Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thiếu thốn tình thương, giới trẻ tìm bố mẹ ảo trên mạng

Nhiều người trẻ xem các cặp vợ chồng influencer như bố mẹ, vâng lời, trút bầu tâm sự với họ mà còn chẳng biết tên thật là gì.

Bo me ao tren Douyin anh 1

Là học sinh cấp hai ở Thượng Hải, Fan Xiaotong thích chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ mình. Bất cứ khi nào cảm thấy căng thẳng về bài kiểm tra hoặc ăn được một món ngon, cô bé 13 tuổi sẽ lấy điện thoại ra và gửi tin nhắn cho bố mẹ.

Tuy nhiên, bố mẹ mà cô bé thường xuyên tâm sự không phải bố mẹ ruột. Trên thực tế, Fan thậm chí còn không biết tên thật của họ. Họ là chỉ là một cặp vợ chồng influencer, thường xuyên chia sẻ việc nuôi dạy con cái mà cô bé theo dõi trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc.

Bố mẹ ảo nhưng tình cảm thật

Fan đã trở thành một fan cuồng nhiệt của những người nổi tiếng này, đến mức cô ấy coi họ như “bố mẹ ảo” của mình. Đối với cô con gái tuổi teen, cặp đôi này luôn thể hiện một triết lý nuôi dạy con cái tích cực, đầy tình cảm - kiểu mà cô bé chưa từng cảm nhận khi ở nhà.

Cô hiểu rằng cặp đôi còn chẳng biết cô là ai. Họ cũng không thường xuyên trả lời tin nhắn của cô. Nhưng Fan không quan tâm. Cô bé chỉ thích cảm giác được chia sẻ tình cảm và cảm xúc hồi hộp khi thỉnh thoảng nhận được câu trả lời khích lệ từ bố mẹ ảo.

Fan Xiaotong không đơn độc. Số lượng những KOL làm nội dung về nuôi dạy con cái trên mạng xã hội Trung Quốc có xu hướng tăng trong những tháng gần đây. Nhưng đối tượng khán giả của nội dung này thường không phải là những bậc phụ huynh tìm lời khuyên. Người xem chủ yếu những đứa trẻ bị thu hút bởi thái độ cởi mở, quan tâm con cái của các KOL.

Tài khoản Douyin cô bé theo dõi có tên @Henverfenxiangrichang (Chia sẻ cuộc sống hàng ngày với con gái), đã thu hút 1,2 triệu người theo dõi trong chưa đầy 6 tháng.

Trong video, một cặp vợ chồng trung niên tươi cười, chia sẻ các hoạt động hàng ngày và nói với những người theo dõi - những người mà họ trìu mến gọi là “con gái và con trai” - đừng lo lắng và hãy luôn vui vẻ, khỏe mạnh.

Có một lần, họ tưởng tượng “những đứa con” của mình cảm thấy không vui về việc học hay công việc. Họ cố gắng động viên chúng bằng những lời động viên hoặc giả vờ chuyển tiền để an ủi họ.

Tưởng chừng như những đoạn clip không khác gì một cuộc gọi video thông thường giữa cha mẹ và con cái, nhưng lại thu hút nhiều người tương tác ở phần bình luận. “Bố ơi, mẹ ơi, hôm nay con tròn 18 tuổi”, một người dùng bình luận.

Vấn đề chung của nhiều người trẻ này là không thể kết nối với bố mẹ. Họ xem những người nổi tiếng như một nơi mang lại cảm giác gia đình mà họ thiếu thốn.

Fan là một người hâm mộ bố mẹ ảo điển hình. Nữ sinh trung học nói rằng cô cảm thấy xa cách với bố mẹ ruột. Họ đã ly dị từ nhiều năm trước nên cô bé thèm khát sự thân mật từ người thân.

Xem bố mẹ ruột như người xa lạ

Sau đó, cô phát hiện ra cặp KOL trên Douyin. Cặp đôi này đã lên xu hướng từ cuối năm 2023 bằng cách đăng những video dễ thương, diễn tả cảnh bố mẹ và con cái tương tác với nhau như đi siêu thị, gọi video… Quan trọng là cặp vợ chồng này luôn luôn chọn tình yêu thay vì các phương pháp nuôi dạy con kỷ luật, nghiêm khắc truyền thống.

Trong một đoạn video được lan truyền rộng rãi hồi tháng 11, cặp đôi đang nhảy múa vui vẻ dưới ánh đèn đường và ghép một dòng chữ chứa lời nhắn cảm động dành cho những “đứa con ảo”. Đó là lời xin lỗi chân thành vì đã gây áp lực buộc họ phải kiếm được một công việc nhà nước ổn định.

