Cuộc khủng hoảng tiền mặt trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc khiến hàng loạt dự án đóng băng. Ảnh: Reuters. |
Theo nguồn tin của Caixin, dù thời hạn đến gần, các chủ đầu tư ở Trịnh Châu (miền Trung Trung Quốc) vẫn không đủ tiền để tiếp tục xây dựng những dự án nhà ở dở dang. Họ thậm chí phải thuê công nhân giả vờ xây dựng để đối phó với các đợt thanh tra.
Giới chức địa phương đã yêu cầu đến ngày 6/10, các chủ đầu tư bất động sản phải tái khởi động tất cả dự án xây dựng nhà ở bị đình trệ. Nguồn tin của Caixin cho biết trong số 100 dự án, chỉ 60% được triển khai lại.
Điều này phơi bày những thách thức mà các chính quyền địa phương Trung Quốc phải đối mặt trong việc vực dậy một ngành công nghiệp đang thiếu hụt vốn và niềm tin.
Đến ngày 6/10, tất cả dự án xây dựng nhà ở bị đình trệ phải được thi công lại. Ảnh: Reuters. |
Thời hạn đến gần
Trịnh Châu là tâm chấn của làn sóng dừng thanh toán khoản vay thế chấp của người mua nhà trên khắp Trung Quốc.
Thủ phủ của tỉnh Hà Nam là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Nguồn cơn của khủng hoảng là việc Bắc Kinh siết tín dụng để hạ nhiệt thị trường và giảm đòn bẩy. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào khủng hoảng tiền mặt.
Nợ nần chồng chất và thiếu hụt tiền mặt, một số chủ đầu tư không thể hoàn thành các dự án nhà ở để bàn giao cho khách hàng.
Các chủ đầu tư của một số dự án thậm chí còn thuê công nhân đến công trường xây dựng, giả vờ tái khởi động hoạt động xây dựng chỉ để qua mắt cơ quan quản lý
Nguồn tin của Caixin
Trên khắp Trung Quốc, người mua nhà đã từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp ngân hàng. Trịnh Châu trở thành điểm nóng vì số lượng lớn dự án bị đóng băng.
Tình trạng bất ổn buộc chính quyền thành phố phải vào cuộc. Giới chức Trịnh Châu đưa ra thời hạn 30 ngày để tái khởi động tất cả dự án bị đình trệ. Nhưng những thách thức vẫn còn.
Các nguồn tin cho biết một số chủ đầu tư không thể khởi động dự án vì đã vỡ nợ. Triển vọng bấp bênh cũng bao trùm lên những công ty bất động sản đã bắt tay vào thi công dự án. Không rõ họ có thể tiếp tục trong bao lâu vì nguồn vốn hạn chế.
"Các chủ đầu tư của một số dự án thậm chí còn thuê công nhân đến công trường xây dựng, giả vờ tái khởi động hoạt động xây dựng chỉ để qua mắt cơ quan quản lý", nguồn tin của Caixin tiết lộ.
Không đủ vốn
Để khởi động lại dự án, một số chủ đầu tư phải dựa vào các khoản cứu trợ. Chính quyền Trịnh Châu đã nhận được tiền từ quỹ cứu trợ bất động sản địa phương trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) và quỹ cứu trợ bất động sản quốc gia 200 tỷ nhân dân tệ.
Thành phố cũng được hỗ trợ bởi các nền tảng tài chính quốc doanh nhằm bơm thêm vốn cho những dự án dang dở.
Khoản hỗ trợ đầu tiên đã được giao cho 7 dự án, đa số có rủi ro vỡ nợ thấp hơn so với những chủ đầu tư khác.
Vào tháng 9, Trịnh Châu thông báo đã nhận được đợt đầu tiên của khoản vay cứu trợ quốc gia trị giá 5 tỷ nhân dân tệ.
Khoản vốn cứu trợ không đủ cho tất cả dự án đang bị đình trệ. Ảnh: Reuters. |
"Các cơ quan liên quan đã kiểm tra số tiền tài trợ cần thiết để hoàn thành mỗi dự án bị đình trệ. Tuy nhiên, nguồn tiền của thành phố có hạn. Mỗi dự án chỉ nhận được một phần nhỏ, không đủ để lấp đầy lỗ hổng tài chính của họ", một người làm việc cho công ty bất động sản địa phương nói với Caixin.
Trịnh Châu cũng khuyến khích tăng cường cho vay đối với các chủ đầu tư có dự án dang dở, nhất là những công ty địa ốc nằm trong danh sách xin hỗ trợ từ chương trình cho vay đặc biệt quốc gia.
Dự án đứng đầu danh sách được cho rằng cần thêm 1,6 tỷ nhân dân tệ để hoàn thành.
Nguồn tin của Caixin cũng cho biết thành phố đang cân nhắc bơm một lượng vốn hạn chế để khởi động lại việc xây dựng đối với các dự án bị đình trệ. Một khi quá trình xây dựng được nối lại, chủ đầu tư có thể tiếp tục bán căn hộ để có thêm vốn.