Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản luật nhiều khuyết tật’

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị cơ quan thẩm tra và các đại biểu luôn nghĩ tới sự liêm chính trong thẩm tra, phát biểu góp ý vào mỗi dự án luật.

Sáng 26/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội. Các đại biểu đều chung đánh giá về thành công của Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, mỗi người đều có góp ý sâu sắc cho hoạt động của Quốc hội và kỳ vọng những khởi sắc, đổi mới trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ở nhiệm kỳ tiếp theo.

Cần liêm chính trong xây dựng luật

Thể hiện sự tự hào khi là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ nêu ra nghị trường câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật.

Theo ông, đây là nguyên tắc tối thiểu trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật. “Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo luật”, ông Bộ nêu quan điểm.

Đánh giá pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội, đại biểu tỉnh An Giang nhấn mạnh sự cần thiết của liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật.

liem chinh trong xay dung phap luat anh 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ đề cao sự liêm khiết trong xây dựng pháp luật. Ảnh: Hải Quân.

“Nếu thiếu sự liêm chính, đặc biệt trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật”, đại biểu Bộ cảnh báo.

3 “khuyết tật” được ông đề cập là mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản pháp luật; văn bản luật thành công cụ hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành và xung đột với lợi ích nhân dân; vòng đời của các văn bản luật rất ngắn.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan soạn thảo luật có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cùng với đó, cơ quan thẩm tra và các đại biểu luôn nghĩ tới sự liêm chính trong thẩm tra, phát biểu góp ý vào mỗi dự án luật.

Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng góp ý về việc chậm trễ trong chuẩn bị hồ sơ các dự án luật hay tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận.

Trong khi đó, công tác thẩm tra, thẩm định luật vẫn còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của vận động hành lang không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.

Thậm chí, ông Nhưỡng cho rằng còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính. Và đây cũng chính là những vấn đề ông xin được bàn giao cho Quốc hội khóa sau.

liem chinh trong xay dung phap luat anh 2

Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng góp ý về việc chậm trễ trong chuẩn bị hồ sơ các dự án luật. Ảnh: Hải Quân.

Đề xuất 2 lần lấy phiếu tín nhiệm

Nhìn lại chặng đường đã qua, nữ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá Quốc hội khóa XIV đã làm tròn bổn phận của mình trước nhân dân. Trong thời khắc cuối của nhiệm kỳ, bà chia sẻ những điều còn trăn trở và mong muốn sẽ được hoàn thiện.

Đề cập đến khái niệm “tham nhũng chính sách”, bà Mai cho ra rằng nếu rà soát thật kỹ, lật đi, lật lại tất cả quy định, có thể thấy nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện, rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.

liem chinh trong xay dung phap luat anh 3

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá Quốc hội khóa XIV đã làm tròn bổn phận của mình trước nhân dân. Ảnh: quochoi.vn.

“Tham nhũng chính sách là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”, nữ đại biểu đánh giá.

Để ngăn chặn nguy cơ này, đại biểu Mai cho rằng cần nâng cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; và nâng cao hoạt động thẩm tra.

Góp ý việc bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Mai chia sẻ đây là hoạt động được người dân kỳ vọng, là thước đo trong đánh giá cán bộ và là cơ hội để những lãnh đạo chính trực tỏa sáng thêm một lần.

Việc này cũng đòi hỏi các đại biểu thể hiện tinh thần thẳng thắn, dám đấu tranh khách quan, công bằng.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà Mai hiểu được băn khoăn của cử tri đằng sâu câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm. Bởi lẽ đó, bà đề xuất tới đây nên đánh giá việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt trong việc để 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp vì 3 mức này đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá.

Nữ đại biểu cũng đề xuất thực hiện 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trong một nhiệm kỳ thay vì một lần duy nhất như hiện nay.

Có lãnh đạo bộ gây sức ép với đại biểu Quốc hội vì phát biểu trái ý

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn nói trước Quốc hội về việc có đến 80% bộ ngành không muốn tiếp thu để sửa luật. Thậm chí có lãnh đạo bộ gây sức ép khi đại biểu phát biểu trái ý.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm