Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu vaccine, châu Á tiếp tục vật lộn với đại dịch Covid-19

Trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến chủng Delta tiếp tục gây ra các đợt bùng phát mới khó kiểm soát. Tốc độ tiêm chủng chậm là một phần nguyên nhân.

Trong những ngày gần đây, Indonesia đã báo cáo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gần gấp đôi so với Mỹ. Tỷ lệ mắc Covid-19 bình quân đầu người của Malaysia gần bằng với Brazil và Iran. Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Nhật Bản và Hàn Quốc khiến hai nước này buộc phải siết chặt hơn các biện pháp hạn chế, theo New York Times.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, chỉ có khoảng 13% trong tổng số 270 triệu dân được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.

Trong khi đó, sự nổi lên của biến chủng Delta đang đẩy hệ thống y tế của nước này đến bờ vực, buộc rất nhiều bệnh nhân phải tự tìm kiếm oxy và điều trị tại nhà. Mức tăng số ca nhiễm trung bình hàng ngày trong vòng một tuần là trên 33.000 ca, tính đến ngày 11/7.

Các quan chức cho biết vào ngày 9/7 rằng họ sẽ mở rộng các quy tắc khẩn cấp.

Các khu chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện trong và xung quanh thủ đô Jakarta đang hoạt động hết công suất. Hàng loạt y bác sĩ đã tiêm vaccine Sinovac vẫn mắc bệnh và qua đời. Chính phủ cho biết họ sẽ tiêm liều vaccine thứ ba, của Moderna, cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế bắt đầu từ tuần này.

Covid19 o chau A anh 1

Một nghĩa trang mới mở để chôn cất nạn nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP.

Ở các quốc gia Đông Nam Á khác, tỷ lệ dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 đều ở mức thấp, trong khi số lượng người nhiễm virus tiếp tục tăng.

Tại Myanmar, phần lớn nhân viên y tế đã đình công để phản đối chính biến. Số ca bệnh đang gia tăng mạnh. Trường học được lệnh đóng cửa cho đến ngày 23/7.

Một số thành phố của Malaysia đang áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, khi quốc gia này báo cáo tỷ lệ mắc bệnh bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, một khu vực đón khách tại sân bay quốc tế lớn nhất Thái Lan đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Tại các quốc gia phát triển hơn của châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, khoảng 30% dân số nhận được vaccine, theo New York Times. Dẫu vậy, họ vẫn đang vật lộn để kiểm soát sự lây lan của virus.

New South Wales, bang đông dân nhất của Australia, ngày 11/7 đã báo cáo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ đầu năm đến nay. Sydney, thủ phủ của bang, đã bị phong tỏa. Các nhà chức trách cảnh báo rằng đợt phong tỏa, vốn dự kiến kết thúc vào ngày 17/7, rất có thể sẽ được gia hạn.

Hàn Quốc đã báo cáo 1.378 trường hợp mới ngày 10/7, phá vỡ kỷ lục về số ca nhiễm mới của 2 ngày trước đó. Chính phủ có kế hoạch nâng hạn chế lên mức cao nhất ở thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận kể từ ngày 12/7.

Tại Nhật Bản, tình trạng khẩn cấp lần thứ tư được áp dụng ở Tokyo, bắt đầu từ ngày 12/7. Nhà hàng, cửa hàng bách hóa và các cơ sở kinh doanh khác phải đóng cửa sớm. Nhà tổ chức Thế vận hội 2020 sẽ không đón khán giả trong hầu hết sự kiện ở Tokyo và các khu vực lân cận.

Ngày 10/7, tỉnh Fukushima cho biết họ cũng sẽ cấm khán giả tham gia các sự kiện Olympic. Hai ngày trước đó, ban tổ chức công bố Fukushima là một trong những nơi đón khán giả xem Thế vận hội.

Hàng loạt siêu đô thị châu Á trong vòng phong tỏa vì Covid-19

Hàng loạt quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách giữa lúc ca bệnh gia tăng nhanh chóng còn tỷ lệ tiêm chủng thì thấp.

Cảnh không người ở các đại đô thị châu Á vì Covid-19

Khung cảnh vắng vẻ trong phong tỏa trên đường phố một số nước châu Á - Thái Bình Dương trái ngược hoàn toàn với diễn biến dịch Covid-19 gay go của những quốc gia này.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm