“Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt có nghĩa chúng tôi sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn”, ông Torsten Schroeter, Giám đốc điều hành Glasmanufaktur Brandenburg ở Tschernitz (Đức), gần biên giới Ba Lan, nói với AFP.
Công ty này sản xuất khoảng 10 triệu m2 kính cho các nhà máy điện mặt trời và nhà kính mỗi năm. “Chúng tôi cung cấp cho các nhà sản xuất lớn nhất ở châu Âu”, ông Schroeter cho biết.
Ngành công nghiệp này có một nhu cầu đáng kể về khí đốt. Tuy nhiên, gần đây, giá nhiên liệu tăng do hậu quả của chiến sự ở Ukraine và mối đe dọa ngừng cung cấp khí đốt của Nga dấy lên nhiều lo ngại trong ngành.
"Một lệnh cấm vận khí đốt sẽ dẫn đến việc ngừng sản xuất, mất việc làm và trong một số trường hợp, gây thiệt hại đáng kể cho các điểm sản xuất", Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cho biết trong một tuyên bố gần đây.
Trong đó, các ngành dễ bị tổn thương nhất là ngành sản xuất giấy, thép và hơn hết là hóa chất, theo một nghiên cứu của ngân hàng LBBW.
Nhà máy Glasmanufaktur Brandenburg ở Tschernitz (Đức), gần biên giới Ba Lan. Ảnh: GMB. |
Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF cảnh báo rằng họ sẽ phải ngừng sản xuất tại nhà máy Ludwigshafen, nơi có 30.000 người làm việc, nếu nguồn cung khí đốt của Nga giảm dù chỉ một nửa.
Trong các xưởng sản xuất thủy tinh ở Tschernitz, việc ngừng cung cấp khí đốt sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho lò nung.
Theo ông Schroeter, việc giảm nhiệt độ do thiếu khí đốt sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với các vật liệu trong lò, và buộc công ty phải "xây dựng lại mọi thứ", một quá trình có thể mất vài tháng hay thậm chí nhiều năm.
"Không có giải pháp thay thế" cho khí đốt của Nga, ông nói.
Các nhiên liệu hóa thạch khác, chẳng hạn than đá, không thích hợp để thay thế. Công ty đã sử dụng một hệ thống hybrid để làm nóng các lò, nhưng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của họ.
Khoảng 300 nhân viên ở Tschernitz đang lo sợ cho tương lai của nhà máy, ngành công nghiệp thủy tinh và những tác động xa hơn.
“Nếu không có chúng tôi, quá trình chuyển đổi xanh ở Đức không thể thực hiện được”, ông Schroeter cảnh báo.