Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thơ duy trì thế đứng của con người trong thế giới

Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các loại hình nghe nhìn mới làm phong phú đời sống tinh thần con người. Tuy vậy, thi ca vẫn có vị thế riêng.

Ngày thơ Việt Nam trở lại tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội ngày 5/2. Nhiều hoạt động đang diễn ra thu hút đông đảo người yêu thơ. Trong đó, tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” thu hút sự tham gia tranh luận của nhiều nhà thơ, nhà phê bình, bàn về thơ Việt cùng những vấn đề hiện hành và hướng sáng tác thơ hay.

‘Những câu thơ không chịu bằng phẳng’

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định ý nghĩa của thơ ca trong cuộc sống: “Tôi nghĩ thơ là để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Một thế giới đẹp, lộng lẫy nhưng không kém chông gai… Đối với người dân Việt Nam chúng ta, thơ đã trở thành lời ăn tiếng nói; thơ góp phần quan trọng vào sự hình thành, tồn tại và phát triển dân tộc ta”.

Theo ông Nguyễn Bình Phương, sau thời bao cấp, con người có cuộc sống sung túc hơn, nhưng lại đối diện với vấn đề mới. Chưa bao giờ, con người phải đối mặt với nhịp sống nhanh, căng thẳng, sự cạnh tranh mạnh mẽ như bây giờ.

“Thế giới vẫn đẹp, nhưng dường như giờ ta không nhìn ra cái đẹp, cái long lanh nữa. Tôi tin rằng không phải vì chủ thể mà vì nhãn quan mỗi người chúng ta đã bị phủ lên một lớp màng thực dụng”, Phó chủ tịch Hội Nhà văn nói. Ông đặt ra câu hỏi liệu thơ ca sẽ xé lớp màng thực dụng, giúp con người nhìn ngắm thế giới long lanh như vốn có thế nào.

Nhà thơ Trần Anh Thái nhận định thơ nay mang hơi thở mới, nhiều cách thể hiện lạ, không giống ai, vừa khám phá bản thân, vừa phản ánh xã hội. Dù vậy, ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về đội ngũ người làm thơ đông, thơ in rất nhiều, cùng với đó là một lượng không nhỏ thơ chất lượng thấp tràn lan trên thị trường.

xu huong tho ca anh 1

Từ trái qua phải: nhà thơ Trần Anh Thái, nhà phê bình Văn Giá, nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: MH.

Bàn về bộ mặt thơ đương đại, nhà phê bình Văn Giá cho rằng thơ hiện nay rất đa dạng nhưng cũng có sự phân hóa cao. Dù mọi tác giả đều cố hướng đến giá trị lớn và những cái cao quý của thơ ca, chất lượng mặt bằng thơ đương đại cũng gây nhiều tranh cãi.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng khi sáng tạo thi ca, điều đáng quan tâm nhất chính là phẩm chất thơ luôn phải hướng tới đời sống nhân sinh hôm nay, hướng tới những vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc, sống còn của con người hiện đại và hướng tới tình yêu quê hương đất nước trong cội nguồn dân tộc Việt. "Với tôi, đấy chính là phẩm chất của ngôn ngữ thơ hôm nay, là điều cốt yếu của thơ đích thực, là thứ thơ phải tạo nên được một trường thẩm mỹ mới về mặt mỹ học văn học với các vẻ đẹp mang chiều sâu của cảm xúc, ngôn từ, hình ảnh, thanh âm, ngữ điệu, hình tượng và tư tưởng của con người hôm nay”, tác giả Tổ quốc nhìn từ biển nói.

Ông Nguyễn Việt Chiến cho rằng các nhà thơ hiện nay đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những thân phận người - điều mà ít năm trước, nhiều nhà thơ còn né tránh.

Bằng cách phá vỡ sắc cạnh của lý trí và xuôi theo cảm xúc trái tim, các nhà thơ hiện nay chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, khiến độc giả cảm thấy gần gũi và đồng cảm, không bị áp đặt bởi một chủ thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái hiện từ những chất liệu đời thường.

Nhà thơ nói: “Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật dậy những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức còn đang khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời”.

Ông nhận định thơ hiện nay gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần với tâm tư con người, nghiêng về những cá thể và là tiếng nói thân phận. Các nhà thơ nay đã chủ động hơn, thẳng thắn chia sẻ những tầng sâu cảm xúc riêng. Dù vậy, ông Nguyễn Việt Chiến cũng không khỏi băn khoăn rằng liệu cảm xúc riêng có thể trở thành cảm xúc chung, tìm được sự cộng hưởng tri âm trong lòng công chúng.

Bên cạnh đó, theo nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, nhiều tác giả chọn viết theo hướng có sự kế thừa truyền thống thơ ca, dù vậy, họ không quan tâm nhiều đến chuyện phát triển tầm vóc của thơ, không góp phần nâng tầm thưởng thức thơ của bạn đọc.

Nhà thơ nhận định: “Cũng có những tác giả tìm tòi, sáng tạo, cố tách ra khỏi xu hướng này nhưng hầu như không có sự đột phá”.

Ông cho rằng phần đông tác giả sáng tác thơ đại chúng có xu hướng “vuốt ve, thỏa mãn những thị hiếu bình dân của đông đảo bạn đọc hôm nay” thì đạt được nhiều thành công hơn. Theo quan điểm của ông, kiểu thơ này tạo nên diện mạo thơ Việt Nam ngày hôm nay.

Nghịch lý thơ nhiều, ít thơ chất lượng

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng hiện nay, thị trường thơ có một nghịch lý; đó là người làm thơ ngày một tăng, lên đến đơn vị hàng vạn, nhưng người đọc lại giảm đi, giảm chưa từng có. “Tài năng ở đâu ra mà nước ta lại may mắn hơn thiên hạ đến thế?”, ông Vũ Quần Phương đặt câu hỏi.

Ông cho rằng hiện thực thị trường ai cũng thấy được: Số lượng câu lạc bộ thơ tăng chóng mặt, số lượng thơ in tăng đến 50 lần so với trước. Dù vậy, “Văn chương cần hay chứ không cần nhiều. Mười cái điểm 1 không thay thế được một cái điểm 10” là nhận định của nhà thơ này.

Ông cho nguyên nhân là công tác biên tập thiếu chọn lọc, giới xuất bản không chỉ dẫn cho độc giả biết chọn lọc thơ hay, nhà phê bình thì khen suông nhiều hơn là phân tích, bóc tách thơ, để độc giả tìm ra thơ hay. Các câu lạc bộ thơ hiện cũng tràn lan, hoạt động năng nổ, in thơ nhiều; nhưng các câu lạc bộ thơ không có hại, cái có hại là khi thơ từ câu lạc bộ được đem in một cách dễ dãi.

Nhà thơ đề xuất áp dụng biện pháp điều chỉnh giá sách theo chất lượng tác phẩm và có tác động tích cực đến chất lượng tác phẩm.

TS Nguyễn Thanh Tâm nhận xét rằng văn hóa thơ đang bị suy thoái, giá trị phổ quát đang bị suy thoái. Ông cho rằng cả người làm thơ lẫn độc giả thơ dễ dãi nên thứ thơ dở dễ phát triển.

xu huong tho ca anh 2

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: MH.

Lập trình những suy tưởng mới cho thơ hiện đại

Bàn về vấn đề trong thơ hiện đại, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chỉ ra rằng làng thơ Việt Nam thời gian qua có nhiều bài thơ vui “rất giả”, buồn “cũng giả”. Ông nói: “Thứ ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng giả làm người đọc khó chịu. Phải chăng độc giả của thơ ngày một ít cũng bởi lẽ đấy?”.

Ông cho rằng trong quá trình đổi mới thơ, nhiều tác giả đã đem đến một thứ thơ mù mờ, rắc rối, không xây dựng nên được một cách sáng rõ và nhân bản những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá thể sống.

Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Theo ông Nguyễn Việt Chiến, cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ mà nên hướng tới một phát hiện về khía cạnh suy tư. “Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ”.

Có một số nhà thơ đương đại đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để thay đổi nội dung trình diện của các bài thơ, để làm cho những con chữ thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đoán định đây cũng là một hướng cách tân của thơ đương đại: xem trọng sự đổi mới về chất lượng suy tưởng của nội dung hơn là sự đổi mới về mặt hình thức nghệ thuật câu chữ trong thơ.

Nhà thơ kết luận: “Nếu coi mỗi bài thơ là một sinh thể thi ca, ta sẽ nhận thấy: Cảm xúc chính là phần da thịt tươi mới, màu mỡ, sống động của sinh thể thơ; Ý tưởng là phần xương cốt tư duy vững chắc của sinh thể thơ; còn Tứ thơ chính là cái hồn của sinh thể thơ ấy… Một bài thơ đích thực trước tiên phải có đủ 3 yếu tố: cảm xúc, ý tưởng và tứ thơ”.

Lễ hội thơ ca trở lại, chuyển địa điểm sang Hoàng thành

Sau hai năm gián đoạn vì Covid-19, Ngày thơ Việt Nam năm nay trở lại với mong muốn đưa thơ ca đến gần hơn với đời sống.

Thanh lọc thơ dở với những giải thưởng chất lượng

Theo ông Đoàn Văn Mật, Trưởng ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hiện nay thơ dở tràn lan trên thị trường, những giải thưởng sẽ giúp độc giả biết để chọn thơ chất lượng.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm