Thượng tá Nguyễn Văn Bình (Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM) cho biết sau 2 ngày áp dụng Chỉ thị 16, ghi nhận tại 12 chốt kiểm soát dịch, xe tải hoạt động nhiều do không bị ảnh hưởng. Xe 2 bánh qua lại các chốt ít.
Người dân chưa nắm rõ về giấy nhận diện
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết sau khi kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính, khai báo y tế... công an đều cho tài xế và xe qua chốt. Tuy nhiên, công an xử lý nghiêm trường hợp không có giấy xét nghiệm Covid-19.
Tại 12 chốt, CSGT đã yêu cầu 782 trường hợp phải quay đầu, trong đó có 537 ôtô, còn lại là môtô.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết nhiều đơn vị vận tải chưa nắm rõ việc cấp giấy nhận diện gắn mã QR để qua chốt cửa ngõ thành phố.
Giấy nhận diện sử dụng cho xe chở hàng hóa hoặc chở công nhân, chuyên gia từ ngoài tỉnh vào TP.HCM. Khi chốt kiểm soát bị ùn ứ thì mở làn xanh ưu tiên để các xe này di chuyển nhanh hơn.
Tuy nhiên, do điều kiện mặt bằng, nhiều chốt không tổ chức được làn xanh. Ví dụ như ở quốc lộ 22, quốc lộ 13, đường Trần Văn Giàu...
Mục đích thứ 2 của giấy nhận diện là phương tiện khi vào TP.HCM có thể chạy vào giờ cấm. Xe hoạt động trong TP.HCM thì không cần giấy này, trừ khi tài xế muốn chạy vào giờ cấm.
Từ 0h ngày 9/7 đến chiều 10/7, Sở GTVT đã cấp gần 8.800 giấy phép cho các đơn vị thuộc diện ưu tiên. Sở cũng tổ chức nhanh chóng để thời gian từ lúc xin đến khi cấp xong giấy chỉ trong 24 giờ.
Địa bàn nào xử phạt nhiều nhất?
Báo cáo tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 10/7, thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM) cho biết ngoài 12 chốt kiểm soát tại cửa ngõ, các địa phương của TP.HCM đã lập thêm 266 chốt.
Thống kê tới 12h trưa 10/7, các chốt kiểm soát thành phố và quận, huyện đã kiểm tra gần 52.000 lượt phương tiện. Số lượt kiểm tra về người là 32.624.
Về tình hình an ninh trật tự, sau khi thực hiện Chỉ thị 16, số vụ phạm pháp giảm hơn 30%, hầu hết là trộm cắp tài sản, cướp giật, hủy hoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phương tiện qua chốt phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Riêng Công an TP đã lập biên bản xử phạt 203 trường hợp về hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường; ra khỏi nhà không có lý do chính đáng; mở cửa kinh doanh mặt hàng không thiết yếu. Tổng số tiền xử phạt 389 triệu đồng.
Địa bàn có lượng phương tiện lưu thông lớn trong 2 ngày qua là quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 7. Các nơi bị xử lý nhiều hành vi vi phạm là quận 10, quận 6, quận 12. Nơi phạt tiền nhiều là quận 12, quận 6, quận 5, huyện Hóc Môn.
Theo số liệu được ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cung cấp tại họp báo, từ 0h ngày 9/7 đến 17h 10/7, UBND 22 quận, huyện, TP Thủ Đức đã xử phạt hành chính 841 triệu đồng đối với người vi phạm quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 (đã bao gồm số liệu của Công an TP.HCM).
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7. Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ ngày 27/4 đến tối 10/7, TP.HCM ghi nhận 11.615 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.
Bình luận