Bo me ao tren Douyin anh 4

Đoạn video kèm tâm sự bố mẹ ảo gửi đến "con cái" của họ. Ảnh: Douyin.

“Bố mẹ không thể mang lại cho con một cuộc sống vô ưu, vô lo. Vì vậy, bố mẹ luôn hy vọng con sẽ tìm được một công việc ổn định. Nhưng nhìn thấy đôi mắt đầy vẻ chán nản của con , bố mẹ nhận ra hình như mình đã làm sai điều gì đó”, trích đoạn lời nhắn.

Trên thực tế, nội dung video này không có thật. Cặp vợ chồng nói rõ họ đang bán một ảo tưởng hoàn hảo khi nuôi dạy con cái. Nhưng giọng nói và thông điệp đầy cảm xúc đã gây được tiếng vang với người trẻ Trung Quốc.

Trang cá nhân tràn ngập những bình luận từ người dùng. Họ bày tỏ nỗi bức xúc, chia sẻ những trải nghiệm đau thương và bày tỏ mong muốn cặp vợ chồng có thể trở thành bố mẹ ruột của họ.

Một số người, như Fan, còn thực sự nhận cặp đôi này làm bố mẹ. Họ gọi bố mẹ ruột là “bố mẹ của bà con anh chị em họ” - ám chỉ rằng họ cảm thấy gần gũi hơn với gia đình ảo của mình.

Fan Xiaotong chưa bao giờ mở lời yêu cầu cặp KOL trở thành bố mẹ ảo của mình. Cô ấy chỉ đơn giản là bắt đầu nhắn tin cho họ thường xuyên, luôn gọi họ là bố và mẹ. Mặc dù cặp đôi quá bận rộn để trả lời mọi tin nhắn, những tin nhắn đơn giản của họ luôn tử tế và khích lệ, giúp tinh thần Fan khá hơn rất nhiều.

Tình thương ảo cũng như đồ ăn nhanh - no bụng nhưng không bổ dưỡng

Zhang Peixian (35 tuổi) cũng nhận một cặp influencer làm bố mẹ ảo. Giống như Fan Xiaotong, cô xem việc này như một hình thức an ủi. Tương tác với bố mẹ ảo bù đắp sự thiếu quan tâm và hời hợt mà cô chịu đựng khi còn nhỏ.

Thời thơ ấu của cô không hề hạnh phúc. Kể với Sixth Tone, cô gái cho biết bố thường xuyên đánh đập mẹ và cô không bao giờ có thể thân thiết với một trong hai người. Đó là lý do cô cảm động khi nhìn thấy nụ cười vui vẻ của những influencer trong video. "Trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi cười như vậy”, cô nói.

Bo me ao tren Douyin anh 5

Các bậc cha mẹ ảo giúp an ủi và động viên khi những người trẻ thiếu thốn tình thương gặp khó khăn trong công việc, học tập. Ảnh: Douyin.

Theo nhà trị liệu tâm lý Yu Zehao ở Vũ Hán, Trung Quốc, số lượng phụ huynh ảo đang gia tăng vì họ lấp đầy sự thiếu thốn trong đời sống tình cảm của nhiều đứa trẻ. Trong khi nhiều bố mẹ Trung Quốc thường tập trung vào việc dạy con cái họ theo kiểu nghiêm khắc, phụ huynh ảo lại luôn khẳng định giá trị của chúng và nâng đỡ tinh thần.

Nhưng chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng này. Tuy bố mẹ kỹ thuật số sẽ an ủi, vỗ về những người trẻ đang ở giai đoạn khó khăn, những mối quan hệ ảo như vậy có thể làm họ xa rời thực tế của mình.

"Xu hướng này giống như đồ ăn sơ chế sẵn (meal kit) bán ngoài cửa hàng. Chúng có thể giúp chúng ta khi ăn kiêng và chuyển sang lối sống lành mạnh hơn, nhưng chúng không nên thay thế các bữa ăn thông thường về lâu về dài vì không đủ dinh dưỡng”, Yu nói.

Nhưng cô bé 13 tuổi Fan Xiaotong dường như chẳng quan tâm đến việc liệu bố mẹ ảo của mình có phải kẻ mạo danh hay ảnh hưởng đến cuộc sống thật của mình hay không. "Điều quan trọng là họ vỗ về cảm xúc của tôi”, cô bé nói.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm