Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu cơ chế kiểm soát, kê khai tài sản chỉ... 'đẹp'

Các chuyên gia cho rằng, thiếu cơ chế kiểm soát, bảo đảm thực hiện thì việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ dừng ở mức độ “đẹp” mà không mang lại hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Sáng 8/12, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “tăng cường hiệu quả thi hành Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) - kinh nghiệm một số nước và thực tiễn Việt Nam”. 

"Lỗ hổng" rất lớn trong chuyển tài sản

Theo TS. Đinh văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), sau 10 năm thi hành Luật PCTN, công tác phòng ngừa, nhất là trong minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập đã có một bước tiến dài.

TS. Đinh văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra.
TS. Đinh văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra.

Tuy nhiên đến nay, dường như mọi cố gắng đó chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, tham nhũng vẫn là một thách thức lớn đối với quá trình đổi mới và phát triển mà chúng ta phải nỗ lực để vượt qua.

“Ngay việc xác định ai thuộc diện kê khai tài sản đã là điều không đơn giản, nhất là với những người làm công tác quản lý ngân sách tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân”, ông Minh nhấn mạnh.

Quy định về kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên cũng đang có "lỗ hổng" rất lớn để người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng hoặc con đã thành niên, nhất là trong trường hợp những người này không thuộc diện phải kê khai tài sản. 

Trong vụ "biệt phủ sinh thái nghìn tỷ của một quan chức cấp tỉnh" thì mọi giấy tờ liên quan đến khu biệt thự này đều mang tên con trai của vị quan chức, đang là công chức không thuộc diện kê khai tài sản cho thấy "lỗ hổng" này.

Cũng nhấn mạnh, kiểm soát tài sản ở nước ta đang dẫn đến sự bế tắc trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: Tại sao Luật PCTN được đánh giá “đẹp”, tiến bộ, nhưng thực tế chưa đạt được hiệu quả? 

“Đơn giản, nó đẹp, hay, nhưng thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Quan trọng nhất, chống tham nhũng là phải kiếm soát được tài sản, nhưng chúng ta mới kê khai cho đẹp chứ chưa kiểm soát được”, ông Quyền nói.

Phá chuỗi tham nhũng với sự  tham gia của cộng đồng

Câu hỏi đặt ra, đối tượng kê khai như vậy đủ chưa? Hợp lý chưa? Có thực sự cần thiết không? Điều quan trọng cần phải nhắc đến là với số lượng trên dưới 1 triệu bản kê khai tài sản thì việc kiểm soát tính trung thực của việc kê khai thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để thực hiện được mục tiêu “không dám, không thể và không muốn tham nhũng” phải xây dựng Luật Kiểm soát tài sản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để thực hiện được mục tiêu “không dám, không thể và không muốn tham nhũng” phải xây dựng Luật Kiểm soát tài sản.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, kiếm soát được tài sản không chỉ chống được tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, trốn thuế, cho vay nặng lãi, trốn nghĩa vụ thi hành án dân sự, chống sở hữu chéo ngân hàng, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp…

Theo ông Jairo Acuna-Alfoso, cố vấn chính sách của UNDP, cần thu hẹp nhóm đối tượng cán bộ, công chức phải kê khai tài sản ở những chức danh từ Cục trưởng và tương đương trở lên.

“Chọn ngẫu nhiên khoảng 10-20% số bản kê khai tài sản hàng năm để kiểm tra mức độ trung thực. Công khai 10-20% bản kê khai đã kiểm tra ngẫu nhiên và cả những trường hợp bị phát hiện có tài sản/thu nhập bất minh”, ông Jairo Acuna-Alfoso đề xuất.

Ông Bakhodir Burkhanov, Phó giám đốc UNDP nhấn mạnh, tăng cường hiệu quả công tác PCTN là phải “phá vỡ chuỗi tham nhũng với sự tham gia của cộng đồng”. Theo đó, cần thiết lập cổng thông tin điện tử của Chính phủ về kê khai tài sản, thu nhập đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho báo chí và công dân quan tâm theo dõi.

Bên cạnh đó, để tăng cường sự giám sát về tính trung thực của bản kê khai, TS. Đinh Văn Minh cho rằng, “cần tiến tới mở rộng đối với quyền tiếp cận thông tin của công chúng đặt dưới sự kiểm soát nhằm bảo đảm thông tin được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát hiện những nghi ngờ trong việc kê khai tài sản, thu nhập”.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, theo  Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, để thực hiện được mục tiêu “không dám, không thể và không muốn tham nhũng” phải xây dựng Luật Kiểm soát tài sản, nhưng không “bó hẹp” chỉ đối với những người có chức vụ quyền hạn mà phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội vì tài sản “dễ đánh bùn sang ao”.

“Hơn nữa, phòng ngừa tham nhũng là phải phòng ngừa ở chính sách. Nếu chính sách còn tạo ra cơ chế xin - cho thì còn tham nhũng”, ông Quyền chốt lại.

Các chuyên gia cũng lưu ý, tăng trách nhiệm giải trình tài sản tăng thêm cũng như phải tăng cường tính độc lập, tự chủ của các cơ quan có chức năng PCTN. 

Thu nhập ngoài lương làm “khó” kiểm soát thu nhập

Ông Jairo Acuna-Alfoso cho rằng, sau khi Bộ Luật Hình sự được sửa đổi cần phải quy định về làm giàu bất minh trong Luật PCTN.

Theo phân tích của ông Đinh Văn Minh, hiện nay thu nhập của công chức không chỉ từ lương mà từ nhiều nguồn khác nhau là các khoản “tiền công” hoặc “bồi dưỡng” thêm được thừa nhận vì chế độ tiền lương quá thấp. Những khoản này khó xác định nhưng có thể tích lũy dần thành những khối tài sản có giá trị mà chủ nhân khó có thể giải trình. Pháp luật cũng không cấm công chức tham gia đầu tư (trừ các trường hợp xung đột lợi ích).

Cùng với đó là sự biến động về giá cả khiến thu nhập hoặc tài sản của cá nhân có sự biến động khó có thể giải trình và nguyên tắc “trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan nhà nước” là những lý do khiến vấn đề hình sự hóa hành vi làm giàu bất minh chưa được chấp nhận ở Việt Nam. Để hình sự hóa hành vi làm giàu bất minh thì cần kiểm soát được tài sản, thu nhập”.


http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thieu-co-che-kiem-soat-ke-khai-tai-san-chi-dep_t114c1059n97207

Theo Thảo Nguyên/Báo Thanh Tra

Bạn có thể quan tâm