Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thợ chép nhạc phải chôn ổ cứng để đối phó với Taliban

Lực lượng Taliban kiểm soát Afghanistan khiến thợ chép dữ liệu phải chôn ổ cứng chứa nội dung nhạy cảm, tránh bị bắt.

Tho chep du lieu tim cach song sot duoi thoi Taliban anh 1

Khi Afghanistan rơi vào tay Taliban hồi tháng 8, Mohammad Yasin (21 tuổi, tên đã được thay đổi) trở về cửa hàng rồi xóa một số dữ liệu trên máy tính. Phần còn lại được chuyển vào 2 chiếc ổ cứng, bọc nhựa rồi chôn dưới đất.

Không phải người của chính phủ hay tình báo Afghanistan, cũng không lưu bí mật quốc gia trên máy tính, Yasin vẫn phải làm những việc trên để đảm bảo kinh doanh thuận lợi. Tại Afghanistan, Yasin được gọi là kar, những người chép thuê phim, nhạc, ảnh vào điện thoại của khách, một nghề phổ biến tại đất nước không có Internet ổn định.

"Tôi bán khá nhiều thứ từ phim, nhạc, ứng dụng điện thoại đến cập nhật iOS. Tôi cũng giúp tạo tài khoản Apple ID hoặc mạng xã hội, sao lưu và khôi phục dữ liệu trên điện thoại... Tôi còn có thể mở khóa điện thoại (bị đánh cắp) và cung cấp video khiêu dâm", Yasin chia sẻ.

Duy trì công việc dưới thời Taliban

Khi Taliban chiếm Herat vào ngày 12/8, Yasin và một số đồng nghiệp cho rằng lực lượng này sẽ sớm tiến vào thành phố Mazar-i-Sharif mà họ đang sống.

"Mọi thứ khá căng thẳng tại Mazar, tôi và những kar khác đã bí mật gặp nhau để tìm cách bảo vệ nội dung đang có", Yasin cho biết nhóm của anh có hàng trăm TB dữ liệu thu thập trong nhiều năm, phần lớn sẽ bị Taliban cho là tranh cãi, thậm chí phạm pháp nếu phát hiện.

Tho chep du lieu tim cach song sot duoi thoi Taliban anh 2

Một kar dùng laptop chép nhạc sang điện thoại cho khách tại Kabul (Afghanistan) năm 2018. Ảnh: Getty Images.

"Nhóm của tôi quyết định không xóa mà sẽ giấu những nội dung ấy... Chúng tôi cho rằng các chế độ tại Afghanistan có thể tồn tại rồi biến mất, nhưng công việc thì không thể dừng lại", Yasin chia sẻ.

"Mọi người giấu súng, tiền, trang sức và một số vật dụng, do đó chúng tôi không sợ khi giấu ổ cứng. Họ (Tabiban) sẽ không thể tìm thấy chúng... Tôi là chàng trai của thế kỷ XXI, trong khi hầu hết chiến binh Taliban đang sống như thời quá khứ", Yasin nói với MIT Technology Review.

Nghề phổ biến do Internet kém ổn định

Chưa đầy 20 năm sau khi cựu Tổng thống Hamid Karzai thực hiện cuộc gọi đầu tiên, 23 triệu người đã sử dụng điện thoại di động tại Afghanistan, đất nước có chưa tới 39 triệu dân.

Dù vậy, Internet vẫn chưa phổ biến khi đến đầu năm 2021, chưa tới 9 triệu người dùng Internet tại Afghanistan. Lý do phần lớn đến từ an ninh nghiêm ngặt, chi phí cao và cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Đó là cách những kar như Yasin xuất hiện khắp đất nước để chép thuê phim, nhạc, hình ảnh cho khách. Những nội dung được kar tải sẵn từ Internet, hoặc thu thập bằng cách chuyển ổ cứng sang nơi khác rồi nhờ chép, còn gọi là sneakernet.

"Tôi dùng Wi-Fi ở nhà để tải một số nhạc và ứng dụng, bên cạnh 5 thẻ SIM để truy cập Internet. Tuy nhiên kết nối ở đây không ổn định, do đó mỗi tháng tôi gửi ổ cứng 4 TB đến Jalalabad, một tuần sau họ chuyển lại ổ cứng chứa phim Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, nhạc và ứng dụng", Mohibullah, một kar tại Afghanistan chia sẻ.

Khi khách hàng yêu cầu, Mohibullah sẽ chép 5 GB nhạc, phim, thậm chí các khóa học online với giá 100 afghani (khoảng 1,09 USD).

Tho chep du lieu tim cach song sot duoi thoi Taliban anh 3

Dù có lượng người dùng điện thoại lớn, Internet tại Afghanistan chưa phổ biến do hạ tầng kém phát triển. Ảnh: Reuters.

