Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thơ giống nguyên câu có phải đạo thơ?

Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 81 (tháng 7 và 8/2015) đăng một bài thơ gây tranh luận trong giới văn nghệ địa phương rằng có thể gọi là đạo thơ hay không?

Bài thơ Tự bạch của tác giả Phan Huy dài 28 câu, thể lục bát. Những câu gây tranh cãi nằm trong cặp: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/Đung đưa cánh võng trưa hè ầu ơ” và “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Thì làm trọn kiếp con tằm nhả tơ”.

Câu "Gió Lào thổi rạc bờ tre" giống y câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong bài Tiếng Nghệ: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn” (Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi, NXB Văn học 2002).

Còn câu "Đã mang lấy nghiệp vào thân" là của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".

Bìa tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 81 có in bài thơ Tự bạch ở trang 42.
Bìa tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 81 có in bài thơ Tự bạch ở trang 42.

Các nhà văn và nhà thơ ở Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ đang có hai luồng ý kiến. Một cho rằng như thế là đạo thơ, số khác bảo không nên đao to búa lớn.

Nhà văn Lê Xuân Bột gay gắt: “Theo tôi là đạo thơ của Nguyễn Bùi Vợi và Nguyễn Du”. Nhà thơ Nguyễn Thanh Toàn trầm tĩnh: “Có thể ông Phan Huy không cố tình, do đọc lâu quá, không còn nhớ của ai, viết ra đến đó lắp vào. Đúng là không hay ho gì và tác giả nên cẩn thận hơn, tuy nhiên cũng đừng quá đao to búa lớn”.

Ông Phan Huy giải thích với PV Tiền Phong: “Sử dụng câu thơ của Nguyễn Du mà không chú thích rõ, đó là sai sót của tôi. Còn câu thơ giống của ông Nguyễn Bùi Vợi, quả thật tôi không biết câu thơ của ông Vợi, chưa từng đọc bài thơ của ông Vợi. Dân Hà Tĩnh thì gió Lào và bờ tre xơ xác đã ở trong máu thịt, mạch chảy cảm xúc như thế”.

Một lúc, ông Phan Huy nói tiếp: “Tôi thừa nhận, sử dụng câu thơ của Nguyễn Du như thế là sai sót không đáng có. Lúc làm bản thảo, tôi đã nghĩ phải chú thích rõ nhưng lu bu rồi lại quên”.

Ông nhắc đến việc in bài Tự bạch trong tập thơ Giữa hai dòng trong đục, xuất bản hơn 8 năm trước. Nhưng Tự bạch in tạp chí Văn nghệ Cần Thơ tại sao vẫn lặp lại sai sót? Ông Phan Huy nói: “Tôi gửi mấy bài chứ không phải một, cũng quên sửa sai sót. Dứt khoát sau này, nếu tái bản tập thơ, tôi sẽ sửa”.

Tức thì, ông Lê Xuân Bột phản bác, nói rằng mới đây, ông Phan Huy xuất bản tập thơ Xẻ đôi ngọn gió, đăng lại bài Tự bạch và vẫn đạo thơ như trước mà không sửa gì cả. Tập thơ Xẻ đôi ngọn gió, NXB Hội Nhà văn, tháng 8/2015, bài Tự bạch ở trang 45, 46 và 47. Ông Bột viện dẫn luật bản quyền để bảo vệ ý kiến của mình và kêu gọi: “Bây giờ có luật bản quyền rồi, mọi người hãy sống và làm việc theo pháp luật để xã hội tốt đẹp hơn”.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/tho-giong-nguyen-cau-co-phai-dao-tho-924078.tpo

Theo Sáu Nghệ/Báo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm