Mới 9h sáng nhưng các quầy bán thịt gà cuối chợ đầu mối Dịch Vọng đã mời chào khách mua gà ế. Từng bộ phận gà tồn được phân loại bán giá khác nhau: thịt nạc 50.000 đồng/kg, đầu cổ 12.000 đồng/kg, da 10.000 đồng/kg, gà vụn 5.000 đồng/kg...
Chị T., một chủ hàng thịt gà mời chào: “Gà cuối chợ bán nốt, giá rẻ, chỉ 45.000 đồng/kg, bằng nửa giá gà bán đầu giờ sáng 75.000 - 85.000 đồng/kg”. Lân la hỏi nguồn gốc và giá thành, chị này cho biết, gà được nhập từ trang trại ở ngoại thành Hà Nội. Cứ khoảng đầu giờ trưa, thịt gà bán ế còn lại được lọc thành các bộ phận riêng lẻ như da, chân, cổ cánh,.. giá rẻ vừa dễ bán lại tránh tồn hàng vào buổi chợ sau.
Hầu hết gà tồn lại dưới dạng miếng nhỏ, có màu trắng nhợt, hoặc thâm đen. Theo chị T., do tuốt lông bằng máy công nghiệp khiến đầu cổ gà thường bị dập, hoặc một số miếng thịt có màu thâm rất khó bán. Những gà vụn, thải loại được vứt ngay dưới chân người bán hàng. Quan sát sau khi lượng thịt trên quầy bán vơi dần, người này bới ở đống gà thải lấy đầu cổ, da gà để lại lên quầy bán thêm.
Thấy khách hỏi mua thịt gà loại, người bán hàng băn khoăn: "Em mua gà loại về làm hàng gì ?". Chị này cho biết, phần lớn thịt gà tồn lại trong ngày thường được bán giá rẻ cho những nhà hàng hoặc quán cơm phở, ngoài ra còn bán lẻ cho sinh viên hoặc những người lao động.
Thịt gà loại vứt xuống phía dưới sạp được bán giá 5.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chị Nguyễn Thanh Tâm (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chứng kiến cảnh bán gà trên không khỏi ái ngại: "Gà vất xuống phía dưới chân người bán rất mất vệ sinh. Dù có mua gà trên quầy nhưng cũng cảm thấy không an toàn".
Tại một quầy kế bên, người chủ hàng đang lọc da gà để bán riêng. Nói về cách chế biến loại gà thải cuối chợ, chị này cho biết, đầu cổ gà giá 12.000 đồng/kg thường được các nhà hàng, quán ăn mua làm món thịt xương băm, riêng da gà 10.000 đồng/kg, các quán bún phở dùng để làm mọc. Chị bật mí: "Nhà hàng cứ mua 3kg da gà trộn với 2kg thịt nạc là cho 5kg mọc. Da gà vừa rẻ, làm mọc lại rất ngon”.
Da gà đang được lọc riêng để bán giá 10.000 đồng/kg, người bán cho biết, các nhà hàng và quán bún phở mua về làm món mọc. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh M., một chủ hàng gần đó cho biết, gà thịt thường được nhập ở trang trại ngoại thành Hà Nội, giá mua vào đã 40.000 đồng/kg nên bán giá gà tồn nếu 45.000 đồng/kg là vẫn lỗ. Tuy nhiên, theo anh này, bán được giá rẻ còn hơn đọng lại buổi chợ sau, việc bảo quản vừa tốn kém có khi lại bị hỏng. Anh cho biết, khách đi chợ sớm thường mua những miếng ngon, những hàng tồn lại thường là cổ cánh, chân, chỗ mỡ bầy nhầy tận dụng để bán giá rẻ.
"Do số lượng có hạn nên không phải ai cũng mua được gà tồn. Nhiều bữa nhà hàng với quán ăn tranh nhau mua mà không có đủ để bán. Thường quán nào mua nhiều phải đặt trước, do gà tồn tuỳ theo ngày, mỗi loại cũng chỉ dao động 5 - 6kg", anh M. nói. Theo chủ hàng này, riêng phần đầu cổ và da dễ bán nhất, khách cho biết thường mua về làm thịt băm hoặc nấu đông, loại thịt nạc 45.000 đồng/kg họ mua về làm ruốc. Ngoài ra, loại gà vụn thải 5.000 đồng/kg ngày nào cũng có người đến mua từ sớm, nhưng anh cũng không biết họ mua về làm gì.
Đi chợ từ 5h sáng cho đến 10h30 trưa, vừa đổ buôn cho các nơi và bán lẻ, mỗi ngày anh M. bán được 10 tạ gà. Anh cho biết, gà tồn thường bán tháo cho người làm quán ăn hoặc các nhà hàng. "Thỉnh thoảng, có khách mua làm thức ăn cho chó Béc - giê. Gà loại thải giá rẻ chỉ 5.000 đồng/kg, để lại cũng vất đi nên bán giá như cho", anh này nói thêm.