Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thổ Nhĩ Kỳ bắt tướng tham gia đảo chính ở căn cứ Mỹ sử dụng

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/7 thông báo bắt một tướng không quân cấp cao bị cáo buộc tham gia cuộc đảo chính quân sự cùng nhiều sĩ quan khác tại căn cứ do Mỹ sử dụng.

Toàn cảnh đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ trong video 150 giây Tận dụng lúc tổng thống đi công tác nước ngoài, một nhóm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát động đảo chính vào đêm 15/7, nhưng âm mưu nhanh chóng bị dập tắt sau một ngày.

Đài truyền hình NTV dẫn thông báo của Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cho biết, lực lượng an ninh nước này đã bắt khoảng 6.000 người liên quan đến vụ đảo chính thất bại xảy ra đêm 15/7.

Nhật báo Hurriyet đưa tin Thiếu tướng không quân Bekir Ercan Van cùng hơn 10 sĩ quan cấp thấp hơn cũng nằm trong số những người bị bắt. Họ bị bắt tại căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người này bị cáo buộc tham gia vụ đảo chính quân sự nhằm chiếm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan diễn ra đêm 15/7. Họ đang bị các nhà điều tra thẩm vấn.

Một quan chức nói với AFP rằng, chính phủ tình nghi căn cứ Incirlik có thể được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu mà lực lượng nổi dậy triển khai trong đêm đảo chính.

Tho Nhi Ky bat nguoi tham gia dao chinh anh 1
Máy bay F-16 của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Incirlik là căn cứ quan trọng mà quân đội Mỹ đang sử dụng trong chiến dịch không kích tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép việc Mỹ hoạt động tại căn cứ này từ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngay sau vụ đảo chính, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa toàn bộ căn cứ, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Nước này cũng cấm hoạt động đối với mọi máy bay quân sự và cắt nguồn điện nối tới Incirlik, khiến chiến dịch không kích IS của Mỹ bị gián đoạn.

Tho Nhi Ky bat nguoi tham gia dao chinh anh 2
Đồ họa: Hiền Đức

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/7 cũng phát lệnh truy nã đối với đại tá Ali Yazici, trợ lý quân sự thân cận nhất của Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, quân đội chưa nêu rõ vai trò của ông Yazici trong vụ đảo chính vừa qua.

Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế sau vụ đảo chính để tránh khiến tình hình bất ổn thêm. Ông Obama cũng cảnh báo đồng minh rằng những phát biểu ngầm định Mỹ can dự vào vụ đảo chính là "hoàn toàn sai lệch" và có thể ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước.

Quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ những năm gần đây không êm ả do Washington chỉ trích cách cai trị cứng rắn của Ankara. Ngay sau vụ đảo chính, tổng thống và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là người đứng đầu vụ việc.

"Những quốc gia nào ủng hộ Gulen sẽ bị xem là trong tình trạng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ", Thủ tướng Binali Yildirim nói, đồng thời thúc giục Mỹ trục xuất giáo sĩ Gulen.

Tổng thống Erdogan cũng yêu cầu Mỹ bắt và dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Erdogan khẳng định ông Gulen đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đảo chính.

Giáo sĩ Gulen hiện sống ở bang Pennsylvania tại Mỹ. Ông từng kêu gọi tiến hành những vụ lật đổ và ám sát trong quá khứ. Tuy nhiên, ông không chỉ trích đích danh Tổng thống Erdogan cố ý đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào hoàn cảnh hỗn loạn.

Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm 15/7 nhằm chiếm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan. 265 người đã thiệt mạng trong những vụ đụng độ và hàng nghìn người bị bắt.

Sáng 16/7, chính phủ tuyên bố tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ chưa trải qua cuộc đảo chính nào kể từ thập niên 1980 đến nay. Nhiều người nói họ không muốn đất nước lại rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Mỹ phủ nhận liên quan đến âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Obama ngày 16/7 nói Thổ Nhĩ Kỳ không nên nghi ngờ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính quân sự vừa xảy ra, sự việc cũng khiến chiến dịch không kích IS của Mỹ bị gián đoạn.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm