Thổ dân quyết bảo vệ rừng Amazon 'đến giọt máu cuối cùng'
Thứ bảy, 24/8/2019 11:31 (GMT+7)
11:31 24/8/2019
Hơn 18.000 thổ dân Mura sống tại Amazonas, bang có diện tích rừng Amazon lớn nhất Brazil. Các bộ tộc người bản địa thề sẽ sống chết để bảo vệ rừng thiêng.
Cháy rừng tại Brazil tăng gần 80% từ đầu năm 2019 đến nay so với cùng kỳ năm 2018, đạt mức cao kỷ lục kể từ khi Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INEP), cơ quan hàng không vũ trụ của Brazil, bắt đầu theo dõi vào năm 2013. Giới chuyên gia bắt đầu lo sợ cháy rừng và nạn phá rừng sẽ cướp đi mái nhà những bộ lạc thổ dân Amazon. Ảnh: Reuters.
Thổ dân Mura tuần qua đã kêu gọi truyền thông quốc tế báo động về tình trạng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang bị phá hủy với tốc độ kinh hoàng. Trong những hình ảnh được truyền thông ghi lại, các thành viên bộ lạc dùng sơn đỏ cam để hóa trang theo phong tục và cầm cung dài truyền thống với hy vọng thu hút thêm sự chú ý của quốc tế về bảo tồn rừng Amazon. Ảnh: Reuters.
Riêng tại bang Amazonas, địa phương có diện tích rừng lớn nhất tại Brazil, có hơn 18.000 thổ dân Mura đang sinh sống, theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Instituto Socioambiental. Các thành viên một bộ lạc đã dẫn phóng viên quốc tế đến xem một khoảnh rừng bị tàn phá có diện tích bằng nhiều sân bóng đá. Dấu vết xe ủi vẫn còn in rõ trên mặt đất. Ảnh: Reuters.
Nhiều nhà hoạt động bảo vệ môi trường đánh giá tình trạng rừng Amazon bị thiêu đốt và tàn phá với tốc độ chóng mặt có bàn tay của Tổng thống Jair Bolsonaro. Chính trị gia cực hữu đắc cử cuối năm 2018 nới lỏng luật bảo vệ môi trường, cắt giảm ngân sách bảo vệ rừng. Ông cổ súy khai thác gỗ, đào khoáng sản và biến rừng thành đất nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: AFP.
"Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại nhìn thấy quá trình hủy diệt rừng tăng nhanh, từ nạn phá rừng, lấn chiếm đến chặt cây lấy gỗ", Handerch Wakana Mura, thủ lĩnh một bộ lạc có khoảng 60 thành viên, chia sẻ. "Chúng tôi rất đau buồn khi nhìn thấy rừng chết dần. Chúng tôi cảm thấy được khí hậu đang thay đổi. Thế giới cần rừng". Ảnh: Reuters.
Nạn phá rừng tại Amazon tăng gần 67% trong 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Người Mura nói họ cố gắng chống cự nhưng không đủ sức đánh lại những nhóm lâm tặc. Cuối tháng 7, nhiều nhóm bảo vệ môi trường Brazil đã báo động về vụ việc một nhóm thợ đào vàng có vũ trang đánh đuổi thổ dân để chiếm rừng. Ảnh: Reuters.
Nạn phá rừng bắt đầu tăng mạnh ở khu vực thổ dân Mura sinh sống khoảng 4 năm trước. Mãi đến năm 2018, giới chức bang Amazonas mới bắt đầu triển khai lực lượng đuổi lâm tặc và thợ khai thác đá. Gần nơi bộ lạc của Handerch Wakana Mura sinh sống, một đường lớn vừa được tráng. Lâm tặc chỉ chạy qua phía bên kia đường để tiếp tục đốn cây. Ảnh: Reuters.
Thổ dân Mura cũng vừa phát hiện một con đường mòn mới được phát quang trong khu rừng của mình. Lâm tặc bỏ lại cưa máy lẫn mã tấu ngay trên nền đất. Thổ dân nói đó là đường mòn phá rừng, dấu hiệu cho thấy lâm tặc đang nhắm đến một bãi khai thác mới. Ảnh: Reuters.
Tuyến đường mòn lâm tặc lần này nằm gần khu vực mà người Mura hái hạt, một trong những nguồn lương thực truyền thống chủ yếu của thổ dân tại vùng. Thủ lĩnh các bộ lạc đang lên kế hoạch gửi đơn khiếu nại gồm Bộ Môi trường Brazil và các cơ quan công tố, hy vọng lực lượng chức năng lại được triển khai đuổi đánh lâm tặc. Ảnh: Reuters.
Trong gần 20 năm qua, cộng đồng thổ dân Mura đã tìm mọi cách để thuyết phục chính quyền địa phương và liên bang thừa nhận vùng đất họ sinh sống là một khu bảo tồn người bản địa. Handerch Wakana Mura cho biết chỉ có cách đó họ mới nhận thêm được sự bảo vệ từ chính phủ. Ảnh: Reuters.
Người Mura hiểu rõ trước mắt họ sẽ là một cuộc chiến đầy cam go. Tổng thống Bolsonaro đầu năm 2019 đã tuyên bố sẽ không quy hoạch thêm đất dành riêng cho các bộ lạc người bản địa. Ông muốn đất rừng Amazon "hái ra tiền" cho Brazil. Điều đó không làm người Mura nhụt chí. "Vì rừng, tôi sẽ chiến đấu tiếp đến giọt máu cuối cùng", thủ lĩnh Raimundo Praia Belem Mura, 73 tuổi, nói. Ảnh: Reuters.
Các đám cháy tại rừng nhiệt đới Amazon đang lan nhanh kỷ lục, giới khoa học cảnh báo thảm họa này sẽ là bước lùi nghiêm trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trước hội nghị G7, Pháp và Ireland đe dọa chặn hiệp định tự do thương mại giữa châu Âu và các nước Nam Mỹ nếu Brazil không ngăn nạn phá rừng đã gây cháy kỷ lục tại rừng Amazon.