Trả lời Zing, ông Francesco Siccardi, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ kiêm Giám đốc chương trình cấp cao tại Trung tâm Carnegie Europe, cho biết quyết định đổi tên thành "Türkiye" được đưa ra trong thời điểm khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hai thập niên qua.
“Việc đổi tên có hai mục tiêu: Về kinh tế, Ankara hy vọng động thái này sẽ thu hút du lịch và phục hồi kinh tế quốc gia. Về chính trị, điều này có thể giúp Tổng thống Tayyip Erdogan phân tán sự chú ý của công chúng khỏi những vấn đề trong nước, đồng thời thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, hướng đến giá trị truyền thống", ông Siccardi cho biết.
Ông Erdogan được dự đoán gặp nhiều thách thức khi tái tranh cử tổng thống vào năm 2023.
Ông Francesco Siccardi. Ảnh: Carnegie Europe. |
Việc Liên Hợp Quốc chính thức công nhận tên gọi quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ là "Turkiye" ngày 2/6 đã hiện thực hóa ý tưởng của ông Erdogan đưa ra cuối năm 2021. Ông cho rằng tên gọi "Turkiye" sẽ thể hiện văn hóa, văn minh và giá trị của đất nước một cách tốt nhất.
Ông Siccardi nhận định hiệu quả kinh tế của việc đổi tên sẽ không đáng kể nếu so sánh với việc xung đột tại Ukraine tác động đến ngành du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, hay giá nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như nhiên liệu và lúa mì tăng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy tên chính thức là Türkiye Cumhuriyeti, hay Republic of Turkey (Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ) kể từ khi giành độc lập vào năm 1923. Người dân nước này vẫn dùng tên gọi “Türkiye” từ thời điểm đó, trong khi công chúng quốc tế quen dùng tên tiếng Anh "Turkey".
Tên gọi “Turkey” có nguồn gốc từ thời trung đại, khi người châu Âu vào khoảng thế kỷ 13 gọi khu vực Tiểu Á (lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) là “Turchia” hay “Turkey”, tức “vùng đất của người Turk”.
Ý định đổi tên của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chủ đề mới. Cựu Thủ tướng Turgut Ozal từng có ý định này vào những năm 1980, cho thấy đây là một đề tài thường xuyên được nhắc đến trong chính trường nước này, ông Siccardi cho hay.
Hiệu lực ngay lập tức
Tên mới sẽ không chỉ thay thế “Turkey”, mà còn thay những tên khác được sử dụng trên trường quốc tế, chẳng hạn “Turkei” và “Turquie”.
Ngay sau khi yêu cầu đổi tên được Liên Hợp Quốc chấp thuận, bảng tên của nước này đã được thay đổi thành “Türkiye” tại phiên họp Hội đồng Bảo an ngày 2/6.
Các bộ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu sử dụng “Türkiye” trong tài liệu chính thức, theo SBS News. Website của những văn phòng thuộc nội các, bao gồm Bộ Ngoại giao nước này đã dùng tên tiếng Anh chính thức của đất nước là "Republic of Türkiye".
Sinan Ulgen, Chủ tịch trung tâm nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul, nói với CNN rằng các tổ chức quốc tế sẽ có nghĩa vụ sử dụng tên mới, nhưng sẽ cần một khoảng thời gian để công chúng quốc tế quen dần với tên gọi này.
Dù việc thay đổi tên chính thức đưa ra vào đầu tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhen nhóm ý định thay đổi thương hiệu quốc gia từ trước.
Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ayse Inanc dự phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/6. Bảng tên của nước này đã được đổi thành "Türkiye" thay vì "Turkey" như trước đây. Ảnh: Anadolu Agency. |
Nước này bắt đầu động thái thay đổi tên thành Türkiye từ tháng 12/2021, khi Tổng thống Tayyip Erdogan công bố bản ghi nhớ và yêu cầu công chúng dùng tên Türkiye trong mọi ngôn ngữ. Các mặt hàng xuất khẩu sẽ dùng cụm từ “Made in Türkiye” trên tất cả nhãn của mình.
Đầu năm nay, chính phủ cũng đã phát hành một video quảng cáo như một phần trong nỗ lực thay đổi tên đất nước. Video cho thấy khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới nói "Xin chào Türkiye" tại các điểm đến nổi tiếng.
Trước Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia khác là Bờ Biển Ngà năm 1986 cũng đã sử dụng tên chính thức “Côte d'Ivoire" theo tiếng Pháp cho các nghi thức ngoại giao thay vì tên tiếng Anh “Ivory Coast” như trước kia, và từ chối công nhận bất kỳ tên gọi bằng ngôn ngữ khác trong các giao dịch quốc tế.
