Cách đây 20 năm, ở thời điểm Taliban vẫn điều hành chính quyền Afghanistan với nguyên tắc hạn chế thiết bị công nghệ cao, thế giới khi ấy đang sử dụng điện thoại di động để liên lạc, truy cập Internet từ máy tính thông qua đường dây cáp đồng và nhiếp ảnh kỹ thuật số bước vào giai đoạn sơ khai.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi bị quân đội Mỹ đánh bại, các chiến binh Hồi giáo từng né tránh công nghệ đã dùng máy bay không người lái để theo dõi mục tiêu, truyền thông điệp chính trị và điều hành hoạt động qua một mạng lưới thiết bị cầm tay.
Quyết định nắm lấy, thay vì từ chối, những tiến bộ xuất hiện trong thế kỷ 21 đã trở thành chìa khóa cho sự sống còn của lực lượng này.
Zing lược dịch bài viết của nhà báo Tim Culpan đăng trên Bloomberg, nói về quá trình chấp nhận sử dụng tiến bộ công nghệ của lực lượng Taliban và cách họ dùng nó để giành quyền kiểm soát tại Afghanistan.
Taliban đã chấp nhận thiết bị công nghệ hiện đại. Ảnh: New York Times. |
Bắt đầu từ chiếc di động Nokia
“Họ đã chuyển sang giai đoạn công nghệ cao vào khoảng năm 2007. Đó là dấu hiệu cho thấy năng lực thích ứng, học hỏi của Taliban”, Vanda Felbab-Brown, thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ tại Viện Brookings, nhận định.
Bà cho rằng Taliban đã học được cách tập trung vào truyền thông tích cực, đồng thời bãi bỏ quan niệm bài trừ công nghệ hiện đại, từng là nguyên tắc cơ bản trong những năm 1990.
Ban đầu, Taliban hình thành ở những vùng nông thôn và khu vực đồi núi hiểm trở của Afghanistan. Họ tham gia vào cuộc chiến giành quyền lực từ năm 1966, đặt mục tiêu khôi phục nhà nước Hồi giáo nguyên thủy như đế chế từng tồn tại từ thế kỷ thứ 7. Đó là mô hình quốc gia nông nghiệp tự cung tự cấp, từ chối mọi công nghệ hiện đại.
Chiến binh Taliban chụp ảnh selfie với người dân hồi năm 2018. Ảnh: EPA. |
Tuy nhiên, đến năm 2007, khi đã lún sâu vào cuộc chiến tranh với Mỹ, các thành viên Taliban sử dụng điện thoại nắp gập đơn sắc của Nokia, Motorola để đẩy mạnh tuyên truyền và theo dõi mọi người.
Felbab-Brown từng đến Afghanistan trong giai đoạn này. Bà cho biết lực lượng chiến binh gửi tin nhắn văn bản hàng loạt đến nhiều nhóm người khác nhau, kể cả nhắc nhở “nộp thuế tôn giáo”.
Một điều trớ trêu là việc Taliban tiếp cận phương tiện liên lạc hiện đại được sự trợ giúp vô tình từ Mỹ và đồng minh. Các công ty viễn thông Mỹ và đa quốc gia đã vận hành hệ thống mạng di động, trong khi các antena thu phát do lực lượng NATO xây dựng.
Phát ngôn viên thông thạo tiếng Anh của Taliban cũng thường xuyên cập nhật tin tức trên các phương tiện truyền thông phương Tây, gửi tin nhắn và những bản ghi âm trả lời phỏng vấn.
Thời kỳ đầu, Taliban là lực lượng quân sự đơn thuần, xem trọng vũ trang. Nhưng khi đối đầu với Mỹ và đồng minh - những lực lượng hiện đại về nhiều mặt - họ đã bổ sung thêm hoạt động chiến tranh tâm lý.
“Đó là nơi công nghệ đóng vai trò quan trọng. Không có cách nào để đảo ngược việc này”, Kamran Bokhari, Giám đốc Phát triển phân tích tại Viện Newlines nhận định. Ông cho rằng trước đây Taliban có thể hoạt động mà không cần công nghệ, tuy nhiên, từ sau ngày 11/9, thế giới đã thay đổi.
Sử dụng công nghệ cho chiến tranh
Taliban đã thích ứng bằng cách tiếp nhận và áp dụng công nghệ vào chiến tranh. Vào khoảng năm 2005, họ dùng một chiếc máy bay không người lái gắn camera bí mật được ngụy trang như món đồ chơi điều khiển từ xa để do thám gần biên giới Pakistan.
Không chỉ học hỏi từ kẻ thù, Taliban cũng trao đổi thông tin với những nhóm chiến binh Hồi giáo khác như al-Qaeda, ISIS và Hezbollah. Những lực lượng này dùng sức mạnh kỹ thuật số để chiêu mộ thành viên, đe dọa mục tiêu và kiểm soát tin tức.
Từ chỗ cấm đoán, Taliban chuyển qua sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp. Ảnh: AFP. |
Taliban dần phát triển khả năng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và chiến tranh thông tin trên môi trường Internet.
Ban đầu, nhóm này nhận trách nhiệm về những vụ tấn công thông qua trang web, tranh thủ phát tán tin nhắn, video đến thế giới bên ngoài trước khi các chính phủ phương Tây kịp ngăn chặn.
Đến khi mạng xã hội phát triển, họ có cách thức tuyên truyền nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa: quay video bằng điện thoại, gửi qua email cho những người ủng hộ hoặc các hãng thông tấn quốc tế, sử dụng các nền tảng chia sẻ thông tin, liên lạc phổ biến như YouTube, Facebook, Twitter, Telegram và WhatsApp.
Các chính phủ và tập đoàn công nghệ phương Tây không làm ngơ trước mối đe dọa trực tuyến này. Facebook, Google từ lâu đã cấm tài khoản của Taliban, Twitter chủ trương gỡ bỏ những nội dung chứa bạo lực và kích động thù địch.
Tuy nhiên, Taliban có khả năng thích ứng linh hoạt, luồn lách qua bộ máy kiểm duyệt của các gã khổng lồ công nghệ và hiện diện ngày càng nhiều trên những nền tảng mạng xã hội phổ biến.
Xây dựng hình ảnh Taliban 2.0
Sau khi chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, chuẩn bị xây dựng chính phủ mới, Taliban bắt đầu sử dụng mạng xã hội để trấn an tâm lý thường dân đồng thời tiến tới sự công nhận hợp pháp của cộng đồng quốc tế.
Tờ Vice của Mỹ đã gọi Taliban là "Taliban 2.0", khi tổ chức này tỏ ra biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để gửi đi các thông điệp của mình.
Họ tăng cường hiện diện trên Twitter, dùng WhatsApp nhắn tin trao đổi với cư dân địa phương và những người bên ngoài. Phát ngôn viên Taliban sử dụng Twitter để gửi đi cam kết tuân thủ nhân quyền và thông điệp hòa giải dân tộc.
Bức ảnh chụp thành viên Taliban đeo Apple Watch. Ảnh: AP. |
Theo New York Times, hàng chục tài khoản ủng hộ Taliban đã xuất hiện trên Twitter trong những ngày gần đây, sau đó chia sẻ 5 video của lực lượng đang nắm quyền tại Afghanistan.
Trong vòng 24 giờ, họ đã thu về tổng cộng hơn nửa triệu lượt xem. Số người theo dõi các trang Facebook do Taliban kiểm soát tăng 120%. Hàng chục nghìn người đã xem các video trên YouTube của lực lượng này.
Tài khoản Twitter của người phát ngôn Taliban, Zabihullah Mujahid có hơn 300.000 người theo dõi. Mujahid dễ dàng lách lệnh cấm trên WhatsApp bằng cách kết nối với tài khoản của các nhà báo.
Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát lãnh thổ, Facebook tỏ ra bối rối trong việc công nhận tính hợp pháp của chính quyền mới. Họ sẽ chờ hướng dẫn từ những tổ chức khác về việc này.
Những việc này khiến cho các hãng công nghệ Mỹ phải cân nhắc lại chính sách cấm vận.
"Facebook không đưa ra quyết định về việc chính phủ nào được công nhận hợp pháp, thay vào đó, chúng tôi tôn trọng thẩm quyền của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này", phát ngôn viên Facebook nêu quan điểm trên The Verge.
Twitter không đưa ra lệnh cấm đích danh Taliban. Họ dùng các quy tắc chống nội dung bạo lực hoặc thao túng nền tảng để chặn những tài khoản vi phạm. Trong khi đó, YouTube tỏ ra kiên quyết hơn. Đại diện nền tảng chia sẻ video lớn nhất toàn cầu cho biết sẽ khóa mọi tài khoản có liên hệ với Taliban, dựa trên lệnh cấm của chính quyền Mỹ.
Một cách chính thức, các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục cấm Taliban xuất hiện cho đến khi phía Mỹ thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, cả khi không thể dùng YouTube, Facebook hoặc Twitter, Taliban vẫn tiếp tục trao đổi thông tin, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua ứng dụng mã hóa đầu cuối như Telegram, WhatsApp.