Tân Hoa Xã đưa tin robot tự hành Thỏ Ngọc đã rời khỏi phi thuyền Hằng Nga 3 để thám hiểm cao nguyên núi lửa Sinus Iridum sau khi phi thuyền đáp thành công xuống bề mặt của mặt trăng vào tối 14/12. Hằng Nga 3 mất khoảng 12 phút để hoàn thành cú hạ cánh xuống một khu vực tương đối bằng phẳng và hướng về phía trái đất.
Với cú hạ cánh thành công của Hằng Nga 3, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới thực hiện thành công cú đổ bộ của phi thuyền trên mặt trăng - nghĩa là nỗ lực đổ bộ hoàn thành mà không làm hư hại bất kỳ thiết bị nào mà nó mang theo. Trước đây Mỹ và Liên Xô cũ là hai nước duy nhất từng đưa phi thuyền lên mặt trăng. Lần đổ bộ gần nhất lên mặt trăng - do Liên Xô thực hiện - đã diễn ra vào năm 1976.
Hình minh họa robot Thỏ Ngọc (thiết bị nhỏ hơn và có ăng-ten chảo) rời khỏi phi thuyền Hằng Nga 3 sau khi chúng đáp xuống mặt trăng vào tối 14/12. Ảnh: Tân Hoa Xã |
"Ngày nay đổ bộ lên mặt trăng vẫn là một thách thức lớn về phương diện kỹ thuật. Ở một nơi như mặt trăng, bạn không thể dùng dù hoặc một thứ tương tự để đáp xuống, vì không khí chẳng tồn tại trên đó. Bạn phải dùng động cơ tên lửa để đáp xuống. Trong quá trình đáp bạn phải đảm bảo rằng phi thuyền duy trì một góc hợp lý so với mặt phẳng và tốc độ cũng phải phù hợp. Ngoài ra bạn cũng phải đảm bảo rằng phi thuyền sẽ không đáp xuống một tảng đá lớn", Peter Bond, biên tập viên của tạp chí Công nghiệp và Hệ thống Vũ trụ Jane's, bình luận.
Những tấm pin mặt trời của Hằng Nga 3 đã mở ra để tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Ăng-ten của nó cũng dựng lên để truyền hình ảnh về địa cầu.
Với khối lượng 120 kg, Thỏ Ngọc có thể di chuyển với tốc độ 200 m mỗi giờ và leo dốc có độ nghiêng 30 độ. Nó và phi thuyền hoạt động nhờ năng lượng mặt trời, song cũng mang theo lò phản ứng hạt nhân để giữ ấm trong những đêm giá lạnh trên mặt trăng. Hằng Nga 3 và Thỏ Ngọc sẽ chụp ảnh lẫn nhau trong ngày 15/12.
Bức ảnh về cao nguyên núi lửa Sinus Iridus do phi thuyền Hằng Nga gửi về sau khi đáp xuống mặt trăng vào tối 14/12. ẢNh: AP |
Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng nhiệm vụ chính của việc đổ bộ lên mặt trăng là thử nghiệm những công nghệ mới, thu thập dữ liệu khoa học và tích lũy kiến thức. Thỏ Ngọc cũng sẽ tìm kiếm những khoáng sản mà Trung Quốc có thể khai thác trong tương lai.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B đưa phi thuyền Hằng Nga 3 lên vũ trụ vào ngày 2/12.
Mặc dù thua xa Mỹ và Nga về công nghệ và kinh nghiệm, chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong một thời gian ngắn. Bắc Kinh đưa phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ trong năm 2003, trở thành nước thứ ba sau Mỹ và Liên Xô thực hiện chuyến du hành có người trong không gian. Vào năm 2006 họ phóng phi thuyền không người lái đầu tiên lên mặt trăng. Trung Quốc muốn lập trạm vũ trụ riêng vào năm 2020 và đưa người lên mặt trăng sau thời điểm đó.
Video mô phỏng chuyến bay của phi thuyền Hằng Nga và robot Thỏ Ngọc
Video: YouTube |