Bước đệm chính trị?
Tổng thống Erdogan sẽ còn khoảng một năm để chuẩn bị cho kỳ bầu cử năm 2023. Ông Siccardi cho biết việc đổi tên lúc này “là một chiến lược của chính phủ để tiếp cận cử tri theo chủ nghĩa dân tộc trong một năm quan trọng với chính trị nước này”, theo CNN.
Khi đưa ra ý tưởng vào tháng 12/2021, ông Erdogan vẫn dẫn đầu trong các khảo sát về độ tín nhiệm. Dù vậy, thế giới, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua nhiều biến động từ xung đột Ukraine và giá cả leo thang. Điều này gây sức ép lên chính phủ và cá nhân ông Erdogan trước kỳ bầu cử.
Vị thế của đảng cầm quyền AKP đã suy giảm đáng kể qua từng năm. Các khảo sát năm 2021 cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng này là 31-33%, giảm từ 42,6% tại thời điểm diễn ra cuộc bầu cử năm 2018, theo Reuters.
Xung đột tại Ukraine đã tạo thêm sức ép lên chính phủ Tổng thống Erdogan. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia cho rằng vào thời điểm khủng hoảng, tổng thống có xu hướng đưa ra những quyết sách phân tán sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề trong nước.
Trong khi đó, ông Sinan Ulgen cho rằng việc đổi tên phần lớn là chiến lược nâng cao thương hiệu quốc gia hơn là bước đệm trước kỳ bầu cử. Ông nói thêm nguyên nhân chính là nước này muốn loại bỏ sự nhầm lẫn khi tên gọi trùng với một loài gà tây, cũng có tên "turkey".
Sức ép kinh tế
Xung đột Ukraine đã làm trầm trọng hơn tình hình kinh tế ở nước này, với thâm hụt thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 98,5% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát trong tháng 5 tăng 73,5% - mức cao nhất trong 23 năm - khi so với thời điểm này năm 2021.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm, nhưng Tổng thống Tayyip Erdogan những năm qua đã từ chối cho tăng đáng kể lãi suất để hạ nhiệt tình trạng lạm phát. Ông đã chỉ thị cho ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất vào năm 2021 ngay cả khi lạm phát tiếp tục tăng, theo CNBC.
Do vậy, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu và sức chi tiêu của người dân kém hơn nhiều. Cùng với đó, giá nhiên liệu và thực phẩm tăng gần đây khiến sức mua của người dân càng giảm qua từng tháng. Hàng trăm người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình vào tháng 5 nhằm phản đối tình trạng kinh tế khó khăn do lạm phát tăng cao.
“Vào thời điểm hiện tại, đây (việc đổi tên) chắc chắn không phải là ưu tiên đối với những công dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Siccardi nói với Zing, nhấn mạnh hiệu quả kinh tế của việc đổi tên sẽ rất nhỏ nếu so sánh với thách thức kinh tế mà người dân đang phải đối mặt.
Nỗ lực phục hồi du lịch
Ngành du lịch chịu tác động rõ rệt do xung đột tại Ukraine, khi lượng du khách quốc tế đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021 phần lớn là người Nga, Đức và Ukraine. Ankara kỳ vọng kế hoạch định hình lại thương hiệu quốc gia sẽ thúc đẩy ngành du lịch, góp phần vào quá trình phục hồi nền kinh tế.
Firat Solakm, người điều hành một công ty du lịch ở Antalya - thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Địa Trung Hải - hồi tháng 5 cho biết xung đột và lệnh đóng không phận với các hãng hàng không của Nga đã khiến tình hình du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ thêm ảm đạm.
Chợ gia vị Spice Bazaar là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch khi đến Istanbul. Ảnh: BBC. |
“Thông thường vào thời điểm này, chúng tôi đã có những đơn đặt chỗ cho tháng 7 và tháng 8, nhưng hiện giờ hầu như không có du khách Nga đặt chỗ”, ông Solakm nói với DW.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ đã có những chiến dịch thu hút du khách, lượng khách từ Nga vào tháng 3 giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Deniz Ugur, Giám đốc công ty lữ hành Bentour, ước tính lượng khách Nga du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khoảng 1,7 triệu người - một phần ba so với 4,7 triệu người hồi năm 2021.
Nước này kỳ vọng lượng du khách từ các nước khác sẽ phần nào bù đắp, song không nhiều chuyên gia tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bù đắp vào sự thiếu hụt du khách Nga và Ukraine trong năm nay.