một căn nhà vỏn vẹn 2 m2 trong khu Mả Lạng. Ảnh: Anh Nhàn. |
Cách đó không xa, ông Nguyễn Ngọc Tấn (67 tuổi) cũng có nhiều trăn trở khi sống ở khu Mả Lạng. Gia đình gồm 5 người sống trong căn nhà 15 m2 đã được hơn 50 năm.
Ông Tấn không có căn cước công dân do các giấy tờ tùy thân đã bị thất lạc trong chiến tranh. Trải qua nhiều năm, dù đã lên làm việc với chính quyền địa phương, người đàn ông vẫn chưa được cấp căn cước công dân và một số giấy tờ khác. Khi cần chứng nhận nhân thân, ông Tấn đành xin giấy xác nhận nhưng tờ giấy này chỉ có hiệu lực trong vài tháng.
"Không có căn cước công dân, tôi không thể xin làm bảo vệ do thiếu giấy tờ. Mỗi lần đến bệnh viện mà chưa kịp xin giấy xác nhận, tôi đành đợi 1-2 ngày làm giấy xong thì mới được khám bệnh", người đàn ông thở dài.
Trong thâm tâm người đàn ông mong mỏi sau khi dự án treo 20 năm được thu hồi, gia đình ông sẽ được cấp sổ hộ khẩu, từ đó có cơ sở làm căn cước công dân. Khi có được giấy tờ này rồi, ông sẽ có cơ hội đi làm trở lại, giúp cuộc sống gia đình đỡ bấp bênh hơn.
Chủ dự án cần cam kết, tránh giữ đất mà không làm
Trao đổi với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng dự án bị thu hồi ở khu Mả Lạng sẽ để lại bài học cho TP.HCM trong việc chỉnh trang đô thị sau này.
Đánh giá nguyên nhân khiến dự án "treo" suốt 2 thập kỷ, chuyên gia cho rằng vấn đề lớn ở Mả Lạng là người dân sống kín hết khu vực. Khi quy hoạch dự án mà muốn "xoá trắng" để xây nhà cao tầng, nhu cầu vốn đền bù rất lớn, công tác giải tỏa mặt bằng phức tạp.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết khi tiến hành giải quyết bài toán đền bù giải tỏa thì cần tính đến phương án tái định cư tái chỗ.
"Nhà đầu tư không nên 'tham' quá, chỉ lo làm dự án cao tầng, chung cư cao cấp mà quên làm chung cư tái định cư tại chỗ. Phải làm như vậy thì mới giải quyết được vấn đề tái định cư, giải tỏa mặt bằng của người dân", ông Sơn nói.
Nhiều con hẻm trong khu Mả Lạng rơi vào cảnh thiếu ánh sáng do nhà cửa mọc san sát nhau, người dân lấn vào phần đất chung để cơi nới thêm không gian. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nếu vượt quá thời gian cam kết, chính quyền cần tiến hành thu hồi, tránh tình trạng nhà đầu tư giữ đất mà không làm, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Ông Sơn nhìn nhận trách nhiệm của nhà đầu tư trong quy hoạch dự án. Nhà đầu tư tham gia dự án Mả Lạng cần có đủ năng lực về vốn và khả năng quản lý, đồng thời cam kết làm xong quy hoạch trong 5-10 năm. Nếu vượt quá thời gian cam kết, chính quyền cần tiến hành thu hồi, tránh tình trạng nhà đầu tư giữ đất mà không làm, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.
"Trong nội thành không nên có bất kì dự án treo nào nữa. Hiện TP.HCM có vài khu với tình trạng tương tự, nhà cửa lộn xộn. Khi nhà đầu tư tiến hành quy hoạch cần có sự minh bạch ngay từ đầu", chuyên gia nhận định.
Trả lời câu hỏi của Zing về việc người dân khu Mả Lạng có được xây dựng nhà trở lại sau khi dự án đầu tư tại khu đất này bị thu hồi, ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng quản lý đô thị quận 1, cho biết sau khi có văn bản chính thức về việc thu hồi dự án, UBND quận 1 sẽ hỗ trợ cho người dân và đảm bảo về quyền lợi hợp pháp của người dân theo đúng quy định về đất đai, xây dựng.
Đồng thời, sau khi dự án được thu hồi, UBND quận 1 cũng sẽ xem xét giải quyết cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các Luật khác có liên quan.
Bà Châu Phùng Chi, Phó trưởng phòng quản lý Tài nguyên - Môi trường quận 1, cho biết các đơn vị đang tham mưu, đề xuất phương thức thực hiện dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh trong quý II/2023. Sau khi thu hồi các thông báo thu hồi đất, người dân trong phạm vi dự án được thực hiện các quyền theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch.
Từ năm 2000, TP.HCM có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng với diện tích 6,8 ha nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tổng số nhà phải giải tỏa là hơn 1.400 căn. Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, dự án tiếp tục bị treo đến nay.
Tháng 3/2023, UBND TP.HCM thông báo về việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu Mả Lạng.
Vị trí khu Mả Lạng, quận 1. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.