Tổng thống Barack Obama giúp nước Mỹ hàn gắn với 2 cựu thù Cuba và Iran. Ảnh: Reuters. |
Năm 2009, ông Obama được trao giải Nobel hòa bình dù chưa làm được điều gì tương xứng với vinh dự đó. Khi lên nhận giải tháng 12/2009, ông tuyên bố Mỹ phải “cân bằng giữa biện pháp cô lập và đối thoại, sức ép và sáng kiến”, bởi “cấm vận mà không có đàm phán, lên án mà không đối thoại sẽ chỉ duy trì hiện trạng tiêu cực”.
Ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống, cuối cùng ông Obama đã thực hiện được những cam kết của mình nhờ chính sách kiên định: sẵn sàng đối thoại, ngay cả với những kẻ thù của nước Mỹ. Thành công lớn đầu tiên là việc Mỹ nối lại quan hệ với Cuba, kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh. Và giờ đây là thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Đối thoại thay vì cô lập
AFP dẫn lời chuyên gia Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá suốt 40 năm qua Washington cứng rắn thực hiện chính sách kiềm tỏa Tehran, không đối thoại, không hợp tác. Và chính sách này hoàn toàn không phát huy hiệu quả. Người tiền nhiệm của ông Obama là George W.Bush từng liệt Iran vào “trục ác quỷ”.
Ngược lại, ông Obama lựa chọn giải pháp ngoại giao. Và tháng 9/2013, ông thực hiện một hành động lịch sử là hội đàm qua điện thoại với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Và sau 35 năm ngày quan hệ Mỹ - Iran đổ vỡ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo và cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Mỹ và các cường quốc ngồi vào bàn đàm phán với Iran.
AFP dẫn lời chuyên gia Trita Parsi thuộc Hội đồng Mỹ Iran mô tả thỏa thuận hạt nhân “chắc chắn là thành tựu ngoại giao lớn nhất của ông Obama”.
“Cuba có thể gần gũi hơn với người Mỹ, nhưng Iran và việc ngăn chặn nguy cơ sản xuất bom hạt nhân và thay đổi mối quan hệ 2 nước có ý nghĩa lớn hơn nhiều xét về địa chính trị”, chuyên gia Parsi nhấn mạnh.
Nhà phân tích Suzanne Maloney thuộc Viện Brookings cho rằng thỏa thuận là bước đột phá quan trọng, hoàn toàn có thể so sánh với các thỏa thuận cắt giảm thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Trên trang Middle East Eye, nhà phân tích Peter Oborne cũng đánh giá thỏa thuận hạt nhân Iran là thành tựu phi thường của ông Obama, giúp chấm dứt tình trạng cô lập của Iran và giảm nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông.
Vẫn phải chờ Quốc hội Mỹ
Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran còn phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ. Bởi các nghị sĩ ở Đồi Capitol có khả năng cản trở việc thực thi thỏa thuận này.
Hàng loạt nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa, thân Israel đã lên tiếng phản đối hợp tác với Iran. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng thỏa thuận với Iran “sẽ thổi bùng chạy đua vũ trang hạt nhân” trên thế giới.
Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận này. Ông Obama thề sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào mà Quốc hội đưa ra để cản trở thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhà Trắng đang mở chiến dịch vận động ủng hộ thỏa thuận. Hôm nay ông Obama sẽ mở cuộc họp báo ở Nhà Trắng để giải thích các lợi ích mà thỏa thuận đem lại.
Con đường phía trước của thỏa thuận cũng còn khá gập ghềnh. Nếu Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận này, nó vẫn cần phải được Quốc hội Iran và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn. Sau đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) phải xác minh rằng Tehran đã thực hiện các biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân.
Chỉ đến khi đó Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mới bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp cấm vận khiến nền kinh tế Iran rơi vào khủng hoảng.