Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu Lâm quyền vươn sang lục địa đen

Nhiều người lo ngại tính thương mại đang xâm nhập vào Thiếu Lâm Tự khi võ thuật của họ đang lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Phi.

Mười nhà sư mặc áo nâu thực hiện động tác như báo hoa rình mồi trước khi tỏa ra khắp sân khấu với những màn xếp hình trục kỳ lạ, những cú đá, nhào lộn khiến mọi người phải sửng sốt. Họ đều là những nhà sư thuộc ngôi chùa Thiếu Lâm Tự, cái nôi của kungfu.  

Các nhà sư Thiếu Lâm trình diễn ở nhà hát Grand, thành phố Dakar, Senegal vào ngày 19/1/2014. Ảnh: AFP

“Võ Thiếu Lâm không chỉ đơn giản là những bài tập rèn luyện thể lực. Khi học kungfu, chúng ta cũng có thể biết và ngưỡng mộ văn hóa của đạo Phật”, Shi Yancen, 26 tuổi, giải thích khi anh thực hiện bài tập khởi động tại nhà hát Grand - công trình do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Dakar của Senegal - để chuẩn bị cho buổi trình diễn đầu tiên của các nhà sư Thiếu Lâm ở Tây Phi.

Shi có gương mặt cực kỳ hiền hậu và trẻ trung như mới bước qua tuổi thiếu niên. Anh đã theo đuổi kungfu suốt nửa cuộc đời trong môi trường khắc khổ ở Thiếu Lâm Tự. Ngôi chùa ẩn sâu trong vùng núi non của Hà Nam, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.

Trong nhiều năm, nhà sư Thiếu Lâm Tự trở thành một hình ảnh quen thuộc tại các nước châu Á, Mỹ và châu Âu. Hiện nay, võ Thiếu Lâm bắt đầu chuyển hướng sang châu Phi, nơi võ Thiếu Lâm dù chưa đủ sức lấn át các môn võ thuật bộ lạc, nhưng đang trên đà phát triển nhanh chóng.

Từ năm 2008, các nhà sư Thiếu Lâm Tự liên tục thực hiện những buổi trình diễn ngoạn mục, thu hút sự chú ý của người dân ở Nam Phi, Cameroon, Guinea xích đạo, Burundi, Uganda, Eritrea, Rwanda, Ethiopia và Malawi. Họ đang nhắm vào tiềm năng của châu Phi.

Kết quả của chiến dịch thu hút sự chú ý là hàng ngàn thanh niên châu Phi đăng ký học kungfu mỗi năm. 12 quốc gia, bao gồm Senegal, đã tham gia vào giải đấu tranh chức vô địch kungfu xuyên lục địa lần thứ 5 tại Madagascar vào tháng 9/2013.

Thiếu Lâm Tự chưa tổ chức các lớp học ở châu Phi, nhưng Wang Yumin, một người đại diện của Thiếu Lâm Tự tại lục địa đen, cho biết họ có chiến lược đưa học viên tới Trung Quốc. Các học viên sẽ giúp truyền tải thông điệp “tình yêu, công bằng và sức khỏe” khi họ trở lại quê hương.

“Thiếu Lâm Tự có nhiệm vụ truyền bá truyền thống của đất nước, và người dân châu Phi cũng có nhu cầu tìm hiểu nền văn hóa huyền thoại của chúng tôi”, Wang nói.

Năm 2011, học viên đến từ sáu nước châu Phi bắt đầu 5 năm đào tạo tại chùa. Các nhà sư tham gia các khóa học ngắn hơn. Phía Trung Quốc tài trợ tất cả chương trình.

Vào tháng 12/2013, học viên từ Tanzania, Ethiopia, Mauritius, Uganda và Nigeria tốt nghiệp khóa học Võ Thiếu Lâm dành cho người châu Phi đầu tiên (kéo dài ba tháng) do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức. Tờ China Daily trích lời phát biểu của Peace Emezue, học viên người Nigeria: “Cuộc sống ở Thiếu Lâm Tự rất dễ chịu và yên ả. Nó không hề giống với thế giới xô bồ ngoài kia. Tôi tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi mong muốn dạy nhiều người cách để cảm nhận được điều đó”.

