- Thưa ông, dư luận rất bất ngờ, vì sao nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại là một trong những người lên tiếng rất gay gắt về sự việc Phan Huyền Thư “đạo thơ” của Phan Ngọc Thường Đoan mấy ngày qua. Ông có thể giải thích lý do về thái độ của mình?
- Tôi rất yêu văn chương nghệ thuật. Từ những năm trong chiến tranh, những tháng ngày tôi kiếm ăn lần hồi mong giàu có ở xứ người, thi ca và văn học giúp tôi đỡ cô đơn.
May sao, con người khốn nạn và lấm láp này được nuôi dưỡng với những tiếng đàn và bức tranh của một họa sĩ Đông Dương, và khi tôi gặp Bế Kiến Quốc, người bạn ấy đã thắp lên, khởi sáng ngọn lửa âm ỉ cháy trong tâm hồn tôi: Văn thơ phải hướng về những phần sáng của cuộc đời.
Vì thế ở vụ chị Nguyễn Phan Quế Mai tôi im lặng, dù anh bộ đội kia làm tôi thương lắm. Nhưng theo dõi vụ việc của Buổi sáng và Bạch lộ, bắt đầu từ khi nhà thơ Phan Huyền Thư có dấu hiệu thất tín, thiếu nghiêm túc, đứng đắn với nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, thì tôi cảm thấy phải có trách nhiệm xông vào cuộc. Tính tôi là thế, nghĩ kỹ khi hành động, đã làm không run sợ và chiến đấu tới cùng.
Tôi biết việc này rất khó khăn khi mà sự xảo trá ở xã hội ta bấy nay đã có "đẳng cấp". Nhưng tôi vẫn tin vào chân lý: cái thiện sẽ chiến thắng! Đây là thái độ của một người coi danh dự của thi ca, văn học là trách nhiệm cần giữ gìn, chứ không nhằm vào thân xác cụ thể nào. Nếu chị Thường Đoan có biểu hiện làm nhơ bẩn thi ca tôi sẽ không ủng hộ. Đơn giản thế.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: "Tôi tin cái thiện sẽ chiến thắng." |
- Ông từng tuyên bố sẽ đưa ra những bằng chứng để chứng minh Phan Huyền Thư “đạo thơ”. Nhưng sau khi cuộc họp của Hội Nhà văn Hà Nội kết thúc vào chiều tối ngày 20/10 cũng như đọc bức “tâm thư” của Phan Huyền Thư, ông lại lựa chọn không đưa các thông tin này ra nữa. Tại sao thưa ông?
- Thực ra sau thông tin của Hội nhà văn Hà Nội và bức thư của Phan Huyền Thư tôi vẫn rất buồn và bực. Bởi rõ ra là, Phan Huyền Thư xin lỗi, xin rút giải là một vế, nhưng vế thứ hai, Phan Huyền Thư chưa nhận rõ nhiều chi tiết trước đó của chị đã bất nhất, không "bạch lộ" và thiếu chân thành.
Chính điều đó làm câu chuyện phức tạp và nhà thơ Thường Đoan buồn cũng như rất nhiều công chúng nổi giận. Ba giờ sáng, tôi thức dậy ngồi vào bàn viết định thực hiện lời hứa với các bạn văn, bạn facebook, và chính báo Zing... Nhưng viết gần xong thì chim hót vang lừng trên giàn khế đang đơm trái, tôi chợt nghĩ, nếu con gái tôi như cô Thư hay vợ tôi như chị Thư, tôi sẽ xử lý ra sao? Các con chữ bỗng nhạt thếch.
Người phụ nữ Phan Huyền Thư đang bấn loạn. Chị đã sai lầm liên tục, kể cả sai lầm cuối cùng khi không tới Hội Nhà văn Hà Nội... Tôi hy vọng và tin rằng, sẽ có một ngày Phan Huyền Thư tự sám hối, điều sám hối có khi chỉ mình cô biết. Vậy tôi làm thêm gì nữa khi mọi sự cần khép lại cho thời gian xóa đi những nỗi đau đâu chỉ riêng ai?
- Nhưng sau cuộc họp của Hội Nhà văn Hà Nội, không ít ý kiến cho rằng cách xử lý của hội chưa “hợp tình, hợp lý” (theo cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) vì thực tế chị Thư chưa công nhận mình “đạo thơ”. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Vài người chưa hiểu nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng như chưa dùng hết suy đoán logic trên nhiều chiều chứng lý để nhận ra vì sao Hội nhà văn Hà Nội xử lý như vậy.
Tôi thấy việc ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội quyết định vậy là đúng, nghiêm khắc. Còn chẻ hoe ra đến cạn kiệt thì nỗi buồn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nhân đây tôi nói rằng, nhìn vào phát biểu của ông Thiều đừng nghĩ một chiều. Hội Nhà văn Hà Nội có quyền làm như thế ở sự đồng thuận và bàn bạc của tập thể, còn ông phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có yêu cầu của ông ấy, trong một thẩm quyền cao hơn và dưới những tầng chữ của ông Thiều, tôi đọc thấy một tinh thần rất nghiêm khắc, không hề xoa dịu. Ở nhiều chiều của một hiện tượng ứng xử, hay một văn bản, ta nên tước bỏ những ngôn từ, lắng nghe điều cốt tử của văn bản, đấy là tinh thần công án.