Mohibullah cũng nhận tạo tài khoản mạng xã hội, cài đặt điện thoại, laptop hoặc viết email cho khách. "Tôi bán mọi thứ, chỉ trừ '100% films' (phim khiêu dâm)". Dù vậy, Mohibullah thừa nhận vẫn chép một số "phim người lớn" cho khách quen. Hầu hết khách hàng của anh là nam, nhưng phụ nữ cũng thỉnh thoảng liên hệ để chép nhạc và phim.

Trong lúc phỏng vấn, 2 người phụ nữ bước vào cửa hàng của Mohibullah, cho biết đang tìm nhạc để phát trong đám cưới. Mohibullah chép cho họ những bản nhạc Ấn Độ mới phát hành với giá 70 afghani (khoảng 0,73 USD). Khi Taliban áp đặt lệnh hạn chế nhiều hoạt động với phụ nữ, những khách hàng như vậy không còn gặp Mohibullah để chép nhạc nữa.

Thích nghi công việc dưới chế độ mới

Yasin và Mohibullah phải thích nghi việc kinh doanh dưới chế độ mới. Họ thay thế nhạc, phim Ấn Độ, Iran bằng những bản nhạc hát chay của Taliban và kinh Qur'an. Ảnh chụp người nổi tiếng thay bằng cờ Taliban, trong khi phim khiêu dâm được giấu tại các nơi bí mật.

Các chế độ tại Afghanistan có thể tồn tại rồi biến mất, nhưng việc kinh doanh thì không thể dừng lại.

Mohammad Yasin, thợ chép dữ liệu tại Afghanistan

"Nếu họ (Taliban) tìm thấy những thứ đó, tôi sẽ bị phạt rất nặng. Họ sẽ xử tử tôi", Yasin chia sẻ. Anh thừa nhận công việc bị ảnh hưởng sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Thu nhập trung bình của Yasin và Mohibullah giảm 90%, từ 3.000 afghani (32 USD) mỗi ngày xuống dưới 350 afghani (3,8 USD). Khoản tiền trên không đủ để Yasin nuôi 5 anh chị em và cha mẹ.

Những người chạy trốn khỏi đất nước cũng gặp Yasin để sao lưu đữ liệu điện thoại vào ổ USB, tránh bị Taliban kiểm tra trên đường.

"Đó là dữ liệu cá nhân họ muốn mang theo nhưng Taliban có thể không chấp nhận. Chúng có thể chứa thông tin xác định ủng hộ chính phủ trước đây hoặc đồng minh nước ngoài, khiến họ bị bắt hoặc hành quyết", Yasin cho biết.

Tuy nhiên, chàng trai 21 tuổi khẳng định Taliban cũng sử dụng các dịch vụ này để tuyển lực lượng và truyền bá nội dung cực đoan.

Tho chep du lieu tim cach song sot duoi thoi Taliban anh 4

Smartphone được xem là thách thức mới khi Taliban kiểm soát Afghanistan sau 20 năm. Ảnh: New York Times.

"Thỉnh thoảng, một số người tiếp cận tôi để gửi những bài hát ca ngợi chiến binh Taliban hoặc video hành quyết... Họ muốn sử dụng dịch vụ để truyền bá tư tưởng trong giới trẻ, yêu cầu tôi chép ảnh cờ Taliban và chiến binh cầm vũ khí. Tôi phải làm như vậy để nuôi sống gia đình", Yasin cho biết.

Dù phải làm theo yêu cầu của Taliban, nhiều kar tại Afghanistan vẫn lén lút bán nội dung bị cấm. Họ hy vọng lấy lại doanh thu do nhiều người, bao gồm phụ nữ bị buộc ở nhà khiến nhu cầu giải trí tăng cao.

"Trong thời gian phong tỏa do dịch bệnh, nhiều người tìm tôi để chép phim hoạt hình cho trẻ em. Giờ đây khi Taliban tiếp quản đất nước và thất nghiệp tràn lan, mọi người ở nhà và có thể muốn xem phim nhiều hơn", Mohibullah chia sẻ.

Google khóa tài khoản email của chính phủ Afghanistan

Động thái này được đưa ra sau khi có dấu hiệu cho thấy Taliban khai thác thông tin từ tài khoản email của chính quyền cũ để truy tìm các cựu quan chức.

Thiết bị sinh trắc học rơi vào tay Taliban nguy hiểm như thế nào

Với 40 thông tin của một cá nhân bao gồm dữ liệu sinh trắc học, Taliban có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu của chính phủ Afghanistan, lên danh sách mục tiêu trả thù.

Sợ Taliban trả thù, nữ CEO xóa dữ liệu về nhân viên

Sara Wahedi, nhà sáng lập ứng dụng thông báo nguy hiểm Ehtesab tại Afghanistan cho biết cô đang đấu tranh để bảo vệ nhân viên của mình dưới sự kiểm soát của Taliban.

Phúc Thịnh

Theo MIT Technology Review

Bạn có thể quan tâm