Giai đoạn cấm đoán trong Cách mạng Văn hóa

Truyền thuyết kể rằng, võ Thiếu Lâm khởi nguồn từ năm 495 sau Công nguyên, khi Hiếu Văn Đế ra lệnh xây một ngôi chùa nằm sâu trong vùng rừng núi, nhằm tôn vinh một nhà sư lang thang người Ấn có tên Batuo. Khoảng 30 năm sau, Bodhidharma, một nhà tu khổ hạnh người Ấn, xuất hiện ở vùng này, ngồi thiền suốt 9 năm trong một hang ở gần đó. Ông truyền dạy Thiền Tông cho các nhà sư và mở đầu cho phái võ Thiếu Lâm (hay Thiếu Lâm kungfu) sau này.

Một nhà sư chùa Thiếu Lâm của Trung Quốc trình diễn trong nhà hát Grand, thành phố Dakar, Senegal vào ngày 19/1/2014. Ảnh: AFP/Seyllou

Ở thời kỳ cực thịnh trong thế kỷ thứ 13, ngôi chùa có khoảng 3.000 nhà sư. Nhưng nó rơi vào giai đoạn khó khăn sau khi một vị tướng đốt chùa trong cuộc nội chiến những năm 20 của thế kỷ trước. Khi quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc 20 năm sau, ngôi chùa càng hư hại nặng nề.

Môn võ kungfu bị cấm trong giai đoạn 1966-76 của Cách mạng Văn hóa. Người ta đốt nhiều chùa khiến các nhà sư phải lang thang khắp nơi. Kungfu Thiếu Lâm phục hồi mạnh mẽ nhờ tác phẩm Thiếu Lâm Tự, bộ phim võ thuật thành công vang dội do tài tử Lý Liên Kiệt đóng vai chính năm 1982. Bộ phim này đã biến các nhà sư Thiếu Lâm thành hình ảnh mang tính toàn cầu, đúng vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu tự do hóa kinh tế.

Sau khi Shi Yonxin, một nhà sư xuất thân từ nông dân, nhận chức sư trụ trì Thiếu Lâm Tự vào năm 1999, ông càng góp phần tô đậm nét hình ảnh Thiếu Lâm kungfu trong mắt công chúng. Ông phái các nhà sư tới khắp nơi trên thế giới. Là nhà sư Trung Quốc đầu tiên có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, Shi rất nhanh nhạy trong lĩnh vực tài chính.

"Chúng tôi đang điều hành  hơn 40 công ty ở các thành phố lớn trên thế giới - như Berlin và London", Shi tiết lộ.

Ngày nay, chùa Thiếu Lâm có khoảng 500 nhà sư dạy và học đạo Phật, điều hành các trường học và trại trẻ mồ côi, luyện tập kungfu và chào đón hàng triệu du khách. Chỉ riêng tại Mỹ, số lượng câu lạc bộ võ thuật Thiếu Lâm đã lên tới khoảng 130. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phép màu của Thiếu Lâm không còn mạnh mẽ như xưa. Phái ủng hộ truyền thống phàn nàn rằng tài kinh doanh của nhà chùa làm giảm kỹ năng võ thuật của học viên, những người đang theo học kinh doanh và luật bảo hộ thay vì học thiền.

Vào năm 2011, Thiếu Lâm hứng chịu nhiều chỉ trích khi công bố kế hoạch kinh doanh lớn nhằm phát triển trên quy mô toàn cầu. Một bộ phận dư luận cho rằng đây là hành động thương mại hóa đạo Phật.

Hanqiu Huang, phó giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hà Nam, từng nói với AFP rằng sự lan tỏa của Thiếu Lâm quyền đáp ứng nhu cầu của người dân nước ngoài đối với giá trị tinh thần nổi tiếng của võ Thiếu Lâm.

“Sư trụ trì của Thiếu Lâm tự đang làm tất cả những việc mà ông có thể nhằm truyền bá đạo Phật. Ông ấy không làm vậy vì lý do kinh tế”, cô nói.

Thời gian sẽ cho thấy Thiếu Lâm quyền sẽ thành công ở châu Phi như những nơi khác trên thế giới hay không. Nhưng đêm diễn mở màn ở Dakar hồi tháng 1 mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Marika Kotze, một nhà tư vấn công nghệ thông tin 48 tuổi ở Dakar, nhận xét: “Tôi không kỳ vọng nhiều, nhưng buổi diễn thực sự nổi bật. Ở Senegal người ta rất ưa thích môn đấu vật, nhưng tôi dự đoán võ Thiếu Lâm sẽ sớm đạt vị thế tương đương”.

Xuân Yến (theo AFP)

Bạn có thể quan tâm