Văn chương Việt Nam mấy năm gần đây đã thiếu tác phẩm lại thường nóng lên vì những chuyện không hay ho như "đạo", "mượn". |
- Ông đã từng tiếp cận các sản phẩm văn chương của Phan Huyền Thư chưa, đặc biệt là mảng sáng tác thơ? Ông đánh giá thế nào về phong cách của nhà thơ này?
- Tôi là người đọc tập thơ đầu tiên của Phan Huyền Thư từ rất sớm. Ngày ấy cô Thư mới ra trường, đưa tập thơ cho tôi, cô Thư nói: “Trong tay bác Nguyễn Trọng Tạo hơn năm chưa in được." Tôi nhận tập thơ ấy để thẩm qua tay em trai tôi, đạo diễn Nguyễn Thước. Xem xong, tôi nói với Thước, cô này rất thông minh, giàu năng lực tư duy thơ hiện đại.
Tôi là người mang tập thơ ấy đến giới thiệu với các các anh ở NXB Hội nhà văn. Và họ nhận lời in nhưng cần biên tập. Sau này in ra sao, thế nào tôi không chú ý nữa.
Sang Đức, tôi thường đọc báo đủ loại, nhất là các tạp chí văn học từ Mỹ, Pháp, Canada... Thi thoảng, thấy người ta in một chùm 2 bài hay 1 bài của Thư. Rộ lên từ sau 2001, 2002.
Thơ Phan Huyền Thư ở tập Nằm nghiêng là khá, có bàn tay kì ảo của Lê Đạt. Khi đó thơ Thư sớm làm quen với sự duy lý ở thơ hiện đại, song vẫn giữ cảm xúc còn trong sáng.
Nhưng sự vật không bao giờ dừng lại! Thơ cô ấy ngày càng xảo chữ, đưa vào nhiều cặp mệnh đề, khi là ám chỉ giàu gợi mở, khi là những cảm xúc tưởng như mạnh dạn, làm câu thơ thiên về xu hướng nhục cảm bản năng.
Nghệ thuật là sự phát triển với những tìm tòi khác nhau. Tôi tôn trọng sự khai thác có tính cá thể từng tác giả. Nhưng thơ Thư những năm gần đây nặng về kỹ xảo, tự làm lộ ra sự xơ cứng của thời đại intenet và máy móc, không còn cái nhi nhiên, mà theo tôi thơ dù hiện đại đến đâu cũng không thể thui chột.
Dù sao, cũng là một phong cách, nếu không tựa vào tứ của ai đó, câu của ai đó, một điều gì thật mới lại không phải của Thư, chắc cô ấy sẽ bay rất cao.
- Người ta quan niệm rằng “văn” là phải đi kèm với “nhân”. Nhưng rõ ràng ở sự việc này, “nhân” đã sai dẫn đến “văn” dù hay đến mức nào cũng vô giá trị.
Theo ông, có phải vì những thực trạng như thế này khiến cho văn đàn Việt Nam mấy thập niên gần đây không có được những dấu ấn thực sự về tác phẩm mà chỉ quanh quẩn với những lùm xùm “đạo”, “mượn” đáng buồn?
- Nói như vậy chưa chuẩn. Hội Nhà văn hiện tại có hơn ngàn hội viên. Đấy là chưa tính cả ngàn nữa ngoài hội làm thơ và viết văn chỉ để chơi trên facebook. Rất nhiều nhà văn già và trẻ đang lao động thực sự đấy thôi. Tài năng vẫn rèn rũa tỏa sáng trong lao động khủng khiếp, nghiệt ngã đúng với tinh thần: dân tộc và hiện đại.
Sự quẫy đạp đòi hỏi sức sáng tạo đáng khâm phục của những tấm gương như nhà văn Nguyễn Bản, lương hưu chỉ 3 triệu, vẫn ngày đêm âm thầm viết và dịch, đọc và ngẫm, để trò chuyện với lớp đàn em như tôi. Sao không nhìn vào Nguyễn Xuân Khánh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú... từ già tới trẻ, để thấy họ lao động, lao tâm vô cùng cho chữ Nhân sáng ngời trong nhiều sáng tác nối nhau liên tục của họ?
Thời đại thông tin intenet với facebook nhanh truyền để “đạo" và "mượn" ầm lên, chứ họ là thiểu số rất nhỏ nhoi. Tất nhiên là người thì ai chả có lúc này lúc khác, nhưng tôi vẫn lạc quan tin vào lòng nhân mỗi khi văn nhân cầm lấy bút. Nhưng quả thực sự tác động của thiểu số ấy cũng ít nhiều ảnh hưởng tới chính các nhà văn và dư luận xã hội.
Tôi cũng có lúc chán không muốn viết nữa... Nhất là khi tôi rơi vào tâm lý, trạng thái không chiến thắng được bản năng để khởi một suy nghĩ cay độc, chua chát lóe lên trong tâm can.
Tôi cho là, sự đánh giá chưa thực khách quan ở các hội đồng văn học hiện nay làm mỏi mòn không ít những mầm tài. Còn chúng ta cũng thực sự chưa có nhân tài lớn trong cái Nhân lớn lao để làm ra Văn kì vĩ. Chỉ còn biết chờ đợi chăng?