Không biết từ bao giờ trong lịch sử, thiền nhân và thi sĩ luôn trở thành đôi bạn tâm giao. Nhà thơ đến với thiền như một sự thăng hoa mỹ cảm, còn thiền nhân trong quá trình quán sát nội tâm, họ khám phá những điều tuyệt vời của thế giới chỉ có thể cô đọng trong ngôn ngữ thi ca.
Tập thơ Hát bên dòng nước chảy của tác giả Đinh Hoàng Anh và Như Quỳnh |
Đó là điều độc giả dễ nhận thấy khi đọc tập thơ Hát bên dòng nước chảy của Đinh Hoàng Anh và Như Quỳnh, một người trong thơ tìm thấy Thiền và một người trong Thiền nảy ra thơ. Thiền, và thơ đều đưa con người tìm về bản thế.
"Hơi thở nào
Đưa em về
tĩnh lặng
Đưa em về
sâu lắng
chính mình
Đưa em về
bờ giác
bình an."
(Khúc ca 1: Hơi thở. Như Quỳnh.)
Hai tác giả tìm thấy tiếng lòng của mình trong sự tịch mặc vô ngôn, khi ngôn ngữ thơ đã trở thành niềm im lặng khắc khoải để rồi từ đó họ cảm nghiệm cuộc đời bằng ánh mắt trong trẻo ban sơ. Và hình như nhà thơ Đinh Hoàng Anh và thiền nhân Như Quỳnh là đôi bạn tâm giao ấy.
Bằng những trải nghiệm, quán sát thiên nhiên, cuộc đời, nhà thơ đã đến với thiền và gởi đến cho chúng ta những khúc hát ru yên ả như lời tự tình về cái đẹp của đời sống.
"Con đường im lặng, chỉ có những chiếc lá khô khẽ xào xạc trong gió: Con đường không ngủ đâu, cũng không quên lãng điều gì, chỉ là đang đi vào vùng lặng yên sâu thẳm, và chính là bạn ấy đang dẫn chúng tôi tìm về mùa xuân". (Khúc ru số 2: Con đường mùa đông. Đinh Hoàng Anh)
Sự thanh tĩnh của thiên nhiên vẫn thường xuyên gấy nên nỗi buồn chán cho bao kiếp nhân sinh, nên có mấy ai có thể tìm thấy lẽ huyền vi của nhiên giới ngay giữa dòng đời hối hả bon chen.
Thế nhưng qua tập thơ Hát bên dòng nước chảy của đôi bạn ấy ta có thể cảm nhận đời sống trong mỗi khoảnh khắc là cảnh giới tươi đẹp mà với những ai tâm tư hữu hạn bị trói buộc theo những tập quán tư duy nhỏ bé sẽ khó có thể chạm vào được điều mà họ muốn chia sẻ.
Cảm nghiệm và nói lên những điều ấy chắn chắn không phải là sự tương quan như thật giữa ngôn ngữ và thực tại. Nhưng cũng chỉ qua ngôn ngữ thi ca ta cảm được phần nào điều mà nhà thơ và thiền nhân cảm nhận. Đó có thể là những giọt sương, những vạt nắng, những con đường, hay thậm chí tình yêu, chuyện thầm kín cũng được nhìn bằng ánh sáng thiền quán.
Khi ấy, vạn vật như được tan ra, không còn là chính nó nữa, nhưng cũng có gì khác đâu, ngoài những điều ta va chạm, tiếp xúc hàng ngày, chỉ có điều ta nhìn nó bằng đôi mắt khác thôi. Chúng ta không nhất thiết phải trở thành những thiền nhân, thi sĩ, nhưng chắc hẳn ai cũng có một khát vọng trước một thế giới vượt ngoài cõi đời tục luỵ này. Đó là nơi bản ngã của mình có thể trầm ngâm chiêm nghiệm số phận riêng tư của nó để hướng đến hạnh phúc nội tại, sự bình an vắng lặng trong tâm hồn. Chỉ có khi ấy, ta mới có thể chạm được đến vẻ đẹp vô tư của đời sống. Khi trái tim đạt tới cao độ rung động của nó chúng ta chỉ còn có thể im lặng.
Và với tập thơ Hát bên dòng nước chảy, chỉ có thể lặng im rồi để trái tim hoà cùng nhịp đập với những khúc hát ru của họ, để có thể cảm nhận từng hạt mưa cũng đẹp như những giọt nắng, hay sự phai phôi của thời gian trên những giọt sương và ngay cả cô gái điếm cũng được tôn thờ với trí tuệ, tình yêu rộng lớn.
Đinh Hoàng Anh sinh ra trong một gia đình nhà giáo có truyền thống về ngành khoa học tự nhiên, là thủ khoa duy nhất của kỳ thi đại học năm 1982. Sau khi thi đỗ vào khối chuyên toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị theo học đại học và nghiên cứu sinh ngành toán lý thuyết ở Belarus, là sinh viên xuất sắc tại Trường Đại học Tổng hợp Minsk, thủ đô của nước Belarus. Trở về Việt Nam sau gần hai mươi năm với bằng tiến sĩ khoa học, chị trở thành một doanh nhân.
Đinh Hoàng Anh đam mê văn học và thi ca từ thời nhỏ. Chị có thơ đăng trên báo Văn nghệ từ năm 16 tuổi. Cố thi sĩ Phạm Tiến Duật đã đánh giá năng lực văn học của Đinh Hoàng Anh rất cao và chính ông đã viết lời giới thiệu cho tập thơ đầu tay của chị, Tia lửa nhỏ, xuất bản tháng 1/2007.