Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thợ sửa xe 'Hai lúa' chế ôtô chở con đi học

Từ những chiếc xe máy, anh Sơn tháo ra lấy một số bộ phận rồi mua thêm thiết bị "chế" thành công ôtô. Xe có thể đạt vận tốc 50km/h và chỉ tốn 4 lít xăng cho quãng đường 100 km.

Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao những bức ảnh về chiếc ôtô tự chế xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua tìm hiểu được biết, chủ nhân chiếc xe “độc, dị” này là anh Nguyễn Kim Sơn (36 tuổi, ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương).

Anh Sơn xuất thân từ gia đình nông dân và làm nghề thợ sửa xe máy tại địa phương và đặc biệt rất đam mê sáng tạo. Anh từng chế tạo nhiều vật dụng trong gia đình mình. Năm 2004, trong một lần nhìn chiếc ôtô con của một người chạy về trong xã, anh chạy ra ngắm nghía rồi ước ao mình cũng chế tạo ra được chiếc xe như vậy.

Tưởng chỉ là câu nói đùa, nào ngờ chàng trai trẻ này bắt tay làm thật. Sau một thời gian tích cóp, học hỏi, tìm hiểu các chi tiết của động cơ ôtô, năm 2012, anh bắt đầu bắt tay vào việc biến ước mơ thành hiện thực.

Bước đầu tiên, anh lấy chiếc xe máy của mình tháo toàn bộ đồ nhựa, khung xe ra để lấy động cơ làm máy và một số thiết bị trong xe máy. Thấy chồng làm, người vợ lúc đầu ra sức ngăn cản nhưng nói mãi không được nên đành mặc kệ. Chị cũng như nhiều thân trong gia đình không tin chồng mình có thể thành công được.

Chiếc xe tự chế của anh Sơn.
Chiếc xe tự chế của anh Sơn.

Sau khi có động cơ, anh bỏ tiền ra mua nhiều thứ khác nữa như bộ phận giảm xóc, hệ thống cần số, bánh xe, tay lái... Có đầy đủ những thứ cần thiết người đàn ông này bắt tay mày mò, chế tạo.

"Để có được chiếc ôtô, quan trọng hơn là ưng ý mình, tôi không ngừng học hỏi những người khác. Khi chế tạo, không hiểu cái gì là tôi sẵn sàng mang ra hiệu sửa chữa ôtô để được hướng dẫn. Từng chi tiết trên xe lần lượt được hình thành", anh kể.

Cha con 'Hai lúa' chế tạo xe thiết giáp cho Campuchia

Suốt 4 tháng, lần lượt 10 chiếc thiết giáp được cha con ông Hải cho ra lò, đưa đi chạy thử nghiệm, bắn thử đạn thật… đều đạt các thông số đặt ra.

Người “kỹ sư” tay ngang này cho hay, việc chế tạo ôtô khó nhất là hệ thống số, bắt cầu chuyển động cho xe. Còn lại từ việc gò hàn vỏ, khung xe đến hệ thống máy, hệ thống điện anh đều tự mình làm và lắp ghép. Có vốn hiểu biết sửa chữa cùng lắp ráp máy móc nên công việc này không mấy khó khăn đối với anh.

Đến năm 2013, hình dáng chiếc xe bắt đầu hình thành và đưa vào chạy thử. Sau gần chục ngày sửa lại những lỗi nhỏ, đến đầu tháng 2/2013 chiếc xe đã hoạt động bình thường.

“Lúc đó tôi sướng phát điên, thông báo cho mọi người mình đã chế tạo thành công xe ôtô chẳng ai tin. Đến sau họ thấy tôi lái đi khắp xã mới trố mắt nhìn, thậm chí nhiều người còn đưa tay dụi mắt nhiều lần vì sợ mình hoa mắt”, chủ nhân chiếc ôtô tự chế cười vui.

Nhiều người tỏ ra thích thú với chiếc xe tự chế của anh Sơn.
Nhiều người tỏ ra thích thú với chiếc xe tự chế của anh Sơn.

Anh Nguyễn Danh Mùi (39 tuổi, hàng xóm anh Sơn) chia sẻ, khi thấy anh Sơn chế xe, anh không nghĩ là làm được. "Nhưng khi chiếc xe hoàn thiện và đi được, tôi rất nể phục vì tính sáng tạo của Sơn", anh nói.

Chiếc xe anh Sơn chế tạo nặng khoảng hơn 200 kg. Vận tốc trung bình 40-50 km/h. Đặc biệt do chạy bằng động cơ xe máy nên tốn rất ít xăng, chỉ khoảng 4 lít/100km.

Theo quan sát, chiếc xe tự chế có nội thất được thiết kế đơn giản bằng chiếc ghế da, đủ cho 4-5 người ngồi. Vỏ xe anh Sơn hàn bằng tấm tôn rồi định vị lại bằng các ốc vít. Phần kính lái trước được anh mua kính thật. Còn những kính xung quanh được làm từ kính mêka. Xe được sơn 1 màu đen tuyền, tuy không được đẹp mắt nhưng cũng giống với 1 chiếc “xe hơi” thực thụ.

ANh Sơn trên chiếc xe tự chế do mình chế tạo ra.
Anh Sơn trên chiếc xe tự chế do mình chế tạo ra.

"Lưu thông xe tự chế là vi phạm luật giao thông"

Những hình ảnh về chiếc ôtô tự chế của chàng trai nông dân Nguyễn Kim Sơn khi xuất hiện trên mạng xã hội đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Nhiều người tỏ ra thích thú, khen ngợi sự sáng tạo của chủ nhân.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại về độ an toàn của chiếc xe cũng như đó là hành động vi phạm luật giao thông. Nói về vấn đề này, anh Sơn cho biết anh chỉ chế tạo ra để thỏa mãn đam mê và chở con đi học cho đỡ mưa nắng.

“Hiện con tôi đang học tiểu học ở trong xã, cách nhà 3 km nên tôi chỉ dùng phương tiện này để đưa đón con chứ không dám đi ra khỏi xã. Tôi cũng biết xe của mình là vi phạm luật giao thông nhưng cũng mong nhà chức trách đừng tịch thu sản phẩm mà tôi đã dày công chế tạo ra”, anh Sơn tâm sự.

Tàu ngầm Trường Sa mini thử nghiệm trên biển

Chiều 30/5, trong suốt 4 giờ, tàu ngầm Trường Sa 01 của ông Nguyễn Quốc Hòa đã chạy khắp vùng biển thuộc cảng Diêm Điền (tỉnh Thái Bình), dù có lúc phải dừng lại để sửa chữa.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Trí, Trưởng Công an xã Bài Sơn cho biết, khi thấy anh Sơn chế tạo ôtô, phía công an có khuyên can nếu thành công thì cũng không được phép lưu thông vì vi phạm luật giao thông. Thế nhưng anh ấy bảo chỉ chế tạo cho thỏa đam mê và đi trong đường làng nên sau đó vẫn tiếp tục công việc.

“Chúng tôi và phía công an huyện cũng nhắc nhở anh Sơn không được đi xe ra những đường lớn. Còn hiện tại, xe của anh ấy chỉ để ở nhà cho đẹp và hàng ngày đưa con đến trường trong đường làng khoảng 3 km thôi”, vị trưởng công an xã này nói.

Hàng ngày chiếc xe vẫn được sử dụng để anh Sơn đưa con gái đi học.
Hàng ngày chiếc xe vẫn được sử dụng để anh Sơn đưa con gái đi học.

Còn ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An thì cho rằng, vấn đề tự chế ôtô để lưu thông trên đường là hoàn toàn không được phép và vi phạm quy định của pháp luật. Khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, kiểm tra về kỹ thuật, an toàn xe, nếu chiếc xe này lưu thông trên đường thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo Nghị định 171.

“Nếu phát hiện chiếc đang lưu thông thì chúng tôi sẽ yêu cầu tịch thu ngay. Cho dù anh có đưa công nghệ tiên tiến bậc nhất châu Âu về để sáng tạo nhưng đều phải qua kiểm tra, đăng kiểm thì mới được lưu hành”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Hiện, anh Sơn vẫn đang sử dụng chiếc xe mỗi ngày đưa con gái đến trường. Nói về ước mơ, dự định của mình, anh tâm sự về việc muốn chế tạo được nhiều thứ thiết thực hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp để phục vụ bà con.

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết ở nước ta cũng có nhiều nông dân chế tạo được tàu ngầm, máy bay... Nếu được kết hợp với họ, tôi tin chắc mình cũng sẽ sáng tạo ra được những thứ đó”, anh quả quyết.

Siêu phẩm 'made in Vietnam' sẵn sàng cất cánh

Chiếc trực thăng thứ 2 của người kỹ sư nông dân Việt Nam sử dụng xăng A92, vận tốc tối đa 200 km/h, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ.

Nam An

Bạn có thể quan tâm